Thứ bảy, 12/7/2014, 09h07

Lạm dụng thực phẩm chức năng - coi chừng rước bệnh vào người!

Hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) hiện đang được lưu hành trên thị trường với những lời quảng cáo “có cánh” như... thần dược, từ tăng cường sinh lực, cải thiện sinh lý cho đấng mày râu hoặc phục hồi tuổi thanh xuân, giảm cân, cải thiện vóc dáng, làn da chị em, cho tới bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, thậm chí là cả bệnh nan y. Thực tế cho thấy thị trường TPCN hiện đang rất “loạn” với không ít loại sản phẩm không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế và nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Tiền mất, sức hao!

Không ngần ngại bỏ ra gần 10 triệu đồng mua 5 hộp TPCN “Beauty & simply” được quảng cáo nhập khẩu từ châu Âu với thành phần tự nhiên có tác dụng cải thiện vóc dáng và phục hồi làn da bị lão hóa, chị Lê Thúy (45 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi bức xúc kể lại: “Trước khi mua, tôi tìm hiểu trên mạng xã hội thì được biết đây là loại TPCN tốt cho phụ nữ bắt đầu tuổi trung niên, khi cơ thể có dấu hiệu béo phì và lão hóa. Thế nhưng trái hẳn với những lời quảng cáo, sau 2 tháng uống hết 3 hộp, tôi thấy sức khỏe, vóc dáng không hề được cải thiện mà còn xấu đi, cân nặng tăng lên, đặc biệt làn da ngày càng xạm đen, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi.

Chưa hết, sau khi tới bệnh viện khám sức khỏe thì các bác sĩ cho biết, trong loại TPCN tôi đang dùng có một số thành phần hóa chất có thể gây nguy hại lâu dài đối với gan và thận!”. Tương tự, anh Tuấn (52 tuổi, ở Hải Phòng) đã chi cả triệu đồng để mua một hộp TPCN được quảng cáo có tác dụng “tăng cường bản lĩnh đàn ông”. Thế nhưng, mới sử dụng được vài ngày, anh Tuấn đã phải nhập viện trong tình trạng nổi mẩn toàn thân, đặc biệt là “hàng họ” liệt hẳn chỉ vì trong “thần dược” này có hoạt chất gây phản ứng nghiêm trọng với cơ địa một số người sử dụng.

Một số thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng bị cơ quan chức năng thu giữ.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong rất nhiều nạn nhân bị đánh lừa bởi những quảng cáo “nổ tung trời” của nhiều loại TPCN đang có trên thị trường. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đã có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị trong thời gian dài chỉ vì quá tin tưởng vào những công dụng của TPCN mà tự hủy hại sức khỏe bản thân. Không chỉ vậy, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch... đang được điều trị tại bệnh viện, nhưng khi nghe những lời quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc để chuyển sang dùng TPCN khiến bệnh thêm trầm trọng. Các bác sĩ cũng cho biết, không ít loại TPCN có thành phần, hoạt chất giống như thuốc, vì thế nếu người dân tự ý sử dụng, lạm dụng mà không có chỉ dẫn của cán bộ y tế thì hậu quả rất khôn lường, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Tràn lan vi phạm

Đời sống phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng các loại TPCN để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và làm đẹp của người dân cũng ngày càng tăng, với ước tính khoảng 6% dân số hiện đang dùng thường xuyên. Cũng từ nhu cầu này nên thị trường TPCN ở nước ta không ngừng phát triển. Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân phối TPCN với hàng ngàn mặt hàng đang được lưu thông trên thị trường, trong đó khoảng 40% là sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là thị trường TPCN rất hỗn loạn, với không ít những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo đánh lừa và gây nguy hại cho người sử dụng. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi 18 mẫu TPCN đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả gây “choáng”: Chỉ mới kiểm tra 8 mẫu đã phát hiện tới 7 mẫu không đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng! Ví dụ như TPCN “Genki 6” và “Genki 9 King’s Secrets” (bán với giá từ 560.000 - 600.000 đồng/hộp) được quảng cáo xuất xứ Mỹ và Nhật Bản với hoạt chất chính là sâm Ginseng noisde có tác dụng nâng cao sức khỏe, phục hồi tuổi thanh xuân, nhưng qua kiểm nghiệm không hề có hoạt chất bổ dưỡng trên. Hoặc như TPCN “Complebiol 4 Joints” chống thoái hóa, phục hồi xương khớp có hàm lượng Glucosamin chỉ đạt 156,6mg/viên, trong khi công bố của sản phẩm này đến 215mg/viên, hàm lượng Vitamin D3 chỉ đạt 6,0 UV/viên, thấp hơn tới 150 lần so với hàm lượng công bố…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, với TPCN thì hàm lượng mỗi thành phần rất quan trọng, khi hàm lượng không đạt thì sản phẩm sẽ không mang lại tác dụng, thậm chí gây hại và đây là hình thức lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn theo ông Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, việc nhiều TPCN có chỉ tiêu hàm lượng các chất không đạt như công bố, thậm chí không phát hiện hoạt chất chính được công bố trong sản phẩm là vấn đề rất đáng quan tâm. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đặc biệt là hậu kiểm các mặt hàng TPCN được đưa ra thị trường.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, TPCN khi đưa ra thị trường phải thử nghiệm công dụng của thực phẩm, nhưng đến nay điều này chưa được triển khai. Hơn nữa, doanh nghiệp phải có chứng nhận hợp quy và thường do đơn vị thứ 3 thực hiện mới cho kết quả khách quan. Thế nhưng, tại Việt Nam, doanh nghiệp lại được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm sau khi sản phẩm được lưu hành. Một điều đáng lưu ý, hiện nay không có quy định nào về quản lý giá của TPCN và giá sẽ do từng công ty công bố. Do vậy, có không ít loại TPCN dù công dụng rất hạn chế nhưng vẫn được bán với giá “trên trời”.

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt nhiều doanh nghiệp, đơn vị cố tình quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm TPCN, gây lầm tưởng cho người tiêu dùng. Kết quả đợt thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu TPCN trên toàn quốc vừa qua cho thấy, trong số 3.781 mẫu được kiểm tra có 1.830 mẫu không đạt (chiếm 48,4%), 14 cơ sở bị đình chỉ hoạt động và 105 sản phẩm TPCN bị đình chỉ lưu hành do kết quả kiểm nghiệm không đạt hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không đúng quy định.

MINH KHANG

(SGGP)