Thứ sáu, 19/9/2014, 16h09

Lý do khiến giảm cân thất bại

Dù đã áp dụng nhiều cách để giảm trọng lượng, nhưng rất có thể một số nguyên nhân sau chính là thủ phạm phá hỏng những nỗ lực của bạn.


Ảnh: Shutterstock 
Ngủ quá ít: Nếu chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, nội tiết tố trong cơ thể sẽ bị trục trặc, nó sẽ gây ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và cuối cùng dẫn đến tăng cân. Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo khi bị thiếu ngủ, thức ăn không được tiêu hóa một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, những người bị mất ngủ thường có thói quen ăn khuya hoặc uống cà phê. Thói quen này càng khiến mọi việc thêm tồi tệ. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ ngay cả ngày cuối tuần là cách duy trì trọng lượng ổn định. Ngoài ra, cần lưu ý tránh uống cà phê sau 4 giờ chiều và loại bỏ điện thoại, các thiết bị công nghệ ra khỏi phòng ngủ, thay vào đó hãy để tâm trí thư giãn bằng cách đọc sách trước khi chìm vào giấc ngủ.
Chán nản: Đây là một trong những thủ phạm khiến cây kim trên bàn cân có xu hướng nhích về phía bên phải ngày càng nhiều. Hầu hết những người thất bại trong việc giảm cân thường có mối quan hệ rất “tình cảm” với thực phẩm. Khi chán nản hay buồn phiền, một số người có xu hướng ăn nhiều hơn lúc bình thường. Họ luôn có cảm giác hạnh phúc khi giải tỏa nỗi buồn bằng việc nạp thật nhiều thức ăn vào bụng. Muốn chống lại sự thèm ăn, hãy lựa chọn các món ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, các loại hạt, yaourt... 
Gặp vấn đề về tuyến giáp: Suy tuyến giáp có thể làm chậm sự trao đổi chất, và đây là nguyên nhân khiến nhiều người tăng cân. Nếu được điều trị, các kích thích tố sẽ cân bằng và trọng lượng sớm trở lại bình thường. Các triệu chứng của suy giáp bao gồm: mệt mỏi, táo bón, đau nhức, da khô, tóc yếu và cảm giác ớn lạnh. Những người không kiểm soát được cân nặng, nếu gặp một trong số những triệu chứng này, nên gặp bác sĩ để làm xét nghiệm máu.
Hội chứng buồng trứng đa nang: Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang thường có xu hướng tăng cân không kiểm soát. Họ đề kháng với insulin, giống như những người bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, khác với bệnh tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang gây khó khăn cho việc chuyển đổi các hoóc môn testosterone trong buồng trứng thành hoóc môn nữ estrogen. Mức độ testosterone cao trong cơ thể là nguyên nhân gây tăng cân và kháng insulin.
Ăn khuya: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ calo trước khi đi ngủ 1 hoặc 2 giờ có xu hướng dễ tăng cân hơn so với những người ăn trước thời điểm đó từ 4 - 5 tiếng. Ăn cách giờ đi ngủ khoảng 1 tiếng, lượng calo sẽ chuyển thành chất béo và lưu trữ trong cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất nên ăn bữa chính vào giờ ăn trưa và sau đó ăn một bữa nhẹ nhỏ hơn vào buổi tối, ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ. Khả năng cơ thể tiêu hóa thức ăn giảm đi khi mặt trời lặn.
Hạ Yên (TNO)