Thứ sáu, 19/12/2014, 11h12

Gánh nặng nợ công

Nợ công VN tăng nhanh trong 4 năm qua, lên tới hơn 1,5 triệu tỉ đồng. Vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại nhất là khả năng trả nợ, cả lãi vay lẫn nợ gốc như thế nào trong bối cảnh thâm hụt ngân sách có chiều hướng xấu hơn do giá dầu thô giảm sâu.

Ụ nổi của Vinalines bỏ hoang là điển hình của đầu tư công kém hiệu quả - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo bản tin nợ công do Bộ Tài chính vừa công bố, tính đến hết năm 2013, nợ công VN đã lên tới 1,5 triệu tỉ đồng, tương đương 60% GDP; dự báo cuối năm nay, nợ công chiếm khoảng 60,3% GDP và đạt đỉnh 64,9% GDP vào năm 2017. Đó là chưa tính khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh trong năm 2013 là 396.113 tỉ đồng. Riêng khoản nợ này cũng liên tục tăng cao trong các năm qua.
Chuyển hướng vay trong nước
Bản tin nợ công cũng cho biết, trong khi nợ nước ngoài của VN có xu hướng tăng chậm lại (từ 42,2% GDP năm 2010 còn 37,3% GDP năm 2013) thì nợ trong nước lại tăng cao. Cụ thể là từ 359.135 tỉ đồng năm 2010 lên 753.000 tỉ đồng năm 2013. Cũng trong năm 2013, tổng số tiền chi trả nợ của Chính phủ tăng gần gấp đôi so với năm 2010, tới gần 186.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ của Chính phủ so với thu ngân sách 4 năm qua cũng tăng liên tục từ 158% lên hơn 184%.
Về mức tăng nợ nước ngoài chậm lại, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Trong năm qua, VN đã chuyển hướng từ vay nợ nước ngoài sang tăng vay trong nước, thông qua hình thức bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại. Đó là lý do tại sao nợ nước ngoài tăng chậm trong năm 2013, xuống còn 37,3%. Theo ông Phong, vay nước ngoài giảm chủ yếu sau một vài sự cố, đặc biệt là vụ Vinashin, khiến khó vay hơn. “Nhưng nợ nước ngoài hay nợ trong nước không phải là vấn đề quan trọng, vì tính chung nợ công vẫn ở mức quá cao, lên tới 1,5 triệu tỉ đồng và con số trả nợ cũng quá lớn. Càng lo ngại hơn khi trong 3 năm tới là quãng thời gian phải trả nợ lớn nhất”, ông Phong khuyến cáo.
Gánh nặng nợ công - ảnh 2
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định nợ nước ngoài “tăng chậm chứ không phải giảm xuống”, vì chúng ta không còn nhiều khả năng để vay. “Không có chuyện vay nợ trong nước an toàn hơn vay nước ngoài, vấn đề là có đủ khả năng trả nợ hay không”, ông Thành bình luận.
Lý giải nguyên nhân vì sao VN luôn đưa ra nhiều chính sách giảm vay nợ, nhưng nợ công vẫn tăng mạnh từng năm, như từ năm 2010 đến 2013 tăng 70%, cụ thể từ 889.000 tỉ đồng lên 1,5 triệu tỉ đồng, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Cái chính là vì ngân sách không đủ cho chi tiêu, đầu tư, trả nợ nên thiếu hụt. Thiếu hụt thì phải đi vay, nợ mới chồng nợ cũ; lãi vay chồng lên nợ gốc... nên nợ công ngày càng cao. Có người thậm chí còn thẳng thắn cảnh báo ngân sách không đủ để trả lãi nợ công, chứ chưa tính tới nợ gốc. Điều này VN cần phải làm rõ. Một vấn đề khác nguy hiểm là chúng ta vay nợ để phục vụ cho đầu tư công, cho đầu tư phát triển nhưng lại để một phần bị mất mát và ngân sách phải gánh chịu phần mất mát đó”, ông Thành nhấn mạnh.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, lưu ý: “Thực tế, thời gian qua VN có giảm phần nào vay vốn ODA và việc vay nước ngoài cũng có cân nhắc, không phải vay ồ ạt. Còn nợ trong nước tăng gấp đôi là vì thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục. Trái phiếu chính phủ bán ra rất dễ tiêu thụ bởi là món quà cho các ngân hàng thương mại, do lãi suất cao”.
Kiểm soát chặt chi tiêu
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách có nguy cơ giảm sâu do giá dầu thô thế giới giảm mạnh, TS Nguyễn Minh Phong tỏ ra lo lắng về nguồn tiền trả nợ. “Cần tăng thu thuế để không hụt thu ngân sách và có tiền trả nợ. Trong đó, như nhiều người đề cập, sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt hàng như thuốc lá, rượu. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc thu thuế, hạn chế tối đa vấn đề trốn thuế, lách thuế...”, ông Phong nói.
TS Lê Đăng Doanh thì kêu gọi tích cực tái cơ cấu ngân sách, bởi thực tế vẫn chi thường xuyên quá cao, đồng thời giảm mạnh lãng phí trong chi tiêu công và đầu tư công. “Ngân sách hiện nay là hết sức khó khăn. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đã rất cao. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ này là 17% GDP trong khi VN là hơn 21%. Đó là lý do cần điều chỉnh thu chi ngân sách”, ông Doanh nói và nhấn mạnh: “Chúng ta đang chi vượt quá thu và sống trên vay nợ. Đó là một bối cảnh hết sức nguy hiểm”.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: Sức khỏe của nền kinh tế hiện nay không tốt, không sáng sủa, doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước “chết” hàng loạt, xuất khẩu lại phụ thuộc quá mức vào DN có vốn đầu tư nước ngoài khi chiếm tới 68% tổng kim ngạch xuất khẩu... Trong điều kiện như vậy thì ngân sách lấy nguồn nào để đảm bảo chi tiêu, đầu tư, trả nợ? “Đủ khả năng trả nợ hay không là vấn đề quan trọng. Vì thế, cần kiểm soát chi tiêu một cách nghiêm túc để tránh nguy hiểm cho nền kinh tế; có chính sách phục hồi kinh tế phù hợp để có nguồn thu ngân sách bền vững. Một DN, nếu chi nhiều hơn thu, là phá sản, cho nên chủ DN nếu rơi vào trường hợp này sẽ bằng mọi cách không để DN mất khả năng thanh toán”, ông Thành nói.
Doanh nghiệp nợ quá lớn
Theo TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính cần cho biết lãi suất phải trả của mỗi khoản nợ công ra sao và nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là bao nhiêu.
Ông Trinh dẫn công bố của Tổng cục Thống kê trong tài liệu Sự phát triển của DN VN giai đoạn 2006 - 2011 và các số liệu cập nhật cho thấy đến cuối 2012, nợ của khối DNNN vào khoảng 192 tỉ USD, chiếm khoảng 124% GDP. Còn DN ngoài nhà nước (DN nội) thì tổng nợ phải trả là 415 tỉ USD, bằng 269% GDP. Tính chung nợ của hai khối DN này lên tới 607 tỉ USD. Nếu lãi suất bình quân 3 - 4% thì khối DN nội phải trả lãi hằng năm từ 12 - 16 tỉ USD. Nhưng vấn đề nguy hiểm hiện nay là DN làm ăn khó khăn, tỷ suất lợi nhuận của DNNN chỉ khoảng 3%, DN ngoài nhà nước chỉ 1% thì lấy tiền đâu để trả nợ? Một khi DN không ăn nên làm ra sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và khả năng trả nợ.
Theo TNO