Thứ sáu, 23/1/2015, 16h01

Bất an thực phẩm mùa cuối năm: Kỳ 4: Bắt mắt nhưng chưa chắc sạch

Một cửa hàng bán bún, bánh tươi (bánh phở, bánh ướt…) của hơn chục lò sản xuất trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh
Măng, bún tươi là một trong những loại thực phẩm tiêu thụ với số lượng lớn vào mùa Tết. Người tiêu dùng có thể bị đánh lừa bởi màu sắc bắt mắt, độ tươi ngon của loại thực phẩm này.
Măng tươi tẩm hóa chất
Mới đây, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phía Nam - C49B, Bộ Công an và Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM đã theo dõi, phát hiện 3 cơ sở sản xuất và kinh doanh măng tươi tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. Cơ quan này cũng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất và kinh doanh của các cơ sở nói trên để tiếp tục điều tra về hành vi gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Đây là vụ phát hiện măng tươi tẩm hóa chất đầu tiên tại TP.HCM với số lượng lên đến hơn nửa tấn.
Hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cảnh báo nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít hộ sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vẫn phớt lờ, gây bất an trong dư luận. Hành vi gây nguy hại đến sức khỏe của các cơ sở sản xuất măng tươi là sử dụng hóa chất không được phép sử dụng trong việc ngâm tẩm. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, người bán hóa chất, phụ gia thực phẩm lâu năm ở chợ Kim Biên (Q.5), khi măng tươi được tẩm loại hóa chất sẽ kéo dài thời gian bảo quản, giữ màu sắc tươi và đặc biệt là giữ độ giòn, ngọt đặc trưng. Cũng theo ông Hòa, hóa chất dùng ngâm tẩm thực phẩm không phải một mà có tới hàng chục loại, đặc tính gần giống nhau, chỉ khác về giá cả, liều lượng sử dụng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết hóa chất đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Có loại hóa chất khô, cô đặc thành miếng và bán theo ký, cũng có loại hóa chất dạng nước bán theo lít, giá chỉ từ 24.000 đồng đến 60.000 đồng/ kg hoặc lít”, ông Hòa cho biết thêm.
Trước đó, khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu hóa chất để xử lý thực phẩm dự trữ bán Tết với số lượng lớn, ông Hòa chẳng giấu giếm cách pha chế: “Bất kỳ thực phẩm nào, từ thịt heo, thịt gà đến măng tươi… thông thường cứ theo tỷ lệ 100-200-1, có thể thấp hoặc cao hơn chút đỉnh cũng chẳng sao. Tỷ lệ này được hiểu 100kg thực phẩm ngâm trong 200 lít nước hòa với 1 muỗng cà phê (hoặc muỗng canh) hóa chất, tùy vào thời gian cần bảo quản cũng như loại thực phẩm. Để cả năm chẳng hỏng hóc gì, bảo đảm vẫn giữ được mùi và độ giòn, ngọt”.
Khi được hỏi nguồn gốc về số măng tươi, măng chua mà chị Bùi Thị Thúy, tiểu thương chợ Tân Định bán trong nhiều năm qua thì được thông tin: “Cái này người ta mang đến giao chứ mình không có điều kiện để chế biến. Hơn nữa, làm măng tươi không dễ, tôi cũng đã nắm được công thức nhưng khi áp dụng, măng để chừng vài ngày là có mùi rất khó chịu”.
Bún bẩn tràn lan
Không chỉ có bún mà các loại bánh phở, bánh canh, bánh ướt chế biến sẵn bán ở các chợ lớn, nhỏ đều có sử dụng phụ gia không được phép sử dụng hoặc không được sử dụng quá liều (vượt mức cho phép) trong chế biến thực phẩm. Chị Huỳnh Thu Nga, chủ lò bún và các loại bánh tươi ở đường Trần Văn Quang (Q.Tân Bình) cho biết với 1kg gạo sẽ cho ra khoảng 2kg bún, tuy nhiên không phải loại gạo nào cũng đảm bảo được số ký bún thành phẩm. Giá mỗi ký bún tươi hoặc bánh đi bỏ mối chỉ từ 8.000-15.000 đồng/kg, tính tiền công thợ, chi phí vận chuyển… thì huề vốn là mừng, lấy đâu có lời.
Theo chị Nga, đó là lý do khiến các lò bún phải tìm cách pha chế vào bột gạo những loại bột khác rẻ tiền để giảm gạo. Chị Nga thông tin lấp lửng khi chúng tôi hỏi: “Bột mì, bột khoai gì đó…”. Theo tìm hiểu, khi trộn bột này để chế biến sẽ cho ra lượng bún nhiều hơn, có điều bún sẽ giảm đi mùi gạo và không được trắng.
Chị Nga cũng cho biết, với gạo ngon, được chà trắng cỡ nào, dây chuyền hiện đại ra sao cũng không thể cho ra bún có màu trắng sáng được. Mà bún trắng lại là “tiêu chí” lựa chọn của người tiêu dùng. Vì thế mà những lò sản xuất bún uy tín lâu năm cung cấp hàng tấn bún mỗi ngày ra thị trường nếu không muốn bị đóng cửa sớm thì phải sử dụng chất phụ gia làm trắng. “Người tiêu dùng còn hạn chế trong việc phân biệt đâu là bún sạch, đâu là bún có sử dụng hóa chất, phụ gia làm trắng. Họ cứ thấy bún có màu ngà đục là… né”, bà Sáu Minh, tiểu thương chợ tạm Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè) nói.
Việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến thực phẩm tràn lan, “đầu độc” người sử dụng như hiện nay xuất phát từ hám lợi nhuận của các cơ sở. Bên cạnh đó, quản lý kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm cũng cần đề cập tới. Mua dễ như mua kẹo, giá rẻ như bèo, tăng lợi nhuận từ 20-50% khi sử dụng ai mà không ham.
Bài, ảnh: Trần Anh
Người tiêu dùng cần thay đổi thói quen
ThS.BS Trần Xuân Trường, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM khuyến cáo, bún là thức ăn trực tiếp, có thể dùng để thay cơm hàng ngày mà không cần phải qua công đoạn chế biến nên khi ăn phải bún có sử dụng phụ gia, ít nhiều cơ thể hấp thụ trực tiếp chất độc hại. Ở một mức độ nào đó, cần thiết có thể sử dụng chất phụ gia để đáp ứng yêu cầu công nghệ trong sản xuất, đóng gói, vận chuyển… tuy nhiên vì sức khỏe người tiêu dùng nên chọn các loại phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép và giới hạn cho phép của Bộ Y tế. Người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen lựa chọn thực phẩm có màu sắc bắt mắt, vẻ hấp dẫn bề ngoài bởi ít nhiều chúng được xử lý bằng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, rất dễ ngộ độc và có nguy cơ tử vong cao.