Thứ hai, 26/1/2015, 20h01

Bất an thực phẩm mùa cuối năm: Kỳ cuối: Mua tại siêu thị là an toàn nhất

Lực lượng chức năng đang bắt quả tang một vụ san chiết bột ngọt trôi nổi. Ảnh: C.V
Để hiểu hơn về tình hình thực tế trong công tác kiểm tra thanh tra khâu an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian đầu năm 2015, Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM.
PV: Xin ông có thể cho biết tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong những tháng cuối năm Giáp Ngọ diễn biến như thế nào?
Như một quy luật, thời gian cuối năm, nhất là vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân luôn tăng cao. Chính vì thế, đòi hỏi các nhà sản xuất phải tìm cách đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng bằng cách tăng sản lượng sản xuất và số lượng sản phẩm hàng hóa. Trong siêu thị hay ngoài chợ hàng hóa phong phú hơn trước về số lượng, chủng loại. Và cũng hơn bao giờ hết, các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm rất dễ bị vi phạm khi ý thức người dân thiếu tự giác. Cho nên đây được coi là tháng cao điểm để các cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có các đợt thanh tra và kiểm tra mới xử lý và thu hồi các sản phẩm không an toàn nếu có để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì thế việc thanh kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất là rất cần thiết.
Ông có đánh giá nhận xét gì về cách quản lý hiện nay tại các đơn vị cơ sở cấp quận huyện. Đâu là bài học kinh nghiệm về công tác quản lý và tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm qua những trường hợp trên?
Theo đánh giá chung, thời gian qua, nhất là trong năm 2014, các cơ sở cung cấp dịch vụ công như UBND các quận/huyện đã thực hiện đầy đủ chức năng và chịu trách nhiệm về nhận trả giấy tờ hồ sơ cấp phép kinh doanh đúng thời hạn. Đó là ưu điểm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn thiếu nhân sự nhất là các phường/ xã, mạng lưới đội ngũ cán bộ mỏng. Đặc biệt, qua kiểm tra nhiều hộ kinh doanh chưa có đăng ký giấy phép nhất là dạng thức ăn đường phố bày bán vỉa hè, lề đường chưa được quản lý hết. Đây vẫn là khó khăn chung của ngành tại cơ sở.
Dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu của người dân nên tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đảm bảo và việc quản lý cần được thắt chặt hơn. Mong ông cho biết Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế TP.HCM đã có những phương hướng và kế hoạch cụ thể gì?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa 
Trong thời gian cao điểm này, Ban chỉ đạo liên ngành đã có kế hoạch cụ thể trước, trong và sau Tết Nguyên đán với 2 nội dung. Đó là khâu truyền thông và công tác thanh kiểm tra. Dựa vào quy định của Luật An toàn thực phẩm, các đoàn thanh tra chuyên ngành được thành lập với ít nhất 24 đoàn thanh tra liên ngành tương đương với 24 quận/ huyện. Dựa vào kế hoạch chi tiết từ cấp sở ngành, các đơn vị quận/ huyện sẽ xây dựng từng kế hoạch cho mình về thanh kiểm tra và vận động tuyên truyền ý thức cho người dân. Cùng với các đoàn thanh tra liên ngành tại các cơ sở, riêng TP.HCM có một đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với UBND quận/ huyện thực hiện triển khai kế hoạch trong dịp Tết âm lịch sắp đến. Chúng tôi tin rằng, họ sẽ làm tốt vai trò và nhiệm vụ được phân công.
Ông có lời khuyên như thế nào đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh nhất là trong thời gian Tết âm lịch sắp đến?
Trong tình hình hiện nay, có không ít sản phẩm tiêu dùng về ăn uống vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì thế, người dân hãy tự bảo vệ mình bằng cách chọn lựa sản phẩm đảm bảo khâu vệ sinh. Nên chọn mua các loại sản phẩm có nguồn gốc cụ thể, xuất xứ rõ ràng. Các sản phẩm lựa chọn phải có bao bì nhãn mác còn mới được bày bán những nơi đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra phải chú ý những sản phẩm đòi hỏi cần có điều kiện bảo quản đặc biệt khác. Siêu thị là nơi đáp ứng đủ yêu cầu trên nên khách hàng cần mua các sản phẩm tại siêu thị là an toàn nhất. Hạn chế mua thức ăn đường phố các loại hàng rong bày bán mất vệ sinh ngoài đường. Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho mọi thành viên trong dịp Tết đến xuân về.
Những đề nghị đối với các ban ngành liên quan như Cục Thú ý, Sở Nông nghiệp, Sở Y tế, trung tâm dinh dưỡng… để có sự phối hợp đồng bộ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong việc làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm mục đích cuối cùng là đảm bảo sức khỏe cho người dân, thưa ông?
Trước đây Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã có sự hỗ trợ và hợp tác với các ban ngành. Để Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi mong rằng tất cả tiếp tục chung sức chung tay vì sức khỏe của cả cộng đồng. 
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Ngọc Quang (thực hiện)