Chủ nhật, 9/6/2013, 23h06

“Cây xóa nghèo” cho người dân

Ông Pho đang tưới phân cho rau nhút
Khoảng 2 năm trở lại đây, huyện Bình Chánh, TP.HCM là địa phương có diện tích trồng rau nhút lớn nhất TP.HCM. Nhiều hộ gia đình người địa phương cũng như người từ các tỉnh, thành đến thuê đất đã thoát nghèo nhờ cây rau nhút.
Thoát nghèo
Có dịp đi qua đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn qua các xã Phong Phú, Bình Hưng và Hưng Long, huyện Bình Chánh mới thấy ở đó thật sự là “thánh địa” của rau nhút. Từ mờ sáng, nhiều phương tiện đã tập kết chờ vận chuyển rau nhút về các chợ. Hai bên đường là những “đại lý” rau nhút chuyên bán sỉ và lẻ luôn nhộn nhịp người mua bán. Chị Nguyễn Thị Khánh An, người bán rau nhút tại đây cho biết: “Gia đình tôi chỉ có hai công đất. Trước chủ yếu thu hoạch mang ra chợ bỏ mối, bây giờ người ta đến tận nơi để lấy hàng nên có thời gian rỗi để mua hàng ra đây bán lẻ”. Hỏi chuyện thu nhập, chị An cười tít mắt: “Tiền lãi không cao nhưng cũng có đồng ra đồng vào mỗi ngày. Dù sao trồng rau nhút vẫn nhẹ công nhưng có tiền nhiều hơn đi phụ hồ”. Những gia đình không có nhân công để thuê đất trồng rau thì làm “đại lý” thu mua. Có không ít người từ miệt Tiền Giang, Long An và Bến Tre cũng lên đây mở “đại lý”, mỗi ngày cung cấp cả tấn hàng về tỉnh nhà cũng như các tỉnh miền Đông. Hộ gia đình có diện tích trồng rau nhút lớn nhất nhì xã Bình Hưng là hộ ông Trần Văn Tân. Có thể nói ông Tân là người đầu tiên trồng rau nhút tại địa phương. Từ diện tích hơn một công đất, ông Tân mạnh dạn thuê thêm đất để mở rộng. Ông Tân nhẩm tính: “Sau khi trừ chi phí công cán, phân thuốc và tiền thuê đất, trung bình mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng”. Anh Nguyễn Văn Tám đến từ An Giang thuê đất trồng rau từ cuối năm 2009, cho hay thời gian trước trồng rau nhút còn ngại ở đầu ra, chứ bây giờ rau chưa đến ngày thu hoạch là thương lái đã tìm đến đặt cọc. Vừa thu hoạch xong lứa này là họ lại bỏ cọc cho lứa sau.
Nụ cười được mùa
Được mệnh danh là “vua” rau nhút ở xã Bình Hưng là ông Nguyễn Văn Pho. Hiện ông Pho đang sở hữu gần 2ha đất trồng rau nhút, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 5 tấn rau. Đó là chưa kể gần 5.000m2 ông mới thuê hồi đầu năm. Ông Pho hồ hởi cho biết, rau nhút là một loại rau dễ trồng, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, người trồng phải đặc biệt chú ý đến quá trình chăm sóc, phân thuốc kỹ càng và quan trọng hơn hết là theo dõi chất lượng nguồn nước. Theo ông Pho, lợi nhuận cao nhờ vào tiền thuê đất cũng như chi phí thấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một công đất thuê từ 3-5 năm có giá từ 12-15 triệu đồng/ năm. “Với giá thuê như thế, chỉ cần một hoặc hai mùa thu hoạch (mỗi năm có thể thu hoạch từ 4-6 lần, tùy theo thời tiết thuận lợi) là có thể trả tiền thuê cho cả năm”, ông Pho khẳng định.
Cách đây vài năm, dọc theo hai bên đại lộ Nguyễn Văn Linh là vùng trũng, dừa nước um tùm cao ngút ngàn. Giờ đây, màu xanh của lá dừa nước được thay thế bằng màu xanh của rau nhút. Để tiện việc chăm sóc cũng như canh giữ rau, người dân đã dựng những căn chòi tạm giữa đồng.Theo bà con trồng rau nhút ở xã Phong Phú và Bình Hưng, khu vực bà con đang trồng rau cách xa các nhà máy, xí nghiệp nên không lo ngại vấn đề rau bị nhiễm chất thải chưa qua xử lý. Anh Tám khẳng định: “Nước ô nhiễm thì không thể lội dưới nước hàng giờ để cắt rau cũng như tưới phân trên lá. Nếu có thì chỉ cần lội xuống vài phút là ngứa ngáy, thậm chí phải nhập viện”. Ngoài chú trọng việc nuôi cá cảnh cũng như cá thương phẩm, Hội Nông dân huyện Bình Chánh cũng đã xác định trồng rau nhút là một mô hình hiệu quả, đem lại đời sống kinh tế khá giả cho hội viên. Hội cũng đã bắt tay cùng nông dân tìm hiểu và áp dụng phương thức, kỹ thuật trồng tiên tiến.
Những ngày này, đến Bình Chánh sẽ bắt gặp màu xanh bạt ngàn của rau nhút và cảnh nhộn nhịp người mua bán. Từ sáng sớm, từng chuyến xe tải chở rau về cung cấp cho các chợ lớn nhỏ trong và ngoài thành phố. Trên mỗi gương mặt người nông dân luôn ánh lên nụ cười vì rau nhút được mùa lại có giá.
Bài, ảnh: Trần Anh
Theo chị An, ở xã Phong Phú có hơn 30 người chuyên thu mua rau bỏ mối ở khắp các chợ, quán ăn, nhà hàng trong thành phố. Thế nên người dân địa phương còn gọi cây rau nhút là “cây xóa nghèo”.