Thứ ba, 2/9/2014, 20h09

Chuyện tình bên dòng Sê Pôn

70 tuổi, khi đã có con đàn cháu đống, ông Pả Khưm mới đăng kí kết hôn
Vượt qua rào cản địa giới quốc gia, bất chấp mọi khó khăn, cách trở, theo tiếng gọi tình yêu, có hàng trăm nam thanh, nữ tú ở tuyến biên giới Việt - Lào, đoạn tiếp giáp biên giới của hai huyện Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và tỉnh Savanakhet (Lào) đã đến với nhau và nên duyên vợ chồng.
Đằng sau những cuộc nhân duyên ấy là cả một câu chuyện dài liên quan đến pháp lý mà có khi sống với nhau quá nửa đời người, những cặp vợ chồng ấy mới được cầm trong tay bản đăng kí kết hôn hợp pháp…
Những cuộc tình “vượt biên”
Tiết trời đầu thu, những cơn mưa rừng miền Tây thi thoảng đổ xuống bất ngờ, ràn rạt. Người đi đường không còn cách nào khác phải nhanh chân tấp xe vào lề đường hoặc tìm một cái quán nhỏ nào đó sát ven đường trú tạm. Câu chuyện chúng tôi “nhặt” được cũng từ cái đận trú mưa vô tình ấy. “Ở xã này có hơn 20 cặp vợ chồng hôn nhân có yếu tố nước ngoài”, anh Hồ Văn, Phó chủ tịch UBND xã Xy (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nói. Trong căn nhà sàn cheo leo sườn dốc ở bản Ra Man (xã Xy), hai vợ chồng anh chị Hồ Ra Seng (31 tuổi) và Hồ Ta Lư cặm cụi người thổi cơm chiều, người chăm con. Với chất giọng trầm trầm pha chút rụt rè khi kể về chuyện đời mình, anh Seng nói: “Miềng (mình) lớn lên ở đây, quen với việc đi rừng, làm cây lúa rẫy. Mấy năm qua bên bản Ổi (Lào) để giúp bà con bên ấy mỗi khi có việc cần, rồi miềng gặp cô ấy. Qua lại một thời gian thì quyết định về với nhau cho đến tận bây giờ”. Bữa cơm thân mật với chum rượu nhạt cùng sự có mặt của bà con thân thích hai bản. Một chiếc thuyền con đưa cô dâu sang sông Sê Pôn. Thế là hoàn thành một đám cưới. Cưới nhau 5 năm, có với nhau đến 3 mặt con. Cuộc sống nghèo túng. Hai vợ chồng ngày ngày lên rẫy cuốc đất trỉa xuống hạt lúa rồi thuê thêm sào đất trồng sắn, nuôi thêm vài ba con gà, lợn… Chừng đó nguồn thu cứ xoay như chong chóng mới đủ cái ăn qua ngày. Thiếu trước, hụt sau, chắp vá mãi nhưng tình cảm luôn nồng ấm. Ngồi bên chồng, nghe chồng kể chuyện, chị Lư ôm đứa con nhỏ cười tủm tỉm đầy hạnh phúc.
Rời bản Ra Ma, chúng tôi tìm đến nhà Pả Khưm ở xã Thuận. “Trước đây mình đã có vợ là người cùng xã. Bà ấy bỏ mình đi khi còn rất trẻ. Một mình cảnh gà trống nuôi con, nhiều lần sang Lào làm thuê, miềng gặp cô ấy (vợ miềng bây giờ). Cảm mến nhau rồi được các con ủng hộ nên miềng đón cô ấy về. Rứa mà cũng ngót 20 năm rồi, từ ngày có bà ấy, mọi bỡ ngỡ ban đầu về tập tục cũng đã qua…”, Pả Khưm ngồi cạnh vợ kể lại. Đôi mắt ông vời vợi phía đỉnh núi. Ngừng giây lát, ông nói rằng, chuyện nên duyên giữa ông với người vợ quốc tịch Lào là duyên phận.
Câu chuyện của vợ chồng ông Hồ Văn Thưm và bà Kan Lịch ở thôn Cù Tai 2 (xã A Bung, Đakrông) cũng khiến người nghe xúc động. Ở vào cái tuổi 72, trông ông bà vẫn minh mẫn và khá hài hước khi kể về chuyện tình của mình. Ông Thưm bắt đầu câu chuyện bằng tiếng Việt chậm rãi: “Trước đây, miềng cũng sinh sống ở Việt Nam nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, miềng dạt sang Lào sinh sống rồi nhập quốc tịch bên ấy. Tuy ở hai đất nước khác nhau nhưng bà con Vân Kiều hai bên xem nhau như anh em, qua lại giúp đỡ nhau làm ăn. Cũng từ đó miềng gặp rồi ngỏ lời yêu Kan Lịch qua những đêm đi sim, hát Xà Nớt trao duyên. Từ ngày cưới Kan Lịch đến giờ miềng về ở hẳn bên này luôn. Lúc chuẩn bị cưới, miềng cũng lo lắm. Lo tập tục đôi bên khác nhau. Nhưng rồi có tình yêu, khó khăn dần vượt qua được hết. Hơn 40 năm gắn bó, vợ chồng miềng đã có với nhau 5 mặt con, các con lớn đều đã lần lượt lập gia đình. Cuộc sống tuy nghèo nhưng gia đình đầm ấm”. Trong cái nhìn thăm thẳm của ông già đã ngoài 72 tuổi, dường như sự xa cách về địa lý không làm lòng ông cô đơn, bởi hai bên bờ sông đâu cũng là quê.
Tấm “căn cước” muộn màng

Vợ chồng anh Hồ Ra Seng có với nhau 3 mặt con mới biết đến tờ hôn thú
Lần theo câu chuyện của những đôi vợ chồng mang hai quốc tịch ở miền biên giới này, tôi chợt nhận ra rằng, hôn nhân trong quan niệm của họ vắng hẳn bóng dáng của luật pháp. Sống trong xã hội, không phải họ không thượng tôn pháp luật, nhưng đa phần họ đều thiếu hiểu biết. Với họ, một đám cưới đầy đủ thủ tục chỉ khi hai bên gia đình chung nhau chén rượu nhạt dưới sự chứng kiến đầy đủ của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng. Bởi vậy, khi chúng tôi hỏi anh Hồ Ra Seng sao trước ngày cưới không đi làm giấy đăng kí kết hôn, ngẩn người giây lát, anh bảo: “Vừa rồi vợ chồng mình được cán bộ xã cấp giấy chứng nhận kết hôn đấy”. Có với nhau đến 3 mặt con, hai vợ chồng anh mới được chính thức kí vào tờ giấy đăng kí kết hôn!

Ở vào cái tuổi ngoài 70, Cầm trên tay tấm giấy đăng kí còn nguyên mùi giấy mới, ông Thưm thì bồi hồi nhớ lại: “Ngày lấy bà ấy mình có biết gì đến thủ tục này đâu. Sau đêm đi sim hát điệu Xà Nớt trao duyên rồi cầm tay bà ấy về thưa với gia đình. Hai bên tổ chức lễ cưới có sự chứng kiến của trưởng bản, già làng. Cứ nghĩ rứa là hoàn thành rồi. Ai ngờ chừ đến cuối đời khi có con đàn cháu đống mới biết rằng gần cả cuộc đời trôi qua hai ông bà tui vẫn chưa thành vợ chồng thật theo pháp luật. Thú thiệt, ngày được cán bộ xã trao giấy rồi hai vợ chồng điểm chỉ vào đó, thấy vui cái bụng lắm. Vui như hồi thời trai trẻ cầm tay bà ấy dắt vào gian chính diện để báo cáo ông bà, tổ tiên vậy!”. Ngồi cạnh chồng, Pỉ Thưm cứ tủm tỉm cười, liên tục rít ống điếu thuốc Lào để che đi sự ngượng ngùng trước con cháu khi kể về tình yêu của mình. Ở tuổi xế chiều, mỗi ngày trôi qua, ông bà cùng nhau đỡ đần việc lớn việc nhỏ, với họ thêm một mùa trăng thì tình nghĩa vợ chồng ngày càng gắn bó, còn ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục pháp luật quy định có lẽ đến bây giờ họ mới biết.
Anh Hồ Tà Lộc, cán bộ tư pháp xã Xy (huyện Hướng Hóa) nói rằng, đối với người miền xuôi, tấm giấy chứng nhận đăng kí kết hôn hợp pháp có lẽ là “chứng chỉ” đảm bảo trước khi hai người đến với nhau. Còn ở rẻo cao này, họ yêu nhau, vượt cả biên giới về sống với nhau nhưng mãi đến khi có vài ba mặt con, thậm chí có cháu nội ngoại rồi mới ngỡ ngàng: Thì ra hôn nhân ngoài sự giao ước của hai bên gia đình còn phải kí vào tấm giấy hồng của cán bộ xã giao cho mới hợp pháp!
Phan Vĩnh Yên