Thứ ba, 13/9/2011, 22h09

Đánh bắt cá bằng điện đang tận diệt các sông ở Huế

Mỗi đêm, hàng chục thuyền đánh bắt cá bằng điện (còn gọi là kích điện) quần đảo trên sông Hương và các kênh rạch ở Huế khiến chúng ngày càng ô nhiễm, biến đổi theo chiều hướng xấu.

Đánh cá điện đêm

Không sinh vật nào sống nổi
Đang vớt ốc, bỗng mấy đứa cháu của anh Bùi Văn Chuột giật mình nhảy lên bờ hét vang vì bị nhiễm điện. Đó là do chiếc thuyền 2.5m đang lừ đừ xăm soi từng đám bèo, triền sông đang kích điện. Những chú cá chạy lung tung thoát khỏi vùng điện nhưng rồi đuối sức nằm gọn trong vợt. Chốc chốc trong ánh đèn, một vài con cá to chừng ba ngón tay được vớt lên khỏi mặt nước. Họ nâng nâng tay vợt có vẻ hài lòng vì được con cá lớn. Khi thuyền qua, để lại làn bọt trắng và xung quanh lốm đốm những chú cá nhỏ li ti chết trắng phơi bụng hay ngáp ngáp trong bất lực.
Anh Chuột cho biết trên sông Hương khu Đông Ba này có 5 – 6 thuyền đánh kích. Còn những khu vực khác như Vĩ Dạ, Bao Vinh, Phú Hiệp, Hương Sơ… thì nhiều lắm. Để tránh bị “dòm ngó”, các thuyền đánh kích thường làm ăn vào ban đêm, mỗi đêm các thuyền này đi khắp nơi, lùng sục từng ngóc ngách sông. Loại kích hay đánh chủ yếu là các loại 75 đến 150A (Ampe) hiệu điện thế 120V. Cài thêm đầu phóng có độ giật mạnh lên tới 250V. Khi kích, chúng giật xung quanh, lộn sâu xuống đáy 3,6 đến 4m. Bất cứ con gì trong phạm vi điện đều chết và tê liệt hết. Trứng thuỷ sinh cũng bị ung đi. Ngay cả rong rêu cũng đuôi ngọn. Con người lớ ngớ cũng bị giật bỏ mạng như chơi.
Sông Hương và các kênh rạch bấy lâu nay đang biến đổi nghiêm trọng. Chất thải, hóa chất làm cho nước sông đổi màu, mùi hôi khó chịu; các loài thuỷ sinh không còn điều kiện tốt để sinh trưởng, phát triển. Nay kích điện đang tận diệt nốt những sinh vật còn sót lại, góp phần đẩy các kênh, lạch nhanh chóng trở thành dòng sông chết.  
Nghèo sinh nghề bần cùng
Bà Mậu thẫn thờ nhìn dòng sông nói: “Trước cá trên sông Hương nhiều lắm. Đánh một đêm được 2 đến 3 rổ sảo lớn. Ngồi thuyền cũng bắt được cua ốc hay khi thiếu thức ă, quăng lưới xung quanh cũng có cua cá ăn. Nhưng gần đây, nguồn thuỷ sinh ở các sông bị khan hiếm khiến dân đò dần thất nghiệp phải chuyển nghề”. Trước đây, quanh khu Đông Ba, Đập Đá có hơn 20 đò đánh cá. Nay chỉ còn vài thuyền bám nghề. Dân đò không sống được với nghề sông phải chuyển sang làm phu bốc vác, thợ hồ, xe ôm… nuôi thân. Nhiều người chọn giải pháp bần cùng là đánh kích điện dù biết làm như thế là sai, là không tốt.
Sáng nào cũng vậy, mỗi lần đánh kích về, cô Trần Thị Hiệp giấu vội sào kích. Cô là một trong những người đánh kích cá sông An Cựu. Nhân lúc mấy đứa nhỏ không có nhà, cô bật công tắc xạc bình ác – quy. Nói đến kích điện, cô cười buồn: “Biết là nguy hại môi trường, nhưng không đánh lấy cái gì ăn. Tui phải nuôi 6 đứa con trong khi chồng bị bệnh đã mất, tui thì đi nhặt rác, làm thuê. Nhờ đánh kích, mỗi đêm tui cũng kiếm được 5 – 6 chục cũng đủ gạo ăn cho cả nhà”. Nói rồi cô tất tả buộc rổ cá chừng 2 kg đã chết vì điện ra chợ An Cựu.

Ngày càng ít thuyền theo nghe đánh cá bằng dạ trên sông

Đánh cá điện đang làm ảnh hưởng lớn đến các dòng sông và người nghèo sông nước. Trước dân đò chỉ bắt con to, nay kích điện vừa giết chết, vừa tận thu cả lớn lẫn nhỏ. Những người đánh cá còn lại đang phải đánh bạc với thân phận và tài sản của mình. “Đánh rập, dạ hiện nay cho thu nhập chỉ từ 15 đến 20 ngàn/ngày. Những thuyền bủa lưới phải chạy ra tận Thủy Ba, Sịa, Phú Bài mới tìm được cá. Thả xuống nước 15 tay lưới trị giá 10 đến 12 triệu đồng nhưng mỗi đêm ba người chỉ thu về được 50 đến 60 ngàn đồng. Trong khi làm kích mỗi lần trung bình thu về 80 đến 120 ngàn, khi trúng cá có thể tới 200 đến 300 ngàn đồng. Không một loại nào có thể cạnh tranh được với đánh kích điện.” Anh Hải, một ngư dân ở sông Bạch Đằng tâm sự.
Tuy cùng cảnh nghèo nhưng sự thái quá của các thuyền kích khiến người dân bức xúc. Họ đã nhiều lần gửi đơn phản ánh nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vụ ông Bài bị bắt, thu hết đồ và phạt 1 triệu đồng không đủ sức ngăn những người làm kích điện. Lợi nhuận gấp hai, ba lần đánh bắt thông thường chẳng mấy chốc họ kéo lại vốn nên vẫn ngấn ngầm hoạt động. Để “né” chính quyền, họ chuyển sang hoạt động từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng. Bà Mậu nghẹn ngào: “Họ làm dân chài nghèo chúng tôi không sống được bằng nghề của mình đã đành. Nhưng rồi đến lúc chúng làm cho cá và các nguồn thủy sinh chết hết thì cũng phải lang thang đi làm thuê thôi.” 

Thanh Yên