Thứ sáu, 18/4/2014, 10h04

Kiểm soát tải trọng xe: Địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm

Còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý, song vẫn kiên quyết xử lý xe chở quá tải đến khi chấm dứt hẳn tình trạng này, đó là quyết tâm của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp sơ kết thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) theo Công điện số 95 của Thủ tướng Chính phủ và 15 ngày ra quân KSTTX trên toàn quốc do Bộ GTVT tổ chức ngày 17-4 tại Hà Nội.

CSGT chưa vào cuộc

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, tính đến ngày 15-4, cả nước có 52/63 địa phương chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT thực hiện KSTTX, đạt 82,5%. Cụ thể, sau nửa tháng ra quân, các địa phương đã kiểm tra 10.997 xe và phát hiện 2.132 xe vi phạm, chiếm tỷ lệ 19,4%.

Kiểm soát tải trọng xe trên QL5 Hải Phòng.

Theo đánh giá của Tổng cục ĐBVN, đã có nhiều địa phương vào cuộc mạnh mẽ, trong đó có 17 địa phương duy trì hoạt động trạm KSTTX lưu động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Ở những địa phương triển khai quyết liệt, số xe phải cân kiểm tra và số xe vi phạm giảm. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề vẫn đang tồn tại gây khó khăn cho công tác KSTTX.

Theo nhận định của Bộ GTVT, ở một số địa phương, công an tỉnh, đặc biệt là phòng CSGT, còn chưa vào cuộc, không bố trí lực lượng CSGT phối hợp, hoặc nếu có thì mang tính hình thức, đối phó, chỉ làm việc trong giờ hành chính... Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ triển khai KSTTX trên hệ thống đường bộ địa phương hoặc trên quốc lộ ủy thác có lưu lượng xe quá tải thấp, chưa quyết liệt trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam. Đơn cử, QL1 là tuyến có lưu lượng xe quá tải lớn nhưng hiện mới chỉ có 15/30 địa phương có QL1 đi qua triển khai KSTTX.

Đặc biệt, theo phản ánh từ các địa phương, tình trạng xe quá tải dừng đỗ ở 2 phía trạm KSTTX đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương chưa thực hiện KSTTX 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, có trạm lên đến hàng trăm xe mỗi phía, khi trạm nghỉ thì ồ ạt chạy qua gây mất ATGT, điển hình là Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Theo Bộ GTVT, tình trạng này cho thấy các địa phương chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Cũng theo Bộ GTVT, gần đây có tình trạng một số doanh nghiệp vận tải, chủ xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng. Một số doanh nghiệp phá hợp đồng vận chuyển đã ký trước để ép tăng giá cước hoặc cùng với một số chủ hàng gây sức ép lên Chính phủ, Bộ GTVT, dư luận xã hội...

Cơ hội cơ cấu lại dịch vụ vận tải hàng hóa

Tại hội thảo, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định ủng hộ chủ trương kiểm soát chặt xe quá tải. Theo ông Thanh, bên cạnh việc bảo vệ cầu đường và đảm bảo trật tự ATGT, việc kiểm soát chặt tải trọng xe sẽ giúp xác định giá trị thật của cước vận tải đường bộ, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, các lĩnh vực vận tải hàng hóa, tránh tình trạng dồn phần lớn áp lực vận tải hàng hóa cho đường bộ.

Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc KSTTX sẽ là cơ hội tốt để tái cơ cấu lại lĩnh vực vận tải hàng hóa, phân bổ lại luồng hàng cho các phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường không...

Theo Bộ trưởng Thăng, các doanh nghiệp lấy lý do KSTTX để ép tăng giá cước chỉ là gây sức ép nhất thời, nếu kiểm soát chặt chẽ, đưa chi phí vận tải đường bộ về giá trị thật sẽ tạo ra mặt bằng giá cước mới, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp vận tải. Bộ trưởng cho rằng, nếu chở đúng tải, các doanh nghiệp sẽ không cần phải chi tiền mãi lộ thì giá cước vận tải sẽ không bị đẩy lên một cách phi lý.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe, đồng thời sẽ phối hợp các bộ ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa công tác KSTTX.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi chế tài xử phạt hành vi chở hàng quá tải theo hướng không hạ tải mà nộp tiền phí chở quá tải theo cấp số nhân, đủ sức răn đe không tái phạm (không áp dụng cho những trường hợp quá tải khi lưu thông trên tuyến có cầu yếu hạn chế tải trọng), bổ sung chế tài phạt nguội căn cứ kết quả KSTTX bằng cân động tốc độ cao.

BÍCH QUYÊN (SGGP)