Thứ năm, 30/10/2014, 22h10

Nhức nhối “điểm đen” TNGT: Kỳ cuối : “Bài toán” khó giải

TS. Phạm Sanh trao đổi về các “điểm đen” gây TNGT. Ảnh: Y.HÀ
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn TP phát sinh thêm 4 “điểm đen” về tai nạn giao thông (TNGT), nâng số “điểm đen” TNGT trên toàn địa bàn lên 25 điểm. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sanh (nguyên giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có những “điểm đen” giao thông nào đáng báo động nhất?
TS. Phạm Sanh: Theo tôi, hiện nay giao thông trên địa bàn TP.HCM có những “điểm đen” dễ gây ra tai nạn nguy hiểm, điển hình như: Vị trí giao cắt giữa các tuyến vành đai, những đoạn đường có làn đường được xây dựng không đúng tiêu chuẩn như cầu vượt Cát Lái, cầu vượt An Sương, những tuyến đường có xe container chạy cùng chiều với xe 2 bánh mà không có dải phân cách như xa lộ Hà Nội. Cầu Chánh Hưng (Q.8) cũng là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Việc thiết kế ngay dốc cầu Chánh Hưng có các giao lộ cắt ngang là sai những nguyên tắc cơ bản bởi sẽ gây nhiều nguy hiểm khi các phương tiện đổ dốc xuống.
Vấn đề này đã có những cách khắc phục nào, thưa ông?
 Sở GTVT và các cơ quan chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông, lắp đặt các biển báo cũng như đặt dải phân cách tại nhiều “điểm đen” nhưng TNGT vẫn thường xuyên xảy ra. Đối với những làn đường có xe container và xe 2 bánh, cần phải có dải phân cách, mở một làn đường nhỏ để xe 2 bánh đi riêng. Ở các “điểm đen” có lực lượng CSGT túc trực thường xuyên. Những năm gần đây, TP.HCM đã tích cực đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đẩy mạnh việc tuyên truyền, xử phạt các hành vi vi phạm nên đã có nhiều chuyển biến trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, cách xử lý này chưa tới nơi tới chốn nên dẫn đến tình trạng các “điểm đen” gây tai nạn có xu hướng tăng lên hoặc vừa xóa sổ được điểm này thì điểm khác “mọc” lên.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng phần lớn nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT tại các “điểm đen” đều xuất phát từ ý thức người đi đường?

Theo TS. Phạm Sanh, cầu Chánh Hưng (Q.8) là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Ảnh: M.N
Chúng ta không thể đổ lỗi do người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông mà cần phải phân tích, tìm ra nguyên nhân để giải quyết. Nền kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại của người dân cũng tăng, đòi hỏi giao thông cũng phải phát triển để đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, chúng ta mắc lỗi ngay ở vấn đề quy hoạch nên chưa thể đáp ứng nhu cầu đó. Quy hoạch không hợp lý thì giao thông công cộng không thể phát triển kịp.
Các cơ quan chức năng cần làm gì để có thể xóa sổ những “điểm đen”, thưa ông?
Thứ nhất, nguồn vốn không phải là yếu tố tiên quyết trong việc xóa sổ các “điểm đen” mà quan trọng là chữ tâm và trách nhiệm của những người làm công tác quản lý. Chúng ta đang thiếu một người “nhạc trưởng”. Việc xóa sổ các “điểm đen” này nên giao cho một người đứng đầu, giữ vai trò chủ đạo trong việc liên tục khảo sát, đánh giá hiện trạng giao thông, quy ra trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận chứ không phải là cách làm theo kiểu “thầy bói mù”.
Thưa ông, việc xóa sổ các “điểm đen” có phải là bài toán cấp bách nhất trong bức tranh giao thông TP.HCM hiện nay?
Tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM hiện nay đang nổi cộm những vấn đề đáng quan tâm như: TNGT, kẹt xe, triều cường. Thật ra 3 vấn đề này đều quan trọng, có mối liên hệ với nhau. Có thể trước mắt nhiều người thấy vấn đề ngập do triều cường không quan trọng, cấp bách bằng xóa sổ các “điểm đen” gây TNGT hay kẹt xe. Tuy nhiên, nếu để lâu dài, triều cường sẽ giống như một căn bệnh nan y rất khó chữa khi một số công trình chống ngập do triều cường được triển khai khá chậm.
Xin cảm ơn ông!
Yên Hà (thực hiện)
3 bất cập trong việc xóa sổ “điểm đen”
Bất cập trong việc xóa sổ các “điểm đen” hiện nay là cách giải quyết chỉ mang tính chất chung chung và tạm thời, thấy “điểm đen” nào thì tìm cách giải quyết tại điểm đó chứ chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể để có một kế hoạch lâu dài. Thứ hai, chúng ta không thể giải quyết “điểm đen” mà không giải quyết bài toán giao thông đô thị và cũng không nên tách rời bài toán “điểm đen” mà phải đặt nó chung trong bức tranh toàn cảnh về giao thông. Thứ ba, việc xóa sổ các “điểm đen” cần được bắt đầu từ những việc nhỏ như: Khống chế tốc độ, tăng cường các hình thức phạt, bố trí lực lượng CSGT tại các “điểm đen”…