Thứ sáu, 9/11/2012, 20h11

Những chuyện chưa biết về cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Kỳ 3: Cái tâm với nghề giáo

Cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cùng vợ và hai con (ảnh gia đình nhạc sĩ cung cấp)
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ quan niệm, nghề giáo như nghệ sĩ làm đẹp cho đời, cho người chứ không phải nghề để làm giàu. Dù bữa ăn là cơm với rau, tương, chao triền miên nhưng ông vẫn khuyên vợ phải giữ nghề cho trọn vẹn.
Nhiều năm dạy học ở Đà Nẵng, từng lớp học trò đi qua nhưng thầy Mỹ không quên một đứa nào. Dù đã xa cách mấy mươi năm nhưng khi nhắc đến tên học trò, ông đọc vanh vách họ, chữ lót đồng thời còn nhớ cả tên cha mẹ, địa chỉ nhà của từng đứa.
Tấm lòng với học trò
Sau này sống và làm việc tại Sài Gòn, nhiều học trò cũ biết chỗ thầy ở nhưng có phần ngại vì hoàn cảnh gia đình không may mắn, kinh tế sa sút nên không đến vì biết tính thầy hay lo. Biết chuyện, thầy Mỹ lại tất tả đạp xe đi tìm. Nghe tin đứa nào ở Sài Gòn là bằng mọi cách thầy tìm đến tận nhà. Biết rõ hoàn cảnh của từng đứa, cũng như cái thời thầy còn dạy ở Đà Nẵng, đến kỳ lương thầy lĩnh ra là san sẻ hết cho học trò. Có bao nhiêu thầy chia hết, dẫu biết rằng khạp gạo trong nhà đã vơi, chai mắm cũng đã cạn.
Dù được Nhà nước cấp cho vợ căn nhà ở Tân Thuận, huyện Nhà Bè (nay là Q.7 - TP.HCM) nhưng hai vợ chồng ông lại về sống trong căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4. Đó là quãng thời gian khốn khó nhất. Nhưng với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ông rất lấy làm vui. Vui vì gần trung tâm thành phố, học trò cũ lui tới dễ dàng. Năm ấy, có học trò cũ từ thời ông còn dạy ở Đà Nẵng đến thăm. Người học trò ấy cũng là người mà ông cất công đi tìm nhưng không gặp. Sau bao năm gặp lại, giờ tóc trò cũng đã điểm bạc, gương mặt khắc khổ, già hơn so với cái tuổi của mình. Lần gặp này đối với người học trò cũ là chẳng đặng đừng. Vì khó khăn quá mới tìm đến thầy. Đứa con của người học trò mắc bệnh hiểm nghèo và đã qua đời nhưng không có tiền đưa xác con về. Gặp lại trò cũ ông xúc động muốn rơi nước mắt. Lại nghe thêm chuyện đau lòng, thương hoàn cảnh nguy nan của trò mà nước mắt thầy giàn giụa. Những năm 1980, kinh tế gia đình ông gặp vô vàn khó khăn. Tiền lương của chồng, lương nghề giáo của vợ cộng lại chỉ đủ ăn cơm với chao, tương và rau để sống qua ngày. Khó là vậy nhưng ông cũng dốc hết tất cả tiền tiết kiệm, chỉ 20 ngàn đồng. Không thấm vào đâu, ông lại tận dụng các mối quan hệ bạn bè thân hữu, đồng nghiệp, nhà văn, nhà báo để nhờ giúp đỡ. Khi tiễn người học trò ra khỏi cửa, một lần nữa ông lại ôm mặt khóc như đứa trẻ lên ba vì vô tình nhìn thấy đôi giày của học trò đang mang bị mòn đế, thủng lỗ lớn phải lót giấy báo cho khỏi cộm.
“Em đã đi hết con đường”
Cả hai vợ chồng lúc bấy giờ thừa sức để có một cuộc sống khá hơn nhưng vì ông là một người làm nghệ thuật chân chính, mà đã làm nghệ thuật chân chính thì khó mà giàu. Hơn nữa, vì cái tâm với nghề giáo mà ông khuyên vợ phải bám trường, bám lớp. Bà Diệu Lý kể: “Sau ngày cưới, trước cuộc sống khó khăn, tôi có phần chao đảo, không biết có nên theo nghề giáo hay không trong khi tên tuổi của mình đã được nhiều người biết đến? Thời gian ấy tôi quyết định theo nghiệp ca hát thì cuộc sống cũng không đến nỗi nào nhưng vì quá tôn trọng anh Mỹ, vì những gì anh ấy đã từng sống, đối xử với học trò, với nghề giáo nên tôi quyết bám trụ với nghề này. Đêm nào anh cũng thỏ thẻ với tôi: “Thấy em đi dạy cực khổ, đồng lương lại không đủ sống nhưng em ráng đi”. Anh ấy đem những câu chuyện nghề nghiệp, những kỷ niệm vui, buồn kể cho vợ nghe rồi nhắn nhủ: “Nghề của mình là nghề làm đẹp cho đời, cho học trò chứ không phải để làm giàu”.
Sau này, cô giáo Diệu Lý cũng đã có sáng tác Suốt con đường ta đi. Ca khúc này đã được xuất bản trong tuyển tập nhạc Dưới mái trường, in chung với các nhạc sĩ như Từ Huy, Phạm Đăng Khương… Con đường ta đi đó chính là con đường mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mong muốn. Những ngày ông đau yếu, bà vừa phải lên lớp, vừa chăm sóc cho ông. Biết vợ mệt mỏi, đuối sức nhưng ông vẫn thỏ thẻ: “Chẳng còn bao lâu nữa là đến tuổi hưu, hãy làm cho trọn vẹn cái nghề mà mình đã theo đuổi”. Ngày ông về với đất mẹ (16-1-2009), chỉ vài tháng sau người bạn đời của ông cũng đã đến tuổi hưu. Trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, bà nắm chặt tay ông, thủ thỉ: “Em đã đi suốt con đường”. Ông không mong con cái phải theo con đường âm nhạc nhưng khi theo cái nghề nào đó thì phải trọn vẹn, không bỏ dở giữa chừng. Ông thường răn dạy các con: “Âm nhạc khó có thể nuôi sống mình nhưng phải có nó để làm đẹp cho mình, cho đời”. Hai người con của ông bà là Phạm Bắc Đẩu và Phạm Nguyên Hạnh đều chơi đàn piano rất cừ. Con trai lớn hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Hội B, Q.4 và cô con dâu cũng là cô giáo. Con gái út hiện công tác trong ngành dược. Thầy Phạm Bắc Đẩu thường tâm sự với mẹ Lý: “Con cũng có thể kiếm thật nhiều tiền nhưng vì hình ảnh của ba mà con phải sống trong sạch”.
Người đời bảo nhạc sĩ là phải đa sầu, đa cảm, thích phiêu bạt… nhưng với Phạm Thế Mỹ thì khác. Ông không có thói quen cà phê vỉa hè, không hút thuốc cũng chẳng rượu bia. Vì thế mà không ít người bảo rằng ông là một nhạc sĩ chuẩn mực, khoa học. Căn nhà nhỏ, ở đâu cũng là một góc âm nhạc là nơi bạn bè ông thường xuyên lui tới. Khi trí nhớ của ông kém, bạn bè nói chuyện đời, chuyện ngày xưa, đoạn nào ông không nhớ rõ thì hay bảo: “Để tui gọi “từ điển sống” của tui hỗ trợ”. “Từ điển sống” ấy chính là vợ của ông. Lúc cao hứng, ông không gọi vợ là “từ điển sống” nữa mà bằng một câu đầy tình ý: “Em là nỗi nhớ của anh”.
Trần Trọng Tri
Kỳ cuối: Đời nghèo mà vui
Thời gian ông bệnh nặng nằm một chỗ, người vợ phải làm một việc mà từ ngày đầu gặp nhau cả hai đều không thích, đó là ôm đàn hát cho ông nghe.