Thứ năm, 17/4/2014, 23h04

Những lát cắt trong giáo dục: Kỳ 1: Bát nháo công ty đào tạo

Nhiều trung tâm, công ty đào tạo từ đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho đến đào tạo các kỹ năng chuyên môn như thiết kế web, đồ họa… “mọc” lên nhan nhản. Không ai biết rõ chất lượng đào tạo của những trung tâm hay công ty này như thế nào, chỉ biết chúng vẫn đang được quảng bá rầm rộ...
Vàng thau lẫn lộn
Trên các website tìm kiếm thông tin, chỉ cần gõ từ khóa chương trình đào tạo đang cần, bạn sẽ gần như ngay lập tức có hàng trăm website, hàng trăm thông tin về một loạt các công ty đào tạo, với đủ các loại hình, đủ các mức độ. Chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ gì với những câu từ như “đào tạo cấp tốc”, “mức phí ưu đãi”, “cam kết hoàn lại học phí nếu không đạt”… Trong hầu hết các lĩnh vực, những “cam kết bằng lời” ấy dường như trở thành một trong những chiêu trò để thu hút học viên. Đây thật sự là những lời đường mật và cũng là phương thức “ăn ngay” của nhiều công ty đào tạo hiện nay.
Để quảng bá hình ảnh của mình, nhiều công ty dùng đủ mọi chiêu thức. Nào là thiết kế website thật đẹp kèm theo nhiều cách để website của mình nằm trong top 10, top 100 trên các trang thông tin tìm kiếm. Nào là phát tờ rơi hoặc thậm chí len lỏi vào tận các trường học để tổ chức hội thảo tuyên truyền và quảng bá hình ảnh. Ấn tượng là vậy, vẻ ngoài hào nhoáng là vậy nhưng thực chất thế nào? Có những công ty không có chương trình đào tạo rõ ràng và cụ thể, thiếu hẳn giám đốc chuyên môn, giám đốc chương trình… trong khi người quản lý lại không am hiểu sâu về đào tạo. Hơn thế, họ cũng chẳng cần khảo sát nhu cầu thực tế, không có giảng viên chuyên nghiệp hay những người thực sự có kỹ năng, bản lĩnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Đa số công ty thiếu hẳn cơ sở vật chất tối cần thiết cho quá trình đào tạo, cơ sở giảng dạy thì tạm bợ, chật chội... Và điều đáng quan tâm nhất là các công ty này thiếu hẳn quy trình đào tạo chuyên biệt: Từ khảo sát và đánh giá đầu vào, soạn thảo theo kiểu huấn luyện có trọng điểm - huấn luyện - kiểm tra đánh giá - thẩm định đầu ra. Bằng cấp có đấy, chứng chỉ có đấy nhưng mấy ai dám đảm bảo học viên sẽ được đào tạo đúng chuẩn.
Anh nhân viên M. của một công ty thiết kế sung sướng khoe chứng chỉ thiết kế 3D mà anh vừa có được từ công ty đào tạo X. Điều ngạc nhiên là anh chỉ mới đăng ký học trước đó vài tuần. Khi hỏi vì sao mới học vài tuần mà đã được cấp chứng chỉ, anh trả lời vì cần chứng chỉ gấp nên đã yêu cầu công ty đào tạo cấp trước! Một câu hỏi đặt ra: Bằng cấp, chứng chỉ cấp cho người cần hay cấp cho người xứng đáng có được nó?
Nhiều sinh viên trẻ cũng từng tham gia các khóa về đào tạo thiết kế như thế. Cơ sở giảng dạy tạm bợ; giảng viên trẻ, mới ra trường; phương pháp giảng dạy theo kiểu người biết chỉ lại người chưa biết… là những gì các bạn sinh viên cảm nhận được từ khóa học này. Nhiều sinh viên kể lại, khi hỏi về chứng chỉ thì công ty này trả lời rằng: “Ai cần chứng chỉ thì chúng tôi cấp, có khó gì đâu, đóng học phí xong sẽ có ngay chứng chỉ nhé”.
Chấn chỉnh - được không?
Điểm qua một số giám đốc điều hành, thậm chí là chủ đầu tư của một số công ty đào tạo mới thấy choáng về chuyên môn và động cơ mở trung tâm của họ. Nhiều người học tiếng Anh, làm công tác PR một thời gian thấy chán, ra ngoài học vài khóa cơ bản và sau đó mở công ty đào tạo… cho vui. Nhiều người học kinh tế, làm kinh doanh thấy nản do có nhà riêng bèn mở tại nhà các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng mềm. Một nữ “đại gia” tham gia một khóa học về các giá trị sống, thấy hay hay. Thế là từ đây một công ty dạy về giá trị sống tiếp tục mọc lên.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt công ty đào tạo mọc lên với đủ các hình thái, đủ các phương cách như vậy. Tất cả đều theo quy luật cung - cầu. Điều này chứng tỏ, nhu cầu của xã hội trong việc tìm một công ty đào tạo về một lĩnh vực chuyên môn đang rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải vững vàng, tỉnh táo, biết sàng lọc và chọn lựa những thông tin phù hợp trước một rừng thông tin bát nháo như hiện nay. Đừng giao bản thân hay con em mình cho những công ty đào tạo thiếu hẳn kỹ năng đào tạo lẫn đạo đức nghề nghiệp để rồi “tiền mất, tật mang”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
LTS: Công tác giáo dục ở nước ta hiện tồn tại quá nhiều bất cập, từ hoạt động đào tạo giáo viên cho đến những bất cập trong hoạt động kinh doanh “khoác áo” giáo dục đang nở rộ. Là người có nhiều năm đứng trong guồng quay này để đào tạo ra lực lượng kế thừa cho nền giáo dục, cũng như tham gia rất nhiều khóa đào tạo bên ngoài, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn có điều kiện trải nghiệm nhiều với thực tế đó. Loạt bài viết sau đây có thể xem là những chuyện “mắt thấy, tai nghe, tay ghi” của ông.
 
Để xóa dần tình trạng bát nháo
Nên có các hiệp hội, những tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo - huấn luyện phi chính quy để tránh việc chủ quan - cảm tính, thả nổi chất lượng. Cũng cần có những chính sách quy hoạch lại các tổ chức, các công ty đào tạo một cách bài bản và chất lượng. Thêm vào đó, cần có nhiều tổ chức giám sát cũng như những quy chuẩn về việc quảng cáo, quảng bá để cộng đồng có cơ hội tiếp nhận thông tin thực sự chính xác và hữu ích. Chỉ  như vậy mới có hy vọng xóa dần tình trạng bát nháo này.