Chủ nhật, 20/4/2014, 12h04

Những lát cắt trong giáo dục: Kỳ 2: “Bội thực” bằng giỏi

Minh họa: Hoàng Tố Diệu
Khi bằng cấp trở thành thước đo giá trị cá nhân và là phương tiện chủ chốt giúp cá nhân nhanh chóng có một vị trí tốt trong công việc thì xã hội có xu hướng chạy theo bằng cấp là tất nhiên. Nâng cao trình độ dân trí là một vấn đề rất đáng trân trọng, khích lệ. Tuy nhiên, khi nhà nhà bằng giỏi, trường trường bằng giỏi, người người bằng giỏi sẽ làm cho người ta cảm thấy bị “bội thực”…
Bằng giỏi… là chuyện thường
Trước đây, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thường rất được chú trọng, được sự săn đón của các tổ chức trong và ngoài nước, được khuyến khích ở lại trường công tác, được tạo điều kiện du học nước ngoài nâng cao trình độ. Nhưng hiện nay, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là chuyện bình thường, tỷ lệ ngày càng tăng. Thậm chí, không ít sinh viên với bằng giỏi trên tay vẫn thất nghiệp... Thực tế này khiến xã hội hoang mang không ít vì ngay cả người giỏi mà vẫn thất nghiệp thì những sinh viên khác sẽ ra sao?
Thực tế xã hội cho thấy, năng lực làm việc không dựa trên bằng cấp. Nhiều sinh viên cầm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng khi bắt tay vào công việc lại tỏ ra rụt rè, lúng túng trong khi nhiều sinh viên chỉ có bằng trung bình khá lại nhanh nhẹn, hoạt bát, ứng xử và xử lý tình huống công việc khá chính xác. Các trường đào tạo hiện nay vẫn còn quá chú trọng việc đánh giá trên bình diện lý thuyết mà ít chú trọng thực hành. Vì chỉ mới chú trọng đến kỹ năng cứng mà chưa đào tạo về kỹ năng mềm nên sinh viên thường thiếu tự tin trong giao tiếp ứng xử, thiếu tư duy sáng tạo mà vẫn được đánh giá là “người giỏi”.
Hiện nay, cho dù được đánh giá cao nhưng do khâu kiểm định chất lượng của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rất chặt nên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi rất ít, chủ yếu là loại khá và trung bình khá. Tỷ lệ bằng giỏi cơ sở này cấp cho hệ chính quy cử nhân sư phạm hàng năm dao động khoảng 5-8% (thống kê từ năm 2000 đến năm 2012). Trong khi tại các trường sư phạm địa phương hay các trường có ngành đào tạo sư phạm có chất lượng “khác” hơn nhiều, tỷ lệ tốt nghiệp bằng giỏi rất đáng kể (có khóa gần 40% sinh viên đạt loại giỏi như tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…).
Thực trạng trên dẫn đến việc thi tuyển về các sở GD-ĐT, sinh viên từ trường chất lượng sẽ thiệt thòi hơn khi tính tổng điểm. Thế nên có thực tế, sinh viên được đào tạo từ các trường có thâm niên, chuyên môn, đầu vào cao lại khó được tuyển vì thua ở tấm bằng. Không ít địa phương, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công hiện chỉ tuyển cử nhân tốt nghiệp loại giỏi. Quy định này trên lý thuyết là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công viên chức nhưng trên thực tế có thể dẫn đến tác dụng ngược. Thực tế hiện nay chỉ ra rằng, chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo không đồng đều, cử nhân tốt nghiệp xuất sắc ở trường này chưa chắc đã bằng cử nhân tốt nghiệp trung bình khá, khá ở trường khác.
Anh T.Q.V sau 2 năm đi tìm việc tâm sự: “Tôi tốt nghiệp đại học loại giỏi, sau đó học lên thạc sĩ cũng đạt loại giỏi nhưng hiện tại tôi vẫn quanh quẩn kiếm việc làm”. Vậy thì bằng giỏi có phải chăng là giải quyết được vấn đề tuyển dụng, xin việc hay tạo ra những hệ lụy khác căng thẳng hơn, phức tạp hơn… Sự bất ổn trong quá trình đào tạo vẫn đang thách thức khi chẳng có ai kiểm định, thẩm định hay đánh giá về chất lượng bằng giỏi, chất lượng giáo dục nói chung…
Nguyên nhân và trách nhiệm
Trước tiên, cần nhìn nhận rõ hơn vì đâu sinh viên ngày càng dễ dàng có được bằng giỏi. Nguyên nhân trước tiên do đánh giá không xác thực với thực tế đào tạo. Nhiều sinh viên học “giỏi” thật nhưng thực chất chỉ là “thợ học”. Tình trạng “dạy và học” chỉ nhằm mục đích để thi, kết quả thi đạt điểm cao, sinh viên được đánh giá giỏi. Chưa đề cập đến hình thức thi, khi chủ yếu các trường cho sinh viên thi đề mở, làm tiểu luận... Các em sưu tập sẵn các bài được điểm cao để chép, để chỉnh sửa và nộp. Giảng viên do giảng dạy nhiều cũng không kiểm tra một cách kỹ càng bài luận nên khó phát hiện sự gian lận, nhất là khi phương tiện thông tin phát triển quá nhanh chóng. Chính vì vậy, việc xem xét lại cách thức kiểm tra và đánh giá trong quá trình đào tạo là một khâu rất quan trọng. Kiểm tra, đánh giá chính xác sẽ tạo nên nguồn nhân lực đúng thực chất tránh gây sự ảo tưởng trong chính sinh viên lẫn nhà trường về nguồn nhân lực do mình đào tạo ra.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan, không ít nguyên nhân chủ quan đã và đang chi phối đến thực trạng bằng giỏi này. Vấn đề đã từ lâu tồn tại trong nền giáo dục đó chính là việc chạy theo thành tích hoặc không ít trường muốn thu hút người học và làm hài lòng phụ huynh - sinh viên với học phí không nhỏ nên thả lỏng vấn đề đánh giá.
PGS.TS Huỳnh văn Sơn
Vấn đề đặt ra không phải là hạn chế bằng giỏi mà là việc kiểm tra và đánh giá người học cần chính xác, khách quan hơn. Để làm được điều này, không thể chỉ đánh giá trên bình diện lý thuyết mà phải trên cả bình diện thực hành, không chỉ là kỹ năng cứng mà còn cả kỹ năng mềm...