Chủ nhật, 9/6/2013, 22h06

“Quả ngọt” cho đời: Bài 1: Chuyện của “chị Hồng xe ôm”

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng đang chở khách ở gần chợ Bến Thành, Q.1
Chị bảo: “Tôi thấy người ta là thạc sĩ, tiến sĩ có lương cao nên tôi muốn con mình cũng phải học cao như thế, có như vậy sau này mới đỡ khổ. Chứ như tôi, hồi đó chỉ học đến lớp 10 nên bây giờ mới cực”. Đó là tâm sự của “chị xe ôm” Nguyễn Thị Tuyết Hồng (khu phố 4, phường Bến Thành, Q.1, TP.HCM), người vừa được UBND TP.HCM tuyên dương gia đình hiếu học xuất sắc tiêu biểu.
Cầm xe đóng tiền học cho con
Chiều 7-6, tôi tìm đến nhà chị Hồng. Đó là một căn nhà ở trên gác dài hơn 9m, rộng khoảng 2m. Nơi ấy là tổ ấm của chị và 4 đứa con. Ngôi nhà ấy chẳng có thứ tài sản nào đáng giá ngoài cái tủ lạnh cũ mèm, cái ti vi cũ rích và một cái tủ sắt hoen gỉ.
Tài sản chiếm nhiều diện tích căn nhà nhất là chiếc giường tầng - chỗ ngủ của 5 mẹ con chị. Chị kể: “Tầng dưới dành cho 3 cô con gái, còn tầng trên là chỗ ngủ của tôi và con trai út. Thỉnh thoảng con trai nói với tôi: “Giường của mẹ con mình ngắn và nhỏ quá”. Cũng phải, con trai tôi năm nay lên lớp 12 nên nằm trên chiếc giường nhỏ này chung với mẹ thì làm sao mà không thấy chật chội. Lúc đó, tôi vỗ về con: “Tại con trai của mẹ lớn rồi mà, ngày xưa con nằm đâu có chật”…”.
Trong ngôi nhà nghèo xác nghèo xơ ấy đã ươm mầm học tập cho 4 đứa con của chị Hồng. Đứa lớn là Phạm Lộc Hồng Minh (SN 1989) hiện đang học năm cuối Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, đứa thứ hai là Phạm Lộc Hồng Vân (SN 1991) - sinh viên năm cuối Trường ĐH Hồng Bàng, đứa thứ ba là Phạm Lộc Hồng Oanh (SN 1993) - sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cậu con trai út là Phạm Lộc Tòng Bá (SN 1996) - học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi.
“Thấy mẹ vất vả, chạy ăn từng bữa, mấy đứa cứ đòi bỏ học. Lúc đó, tôi phải năn nỉ các con cố gắng vượt qua khó khăn để đến trường. Tôi nói với chúng: “Khó khăn cỡ nào mẹ cũng vay mượn để đóng tiền học cho các con”. Cách đây không lâu, Hồng Vân phải đóng học phí 5,5 triệu đồng. Không có tiền, tôi phải cầm chiếc xe máy của nó đi học để lấy tiền đóng. Dù sao thì lãi suất ở tiệm cầm đồ cũng rẻ hơn nhiều so với đi vay nóng”, chị thành thật tâm sự.
Chị bảo, mỗi ngày chị chạy xe ôm kiếm được khoảng 200 ngàn đồng. Chị chẳng dám ăn gì cả, buổi sáng chỉ dám uống một ly cà phê dằn bụng rồi chạy xe cho tới 1, 2 giờ trưa về nhà ăn cơm. Ấy vậy mà cũng chẳng đủ tiền để lo cho các con ăn học. Mỗi khi các con đến kỳ đóng tiền học là phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền. “Nếu các con tôi không đi học thì tôi giàu rồi, mỗi tháng tôi kiếm được tới 6 triệu đồng”, chị cười hồn nhiên nói.
Dẫu hôm nay phải nhịn ăn, nhịn mặc chị vẫn chấp nhận bởi ngày mai các con của chị sẽ có cuộc sống tốt hơn.
“Điếc không sợ súng”
Khi tôi hỏi: “Bao nhiêu nghề phù hợp với phụ nữ sao chị không làm mà lại chọn cái nghề chạy xe ôm. Chị không sợ nguy hiểm sao? Nghề này chỉ hợp với đàn ông thôi”, chị cười bảo: “Làm gì còn sự lựa chọn nào khác hả em”.
Vừa trả lời chị vừa “dẫn” tôi trở về 15 năm trước. Năm 1998, chồng chị bị bệnh xơ gan và phải nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện An Bình. Lúc đó chị đang mở tiệm buôn bán ở Q.7 (gần nhà mẹ ruột). Mỗi ngày vừa phải đưa đón các con đi học, vừa phải chăm sóc chồng ở bệnh viện, chị không còn cách nào khác đành sang tiệm cho người khác.
“Chồng thì nằm viện, con cái đang tuổi ăn tuổi học, bây giờ không buôn bán nữa nếu không làm thì lấy đâu ra tiền. Ngoài cái nghề chạy xe ôm ra thì chẳng có cái nghề nào hợp với tôi lúc bấy giờ. Thế là tôi quyết định chạy xe ôm. Thời gian đầu tôi ra chợ Tân Quy, Q.7 đứng chờ khách. Cứ thấy cô, dì nào vừa ra khỏi cổng chợ là tôi chạy đến xởi lởi: “Cô, dì xách đồ có nặng không, để con xách phụ rồi con chở về nhà luôn”… Cứ như vậy, rồi tôi cũng có khách quen. Khách thường là mấy cô, mấy dì đi chợ buổi sáng nên rất an toàn”, chị nhớ lại.
Sau một năm nằm điều trị tại bệnh viện, chồng chị qua đời. Tài sản anh để lại cho chị là 4 đứa con thơ dại (đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ hơn 2 tuổi). Để có tiền lo cái ăn, cái mặc và cả cái chữ cho các con, mỗi ngày chị dậy từ 3 giờ sáng ra chợ Bình Điền chở cá thuê về chợ Tân Quy, Q.7 cho khách, sau đó thì chạy ngược lại chở rau… Khoảng 1, 2 giờ trưa chị về nhà ở Q.1 ăn cơm rồi ra đầu hẻm (đường Lê Thánh Tôn) đứng đón khách.
Chị làm quần quật chỉ với một mong muốn - mong muốn tột cùng, đó là nuôi các con ăn học nên người.
Cũng chính vì cái mong muốn tột cùng này mà bao lần chị rơi vào nguy hiểm. Vào một buổi chiều muộn ngày 30 Tết của 3 năm trước, một khách quen của chị ở Cần Thơ do không bắt được xe đò nên nhờ chị chở về quê. Không cần suy nghĩ nhiều, chị đồng ý ngay. Chị chạy đến Cần Thơ thì trời đã tối mịt. “Đường vào nhà cô ấy không có đèn, hai bên là sông. Vậy mà cái đèn pha xe lại bị cháy. Tôi và cô ấy đều lo sợ không biết bằng cách nào để về được nhà trong đêm 30 Tết. Cái khó ló cái khôn, lúc đó tôi chợt nghĩ ra cách bật đèn xi nhan để những người đi đường nhìn thấy mà không tông xe vào và để có chút ánh sáng tránh lọt xuống sông… Năm đó, tôi không được đón giao thừa cùng các con”, chị kể.
Ra khỏi nhà vào cái lúc trời chưa hừng sáng, trở về nhà khi đêm đã khuya. Là một phụ nữ làm sao tránh khỏi nguy hiểm rình rập nhưng vốn “điếc” nên chị “không sợ súng”. Chị bảo, hình ảnh các con được cắp sách đến trường chính là ánh sáng dẫn lối cho chị…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Các con của chị Hồng không chỉ chăm chỉ học hành, lo toan việc nhà mà còn biết phụ mẹ kiếm tiền. Gần đây, các con chị mua được một cái xe đẩy để bán phô mai, cá viên chiên và trà chanh “chém gió” ở đầu hẻm 268 đường Lê Thánh Tôn, Q.1. Ngoài ra, Hồng Oanh còn làm vòng tay, lắc chân, dây chuyền để bán qua mạng…