Thứ hai, 24/11/2014, 20h11

“Săn” dừa nước ở Sài Gòn

Anh Công chuyển dừa nước lên bờ
Từ sáng sớm, chiếc xe gắn máy cà tàng kéo theo rờ-moóc đã đậu sẵn ở mé rạch Đỉa (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Thấy chúng tôi áo quần, giày vớ tinh tươm, Hồ Chí Công (quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lắc đầu, quở: “Lội kênh cả ngày mà ăn mặc cứ như đi ăn cỗ”. Chẳng sao, Công dắt chiếc xe máy của tôi đi gửi ở một lán trại mà anh quen biết, đôi giày cũng được gửi theo xe. Xắn quần, chúng tôi bắt đầu cho một ngày “săn” dừa nước.
Kiếp ăn bờ ngủ bụi
Thời điểm giao mùa giữa hè - thu, dừa nước ra hoa và kết quả. Buồng dừa lớn nhanh, giữa mùa thu là có thể thu hoạch được, để lâu quả sẽ già đi, cơm và nước dừa không ngon ngọt. Ở vùng ven TP.HCM như vùng Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh... nhiều gia đình trang trải được cái ăn nhờ cây dừa nước. Hái trái bán còn theo mùa vụ, riêng cắt lá về chằm bán là công việc xuyên suốt trong năm, thu nhập không cao nhưng khá ổn định. Tuy nhiên, công việc hái lá thường là của phụ nữ, phần lớn hái trái là công việc của đàn ông thanh niên vì đòi hỏi sức khỏe.
Sau gần 30 phút lội kênh, có đoạn sâu đến ngực, chúng tôi dừng lại trên một gò đất cao, xung quanh dừa nước bạt ngàn, cảnh quan hoang sơ, chẳng mấy khi có bước chân người. Anh Trần Đức, bạn nghề với Công lội xuống nước để sang bờ bên kia. Ở đó, những buồng dừa trĩu quả, ngấp nghé mặt nước. Chẳng mấy chốc, anh Đức đã hạ được 5 buồng dừa rồi mất hút giữa rặng dừa cao, sum sê. Đức chuyển số buồng dừa hái được ra đến nơi tập kết tạm theo dọc đường đi bằng cách dang hai cánh tay vừa bơi vừa lùa chúng, đâu vào đấy rồi lại đi tiếp. Đi đoạn, Công bảo chúng tôi phải rẽ ngang, tìm chỗ hái mới vì phía trước đã có người hái rồi. Theo kinh nghiệm, trên đường đi, Công dễ dàng phát hiện nơi đó có người hái trước qua dấu chân và những vệt cỏ nằm bẹp dưới bùn.

Cả ngày trầm mình dưới nước kênh rạch ẩn họa nhiều nguy hiểm
Suốt gần 3 giờ đồng hồ, qua các điểm tập kết, chúng tôi đếm đã có gần 40 buồng dừa cả thảy. Tìm dừa hái đã khó, việc vận chuyển ra xe còn khó khăn gấp bội vì có những đoạn phải lội bùn lún quá đầu gối. Chúng tôi nhấc từng bước chân nặng trịch mới gom được chiến lợi phẩm ra đến gò đất. Đó cũng là nơi chúng tôi ngả lưng để lấy sức cho buổi chiều. Mấy hôm trước, Công cũng đã bỏ gần cả giờ để san bằng một khoảnh đất vài mét vuông, chặt lá dừa dựng cái lều dã chiến hình chớp. Đức ra tay chẻ từng trái dừa mời chúng tôi dùng thử, nước dừa ngọt lịm, cơm (thịt) dừa giòn ngọt như làm tan biến cái mệt mỏi.
Theo Công, số người làm nghề này không nhiều bởi công việc quá cực, thu nhập lại chẳng bao nhiêu. Trước đây, Công và Đức chỉ tìm mua dừa nước của bà con địa phương hái sẵn về chẻ ra bán ở lề đường kiếm lời nhưng nguồn hàng khan hiếm do ít người đi hái nên hai anh phải bỏ thời gian để đi “săn”. Những ngày đầu lội nước chưa quen, Công bị nhiễm nước, nằm liệt giường mấy ngày liền. Trong tuần, Công và Đức bỏ ra từ hai đến ba ngày để đi hái, những ngày còn lại đi bán. Công nhẩm tính, một xe đầy nếu chẻ ra bỏ bao để bán lẻ thì thu được khoảng 1 triệu đồng. “Tính ra mỗi ngày bỏ túi trên dưới 2 trăm ngàn đồng, nghe cũng khá nhưng công sức bỏ ra là quá lớn, đó là chưa kể những lần bị nhiễm nước cảm nặng, tiền thuốc men hết sạch”, Công chia sẻ.
Đắng cay với trái dừa nước

Vùng Nhà Bè hết trái dừa nước, Công lại phải đi xa hơn, Cần Giờ lại là điểm đến. Từng cái rạch, cái tắc ở xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa... Công thuộc lòng chẳng kém dân trong vùng. Cũng cái lần đầu tiên đến vùng đất này tìm dừa nước, Công và Trường (đã bỏ nghề vì da dị ứng với nước kênh rạch) gặp một phen hú vía. Công nhớ lại: “Cứ nghĩ dừa nước mọc hoang, anh em vô tư hái trái, đâu biết người ta trồng dừa để ngăn dòng nước chảy xiết làm xói lở đất và cũng là để hái lá, trái cải thiện thu nhập. Ông chủ nhà say rượu về thấy, vác rựa dí chạy trong rừng. Không làm gì được, ông ta tức khí đẩy chiếc xe máy kéo rờ-moóc phía sau xuống sình nằm chỏng vó. Hôm đó, nếu không có mấy anh kiểm lâm đi tuần tra thì ông ta đốt luôn chiếc xe rồi”. Ngót 10 năm, Công bám nghề này. Rộ mùa dừa, vừa hái bỏ mối, vừa đi bán lẻ cũng kiếm kha khá nhưng thời điểm trái mùa, hái chỉ đủ bán trong ngày. “Kha khá” theo Công thì cũng “ấm” túi, nhưng hỏi ra cũng chỉ hơn 100 ngàn đồng/ ngày.
Làm ăn được, Công còn giúp những lao động trong một xóm trọ nghèo ở Q.8 theo nghề. Ai có sức khỏe thì Công sẵn lòng chia sẻ cách hái, kinh nghiệm chọn dừa đạt chất lượng. Người không quen việc nặng nhọc thì Công cung cấp nguồn hàng để bán, cuối tuần mới lấy tiền. Mới ngày nào anh Đức chỉ theo Công phụ việc thu gom, chuyển lên xe, nay cũng đã thạo nghề. Đức nói: “Người mua ngày càng đông nhưng bỏ công đi hái bán mới có lời nhiều. Nếu hôm nào “trúng”, hái một ngày bán cả tuần”.
Chỉ chạm miếng dừa nước ngay đầu lưỡi đã cảm nhận vị ngọt thanh sảng khoái nhưng ít ai biết để có được trái dừa, người hái đã bỏ ra biết bao mồ hôi, nước mắt. Những ngày rong ruổi đầm lầy, kênh rạch tìm dừa, ông Nguyễn Văn Bá (P.Tân Thuận Đông, Q.7) gặp nhiều tai nạn, khi bị rắn cắn, lúc chân nhiễm trùng vì đạp phải miểng chai và có lần suýt nạp mạng cho cá sấu. Đó là lần ông đi hái dừa dọc theo sông Lòng Tàu. “Cá sấu thiên nhiên hiếm gặp, phần lớn là cá sấu nuôi thoát ra ngoài theo con nước. Tôi thoát khỏi hàm cá sấu chỉ trong gang tấc. Theo phản xạ tự nhiên, phát hiện cá sấu, tôi đưa cái rựa về phía trước, cá táp trúng rồi nhả ra”, ông Bá nhớ lại ngày kinh hoàng ấy.
Bài, ảnh: Trần Anh
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến diện tích đất trũng vùng ven Sài Gòn bị thu hẹp, cây dừa nước vì thế cũng ngày một ít đi. “Không thể sống bằng nghề này mãi, dừa hết, tuổi lớn nên phải tính đến việc chuyển nghề”, giọng anh Đức đầy lo lắng. Chỉ tay về phía tòa nhà cao chọc trời nằm bên kia cầu Rạch Đỉa, Đức tiếp: “Ông thấy đó, chừng bốn năm trước, ở đó toàn sình lầy, không có nhà cửa, chỉ toàn dừa là dừa, hái một tiếng đồng hồ chất cả xe tải”.