Thứ ba, 4/6/2013, 21h06

“Sốt” với món mới ở Sài Gòn

Một quán chè khúc bạch trên đường Trần Quang Khải, Q.1
Những ngày gần đây, ẩm thực Sài Gòn đã phong phú lại càng phong phú hơn khi có sự xuất hiện của hai món ăn chơi là bún đậu mắm tôm và chè khúc bạch. Quán chuyên bán hai món ăn mới này cũng thi nhau mọc lên, ra ngõ là gặp…
Bún đậu mắm tôm và chè khúc bạch trở thành món khoái khẩu của thực khách. Tuy nhiên, liệu có phải vì món ngon, lạ miệng thực sự hay chỉ là trào lưu ăn uống mới?
Trào lưu chè khúc bạch
Với chè khúc bạch, ban đầu chỉ một vài quán nho nhỏ nằm rải rác ở các quận 1, Q.Tân Bình, Q.5… thì nay quán chè khúc bạch mọc san sát nhau, từ đường lớn đến những con hẻm nhỏ. Cách đây non một tháng, hẻm 68, đường Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1 xuất hiện một quán chè khúc bạch. Từ khi mở đến nay, quán rất đông khách, đặc biệt là các cô cậu học trò. Tầm 6 giờ chiều, người xe nườm nượp ra vào. Người chen chúc nhau, khó khăn lắm mới tìm được một chỗ ngồi hoặc mua một chén mang về. Để mở chè khúc bạch, chủ quán không ngần ngại thuê một căn nhà nhiều tầng xây dựng dở dang nằm ngay chân cầu Hoàng Hoa Thám với giá 15 triệu đồng/ tháng. Nhiều người buôn bán nhận định, với giá 25 ngàn đồng/ chén và lượng khách như thế thì người bán sớm làm giàu. Người đổ xô đi ăn chè khúc bạch, chờ đợi hàng giờ để ăn một chén chè. Thấy quán đông khách, người người nhà nhà cũng mở quán như một trào lưu mới. Chỉ vài ngày sau, kế bên lại mọc lên một quán chè khúc bạch và tự tâng bốc mình “khúc bạch chính gốc”. Phía đối diện cũng tranh thủ mở quán chỉ hai ngày sau đó. Nhiều quán, song lượng khách vẫn ngày một đông, chen chân tìm một chỗ ngồi không dễ.
“Cơn sốt” chè khúc bạch trong giới trẻ bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5. Trên các diễn đàn, mạng xã hội… đâu đâu cũng liên tục xuất hiện những dòng rỉ tai về các địa chỉ chè khúc bạch. Nó trở thành một địa chỉ ẩm thực của các bạn trẻ. Để làm mới, tạo “dấu ấn” cho mình, từ chè nguyên bản, nhiều chủ quán sáng tạo ra những mùi vị mới. Theo chị Lâm Thị Bích, chủ quán chè khúc bạch trên đường Hoàng Hoa Thám thì nguyên bản chè khúc bạch chỉ có đậu hũ viên, sữa, phô mai, vải hộp và hạnh nhân nướng. Theo đó, nguyên liệu ăn chung với chè khúc bạch còn có các loại trái cây như kiwi, táo, nho, mít… Chè nguyên bản với vị ngọt thanh, dai, béo ngậy đã làm thực khách mê mẩn, khi đã biến tấu, thêm vị cho chè, người ăn càng mê tít.
Hàng chục chiếc bàn nhỏ nhắn đặt san sát nhau trên vỉa hè lại có sức hút các bạn trẻ đến kỳ lạ. Dẫu phải đợi 15-20 phút mới có chén chè song ai nấy cũng tỏ ra dễ chịu, nói cười huyên thuyên. Bảng giá ghi 25.000 đồng/ chén nhưng khi tính tiền 28.000 đồng, khách vẫn không màng, có lẽ vì trào lưu… khúc bạch?
“Bùng nổ” bún đậu mắm tôm
Ngoài chè khúc bạch, một món ăn mới ở Sài Gòn thu hút lượng khách khá lớn là bún đậu mắm tôm. Sau thức uống giải khát trà chanh vỉa hè của Hà Nội “Nam tiến” được khá đông bạn trẻ rỉ tai nhau tìm đến là món ăn chơi bún đậu mắm tôm. Bún đậu mắm tôm xuất hiện đầu tiên ở Hà thành và “Nam tiến” chỉ sau một thời gian ngắn. Vài năm trước, muốn ăn bún đậu mắm tôm phải lên khu vực gần Sân bay Tân Sơn Nhất. Nay, tìm quán bán món này không khó. Quán chuyên bún đậu mắm tôm thi nhau mọc lên hầu hết ở các quận, huyện với cách bài trí na ná nhau. Nhiều quán ăn bình thường khác cũng nhanh chóng bổ sung món này vào trong thực đơn. Ban đầu, món bún đậu mắm tôm chỉ là món ăn chơi nhưng dần dà trở thành món ăn no mà nhiều thực khách lựa chọn trong các bữa chính. Bún đậu mắm tôm cũng trở thành một trào lưu, một hiện tượng của ẩm thực tại Sài Gòn. Sài Gòn với hơn 8 triệu dân, món ăn 3 miền phong phú, song điều dễ nhận thấy là món gì mới, lạ thì ai cũng muốn ăn thử. Thực tế, không phải ai ăn cũng ghiền như những câu “slogan” của người trẻ truyền tai nhau mà họ trở lại các lần sau đó là vì phong trào.
Người người, nhà nhà mở quán. Người chưa một lần chế biến món ăn cho gia đình cũng trở thành đầu bếp chỉ sau vài lần đi ăn. Thấy quán này kinh doanh được, quán khác cũng mọc lên, món ăn “í ẹ” nhưng vẫn có khách, đông nữa là đằng khác. Từ khi món bún đậu mắm tôm “Nam tiến”, trên các trang mạng xuất hiện những dòng PR rất “kêu” cho món ăn hết sức bình dị, dân dã mang tính vùng miền này.
Bài, ảnh: Trần Anh
Quán chè khúc bạch mọc lên như nấm sau mưa, thu hút đông thực khách không phải vì vị chè ngọt thanh mà vì trào lưu…