Thứ ba, 31/12/2013, 11h12

TP.HCM và công tác bình đẳng giới

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyền tự chủ của phụ nữ.

Để tăng tỉ lệ nữ trong các cấp lãnh đạo, Thành ủy đã chỉ đạo và tập trung thực hiện chiến lược cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nữ.

Đến nay, số cán bộ có quy hoạch dài hạn của thành phố có 643 nữ/1.204 người (nữ chiếm tỉ lệ trên 50%) được xét chọn từ nguồn cán bộ công chức trẻ triển vọng và sinh viên ưu tú của các trường ĐH. Song song đó, nhiều giải thưởng dành cho nữ giới được lập ra để chăm lo cho các tài năng nữ của thành phố, như giải thưởng Nguyễn Thị Định, Quỹ tài năng trẻ, Quỹ phát triển tài năng thể thao…
Việc thành lập bộ máy nhân sự tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở thành phố cũng được quan tâm. Tháng 9-2009, Phòng Bình đẳng giới, thuộc Sở LĐ-TB&XH được thành lập. Nhân sự làm công tác bình đẳng giới được bố trí từ thành phố đến phường, xã, thị trấn. Thành phố hiện có 365 người là cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới. Tháng 4-2010, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TP được kiện toàn do ngành LĐ-TB&XH làm thường trực ban với tổng số nhân sự toàn thành hơn 1.900 người.

Tập huấn kiến thức về bình đẳng giới thường xuyên cho cán bộ chuyên trách. Ảnh: TM
Tuy nhiên, công tác thực hiện bình đẳng giới vẫn gặp không ít khó khăn. Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới thuộc LĐ-TB&XH TP.HCM, nhận định: “Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ do ngành LĐ-TB&XH tham mưu cho ban vì sự tiến bộ của phụ nữ TP nên cũng có những thuận lợi nhất định nhưng lại tạo ra những khó khăn vướng mắc. Bởi vì việc tham mưu các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và về bình đẳng giới thực chất không có sự khác biệt nhiều, đôi khi lại chồng chéo. Ví dụ cùng một hoạt động “Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động…” phải tách bạch ra hoạt động nào của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, hoạt động nào của ban vì sự tiến bộ của phụ nữ làm. Trong khi đó, đối tượng mời đi dự tập huấn, dự họp, hội thảo thì nhiều nơi không cử đúng thành phần đi dự. Có những trường hợp người được cử đi dự từ đầu đến cuối các hoạt động trong năm là người làm trong ban nữ công, công đoàn, vì sự tiến bộ của phụ nữ...”. Theo bà Thanh, đây là một hạn chế lớn cho việc triển khai quản lý nhà nước về bình đẳng giới vì người cần phải tác động để thay đổi nhận thức thì không tác động được, người được tác động thì nghe hoài nên quá chán.
Để khắc phục tình trạng này, LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch “Triển khai thực hiện Chương trình chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn TP.HCM từ năm 2012-2013”. Theo đó, thành phố đã phân công nhiệm vụ của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ TP thực hiện các hoạt động liên quan đến nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ. Các hoạt động còn lại liên quan đến chính sách, đề xuất giải pháp đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.
ĐÔNG YÊN (PLO)