Thứ năm, 21/8/2014, 14h08

Tri ân những người đi trước

Bà cụ 80 tuổi tóc bạc phơ cẩn thận lật cuốn bìa cứng, dò từng trang hồ sơ. Thỉnh thoảng, bà lại lẩm nhẩm đọc tên các con để nhân viên bảo tàng tìm giúp. Bà là Nguyễn Thị Hồng Ánh ở quận 9. Hồ sơ những người thân của bà là một trong số 1.920 tài liệu hồ sơ cán bộ đi B của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (nay là TPHCM) được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III mà Sở Nội vụ TPHCM vừa tiếp nhận.

Những ký ức không quên

Gia đình bà Hồng Ánh hầu như đi B gần hết. Bà quê Cà Mau, công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trần Văn Thời, chồng bà là Nguyễn Văn Thái, vào Nam kháng chiến chống Pháp từ năm 1949 sau đó theo đơn vị trở về Bắc. Năm 1954, bà trong đoàn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đôi vợ chồng trẻ chẳng mấy khi gặp nhau vì công tác cách xa nhau hàng trăm cây số. Năm 1972, cô con gái của bà là Nguyễn Thị Minh Mẫn đang là nhạc công của Đoàn cải lương Giải Phóng (nay là Đoàn cải lương Trần Hữu Trang) nhận nhiệm vụ về Nam. Cũng năm này, anh trai út Nguyễn Bắc Phương vào bộ đội sau đó sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia và Lào…

Năm 1975, ông Thái có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Mãi đến tháng 8-1975, lần đầu tiên cả nhà bà mới được đoàn tụ. Nhắc chuyện xưa, bà cười hóm hỉnh: “Được đoàn tụ cả nhà thì vui khỏi phải kể nữa rồi. Nói vậy thôi chứ hơn 21 năm, cả nhà tui sống mỗi người một nơi như thế riết cũng quen, thời chiến mà”. Chỉ vào chồng hồ sơ, bà nói thêm: “Mới chỉ có ông Thái nhà tui là có hồ sơ thôi, còn phải tìm 3 bộ hồ sơ của Minh Mẫn, Bắc Phương và thằng con rể Hữu Tài nữa thì mới đủ”.

Thân nhân tìm hồ sơ cán bộ đi B tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Đứng lặng lẽ nơi góc phòng, bà Phạm Thị Oanh cứ mân mê và ngắm mãi tấm ảnh ông Nguyễn Thanh Xuân - người chồng thương yêu đã mất. Tấm ảnh đen trắng bé xíu đã ngả màu vàng ông Xuân chụp cùng đồng đội nhưng bà vẫn nhận ra rất nhanh. Bà là học sinh Trường Nguyễn Ái Quốc, làm liên lạc rồi đi bộ đội. Bà kể: “Ông nhà tui gốc Cần Giuộc, Long An. Tập kết ra Bắc, ổng là lính trinh sát thuộc Sư đoàn 91 đóng ở Phổ Yên, Bắc Thái. Tui thuộc bộ binh, Trung đoàn 165. Hai chúng tôi làm đám cưới ở đơn vị của ông năm 1964.

Chỉ gần nhau được khoảng 3 tháng, sau đó ông theo đơn vị đi Sơn Tây, thế là xa nhau biền biệt”. Năm 1968, bà Oanh trong đoàn thanh niên xung phong tải đạn vượt đường Trường Sơn vào Nam. Sau giải phóng, năm 1976, ông và hai con gái mới từ Bắc vào Nam và cả nhà bà mới được đoàn tụ. Ông mất năm 1985, do vết thương tái phát. “Hình đó ông nhà tui chụp lúc ở đơn vị, tôi nhìn là nhận ra ngay. Tính ông hiền lành lắm, chưa bao giờ to tiếng với vợ với con”, bà kể, mắt lại ngân ngấn.

Tri ân

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, năm 2013 Sở Nội vụ TPHCM đã tiếp nhận 1.920 tài liệu hồ sơ cán bộ đi B của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, đồng thời phối hợp với Bảo tàng TPHCM tổ chức trưng bày chuyên đề “Hồ sơ cán bộ đi B của TPHCM (Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) qua tài liệu lưu trữ”. Đây là số hồ sơ cán bộ đi B của TPHCM chưa tìm được địa chỉ. Qua việc trưng bày, ban tổ chức muốn thông tin đến gia đình, thân nhân của các cán bộ đi B để xác định và trao trả tận tay số hồ sơ quý giá này. Những hồ sơ kỷ vật này là của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó trở lại miền Nam từ cuối năm 1959 đến năm 1975. Trước khi vào Nam chiến đấu, các cán bộ đã gửi lại hồ sơ gồm những tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết, sau khi tiếp nhận số hồ sơ, sở đã giao Chi cục Văn thư lưu trữ kiểm tra tài liệu, nhập mục lục hồ sơ và quản lý. Tuy nhiên, công việc tìm kiếm địa chỉ của cán bộ đi B gặp khó khăn do thông tin quê quán đã thay đổi hoặc do chia tách các quận, huyện. Sở Nội vụ đã chủ động phối hợp với các quận, huyện để xác minh địa chỉ của cán bộ đi B, đến nay cũng chỉ tìm được gần 300 địa chỉ.

Vừa qua, Sở Nội vụ TPHCM đã tổ chức trao trả 100 hồ sơ đầu tiên. Việc trao trả hồ sơ của cán bộ đi B thể hiện lòng tri ân của TPHCM đối với cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc máu xương để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là việc làm nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng và đạo lý tốt đẹp cho các thế hệ trẻ, đồng thời cũng mong muốn góp phần thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, giúp những cán bộ đi B và thân nhân tìm được giấy tờ để hưởng chế độ chính sách của nhà nước”.

MINH AN (SGGP)