Thứ năm, 5/7/2012, 09h07

Ba thế hệ chung một mái nhà

Không hạnh phúc nào bằng cả ba thế hệ cùng sống chung đầm ấm, yêu thương nhau (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Hiện nay, các gia đình trẻ đều có xu hướng muốn sống riêng để được tự do, thoải mái. Thế nhưng để có một mái ấm riêng biệt không dễ dàng. Chính vì vậy, việc gia đình ba thế hệ ông bà, con, cháu cùng sống chung khá phổ biến.
Sống chung với ông bà, cha mẹ, con cháu sẽ có nhiều cái lợi. Ở chung, vợ chồng trẻ bớt được một khoản chi phí khá lớn về tiền nhà, điện, nước… Chưa kể, ông bà phụ lo cơm nước, việc nhà, phụ chăm sóc cháu, đưa rước cháu đi học, giữ cháu vào buổi tối hoặc ngày nghỉ khi cả hai vợ chồng bận việc đột xuất, nhất là khi cháu đau ốm… Tuy nhiên, gia đình ba thế hệ lại dễ gặp phiền toái bởi bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề. Trước tiên là cách sinh hoạt, người lớn tuổi luôn muốn có sự ổn định, nền nếp như ăn uống ở nhà đúng giờ, đúng bữa. Trong khi đó thì người trẻ có xu hướng tùy hứng, tiện lợi, thoải mái, bận rộn quá thì gặp đâu ăn đó cho xong. Vậy là cơm thừa, canh dư trở thành đề tài cho người lớn tuổi cằn nhằn và người trẻ bực bội. Ngày cuối tuần, ông bà luôn muốn con cháu quây quần, sum họp bên nhau, nấu nướng ăn uống ở nhà vừa vui vừa đỡ tốn kém. Trái lại, người trẻ thì muốn “ngủ nướng” cho đã sau cả tuần phải dậy sớm đi làm, sau đó thì đi chơi hay mua sắm và ghé đâu đó ăn, không phải bận rộn chợ búa, nấu nướng. Thu xếp sao cho ngày cuối tuần làm hài lòng tất cả mọi người trong gia đình không phải là chuyện dễ dàng.
Chăm sóc, nuôi dưỡng cháu nhỏ cũng là vấn đề dễ gây xích mích giữa ông bà và cha mẹ. Cha mẹ ngày nay luôn theo quan điểm văn minh, tiến bộ. Ông bà thì theo kinh nghiệm nuôi dạy của mình. Những khi cháu bệnh, đó chính là lúc mâu thuẫn hai thế hệ thể hiện rõ nét nhất. Câu nói mà thế hệ ông bà thường sử dụng khi tranh luận là: “Tui nuôi dạy bậy bạ vậy đó, mà cô cậu lớn tới chừng này”. Tranh luận, rồi giận hờn làm nhà cửa u ám, nặng nề trong cả thời gian dài. Có khi trở thành lớn chuyện, khó hàn gắn được. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, ông bà luôn cưng chiều con cháu, cha mẹ muốn dạy con cái theo ý mình cũng không dễ dàng. Cha mẹ tiến bộ luôn muốn rèn cho con những kĩ năng sống cần thiết, thế nhưng, ông bà lại cho rằng đó là “đày ải” trẻ con, “Mới bao lớn đó, biết gì mà bắt nó làm”, “Hồi đó, tao có bắt tụi bây làm gì đâu, lớn lên khắc biết”…
Để gia đình ba thế hệ sống êm ấm, dung hòa không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự cố gắng lắng nghe, chia sẻ từ các thế hệ, nhất là thế hệ thứ hai. Vợ chồng trẻ nên lắng nghe ông bà, cần khéo léo giải thích những điều mình không tuân theo để được ông bà vui vẻ thông cảm. Chẳng hạn, để ông bà vui trong ngày cuối tuần, có thể nói cho ông bà rõ là vợ chồng và các cháu cần thư giãn, nghỉ ngơi sau một tuần vất vả làm việc, học tập nên cùng nhau đi ăn tiệm bên ngoài hay mua đồ nấu sẵn về nhà cùng ăn. Khi cháu bị bệnh, nhờ ông bà đi theo, hỏi bác sĩ những điều cần hoặc không cần kiêng cữ để ông bà cùng nghe giải thích của bác sĩ. Khi muốn dạy các cháu kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng làm việc nhà… nên đưa ông bà đọc những bài báo về xu hướng mới dạy thế hệ trẻ những kĩ năng sống cần thiết để các cháu có thể tự lập sau này…
Không hạnh phúc nào bằng cả ba thế hệ cùng sống chung đầm ấm, yêu thương nhau. Đó là nền tảng vững chắc để mọi người có được cuộc sống bình yên, thanh thản, vui vẻ, quên đi những nhọc nhằn, lo toan trong công việc đời thường. Cần lắm những gia đình ba thế hệ hạnh phúc.
Lê Phương