Chủ nhật, 26/1/2014, 21h01

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Phải biết hòa hợp yêu gia đình với quê hương, đất nước

Cuộc đời của một con người thật sự có ý nghĩa khi được sống trong một gia đình hòa thuận, biết cưu mang, chia sẻ lẫn nhau. Tình cảm gia đình từ bao đời nay vẫn là nguồn nước mát lành chảy ra từ mỗi trái tim bao dung của ông bà, cha mẹ, con cháu. Dòng sông yêu thương từ những nếp nhà hạnh phúc bền bỉ đổ ra đại dương để hội tụ thành tình yêu quê hương và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng thuộc Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), gia đình có ba chức năng chính. Xét về mặt sinh học, gia đình có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nòi giống. Gia đình nào cũng phải có những thế hệ kế tiếp khỏe mạnh và thông minh để đời con đời cháu tốt hơn. Xét về mặt vật chất, gia đình có nhiệm vụ xây dựng kinh tế để duy trì cuộc sống. Xét về mặt tinh thần, gia đình có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa. Gia đình nào cũng phải truyền thừa các tri thức và kinh nghiệm sống, hướng đến bình an và hạnh phúc.
PV: Vậy để có một gia đình hạnh phúc, cần phải có điều kiện gì?
- GS. Trần Ngọc Thêm: Muốn có được gia đình hạnh phúc đòi hỏi mọi thành viên phải có trách nhiệm với gia đình. Ông bà có trách nhiệm là chỗ dựa tinh thần, làm nhiệm vụ bảo tồn văn hóa. Cha mẹ có trách nhiệm là trụ cột kinh tế, nuôi sống cả nhà. Con trẻ làm nhiệm vụ cầu nối tình cảm vững bền giữa cha mẹ và có trách nhiệm với bản thân mình như chăm ngoan, học giỏi. Trong ngôi nhà chưa có trẻ con là gia đình chưa ổn định. Quan niệm về một gia đình như thế mới đầy đủ.
Vai trò của người lớn như ông bà, cha mẹ đối với gia đình phải như thế nào?
- Mỗi thế hệ có nhu cầu phát triển riêng vì thế không nên uốn nắn quá đáng, bắt con cháu mọi việc nhất nhất phải theo ý mình. Cha mẹ phải hiểu nhiều về con cái. Nhất là trong thời đại hiện nay, ông bà cha mẹ cũng phải biết sử dụng internet, tìm hiểu nhu cầu giới trẻ, biết hòa nhập với con cái. Có như vậy ông bà cha mẹ mới thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng con cháu.
Ông bà cha mẹ là chất keo gắn kết các thành viên, xây dựng nên truyền thống gia đình từ những việc nhỏ như duy trì bữa cơm chung hàng ngày, cho đến việc tổ chức lễ tết, giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên và giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu; luôn tạo cơ hội quý báu để các thành viên gia đình gắn bó với nhau. Người lớn tuổi cần có lòng bao dung, và sự độ lượng tha thứ cho những lỗi lầm của các thành viên.
Tại sao nói tình cảm gia đình là nền tảng và cội rễ của những tình cảm lớn như tình yêu đồng bào, yêu quê hương, Tổ quốc? Có phải đã có một thời chúng ta đặt những tình cảm lớn đó trên tình cảm gia đình nên tình cảm gia đình thiếu bền vững và có nguy cơ bị lung lay?
- Điều này có tính lịch sử rất rõ. Trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên, văn hóa gia đình, văn hóa làng gắn với đất nước và dân tộc nên tình yêu nước, yêu quê hương là tình cảm lớn chi phối tất cả mọi người. Khi chuyển sang hòa bình thì vai trò cá nhân, vai trò gia đình trước đây đã bị đã nén, đã phải hy sinh vì nghĩa lớn nay được khôi phục và chú trọng hơn. Do vậy tình cảm gia đình cần có sự hòa hợp với tình yêu quê hương Tổ quốc, đó là sự hòa hợp giữa cái riêng và cái chung.
Theo GS, thế nào là một mô hình gia đình lý tưởng?
- Như tôi đã phân tích trên, gia đình thật sự lý tưởng khi thực hiện tốt ba chức năng: Sinh học, vật chất và tinh thần hay bảo tồn nòi giống, xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa. Một trong 3 chức năng bị đứt gãy thì đều dẫn đến nguy cơ mất gia đình. Con đường hạnh phúc của gia đình phải đi bằng ba chân vững chãi đó. Cần tôn trọng sự khác biệt về giới tính để giảm thiểu những xung đột không đáng có do các mâu thuẫn đôi khi rất vụn vặt. Kêu gọi bình đẳng giới là để tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở ý thức rõ sự khác biệt về giới tính chứ không nên hiểu bình đẳng giới một cách máy móc, giáo điều theo kiểu “đàn ông làm gì thì đàn bà làm nấy và ngược lại”. Mỗi người có một phần việc do giới và vai trò trong gia đình quy định.
Thưa GS, giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là gì? Cần phải gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp nào của gia đình?
- Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là nhà gắn với làng. Ở Việt Nam do nghề nông trồng lúa nước cần nhiều sức người nên trong bộ ba “nhà - làng - nước” thì làng mới là trung tâm chi phối cả hai cực. Nhà cũng đi theo hướng làng, nên nhà Việt Nam truyền thống là những gia đình lớn: “Tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”, thậm chí “ngũ đại đồng đường”. Do quy mô lớn và tồn tại trên nền văn hóa làng xã nên gia đình Việt Nam có đặc tính là rất dân chủ và tình cảm. Trong nhà, cha mẹ hết lòng chăm lo cho con cái, đến mức hy sinh cả bản thân mình.
Trong một thế giới đang biến động mạnh như hiện nay thì dân chủ, tình cảm là những giá trị truyền thống tốt đẹp cần phải giữ gìn. Nhưng gia đình lớn thì không còn thích hợp. Lý tưởng nhất là sự kết hợp của gia đình ba thế hệ và gia đình hạt nhân. Cha mẹ cũng không nên bảo bọc con quá, làm cho con trở nên phụ thuộc, không phát huy được bản lĩnh cá nhân, tự suy nghĩ, tự lựa chọn, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.
Trong chương trình phổ thông có một số tiết giáo dục công dân và tiếng Việt đề cập đến giáo dục tình cảm gia đình. Theo GS như vậy đã đạt yêu cầu chưa và có cần quan tâm nhấn mạnh đến những mặt nào nữa không?
- Theo tôi, nội dung giáo dục tình cảm gia đình trong chương trình phổ thông tuy đã có từ lâu nhưng vẫn còn ít và chưa tới nơi tới chốn. Thực tế cho thấy, giáo trình giảng dạy chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức. Giáo viên chuyên về bộ môn giáo dục công dân thường là còn thiếu và phải điều cử từ các bộ môn khác sang đứng lớp. Nội dung bài dạy xét ở một số góc độ chưa đạt yêu cầu. Giáo viên chưa truyền thụ hết kiến thức, đôi khi còn e ngại, nhất là giáo dục giới tính.
Xin cảm ơn GS!
phan Ngọc Quang (thực hiện)
Gia đình trở thành một tế bào hạt nhân làm nên “cơ thể sống” của toàn xã hội. Hạnh phúc của gia đình làm nên hạnh phúc xã hội khi con người biết yêu thương, thân thiện với nhau. Cuộc sống dù vất vả khó khăn nhưng vẫn sung sướng vì có hạnh phúc gia đình. Mái ấm gia đình sẽ đem lại không gian yên bình và là chỗ dựa tinh thần của mọi thành viên. Khi gặp điều bất hòa, gia đình còn là nơi giải tỏa mọi vướng mắc. Ở đó người già được chăm sóc, trẻ em được dạy dỗ, cả nhà yêu thương gắn bó cùng nhau.