Thứ sáu, 21/9/2012, 13h09

Lời động viên đúng lúc

Sự động viên, cổ vũ rất quan trọng đối với trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Thật buồn khi các bậc phụ huynh chỉ chăm chăm vào lỗi lầm của con rồi trách phạt mà không dành cho con bất kì lời động viên nào, điều đó khiến trẻ luôn có cảm giác mình làm gì cũng sai.
Lời động viên đúng lúc có ý nghĩa hết sức to lớn, khuyến khích trẻ tự tin và phát huy hết năng lực của mình.
Lời động viên có thể thay đổi cả cuộc đời
Bạn Phương Lan (hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường CĐ Công thương TP.HCM) chia sẻ: Gia đình tôi vốn rất nghèo khổ khi mẹ mất sớm, bố phải một mình nuôi ba chị em ăn học. Tuổi thơ của tôi gắn với đàn bò của một gia đình giàu có trong xóm. Ba chị em thay phiên nhau chăn bò thuê để kiếm tiền đóng học phí. Năm tôi học lớp 7, ngày khai giảng mà tôi không thể mua được một cuốn tập trắng để đi học vì khoảng thời gian ấy bố tôi bị tai nạn phải nằm viện. Toàn bộ số tiền mấy bố con dành dụm lâu nay đều dốc hết để trả viện phí. Bố tôi nói: “Bằng mọi giá con phải đi học. Ngày hôm nay tập của con còn ố vàng nhưng sau này sẽ trắng tinh”. Tôi đi học với bộ sách giáo khoa xin được của mấy anh chị học lớp trước, cuốn nào cũng rách bìa, nhàu nát, ghi chữ chi chít nhưng không hề có cuốn tập nào cả. Sau đó, tôi được cô giáo và các bạn cùng lớp mua cho bộ tập trắng. Đến năm học lớp 12, tôi nghĩ mình sẽ ở nhà vì thật sự gia đình không thể nuôi cùng lúc ba chị em ăn học. Một lần nữa lời động viên của bố lại làm tôi thêm quyết tâm: “Con cứ đi học. Bố không muốn cuộc đời con lam lũ như bố. Con quên lời căn dặn của mẹ trước lúc qua đời rồi sao? Mẹ muốn ba chị em con phải học hành tới nơi tới chốn và thành người lương thiện. Khó khăn ở đâu mình khắc phục ở đó. Hôm nay con đói rách nhưng ngày mai con sẽ no đủ”. Lời động viên của bố đã làm động lực cho tôi quyết tâm thay đổi cuộc đời mình.
Lời động viên đến đúng lúc có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhất là khi những lời ấy lại đến từ bố mẹ. Không chỉ trong hoàn cảnh khó khăn lời động viên mới có tác dụng. Trong bất kì hoàn cảnh nào lời động viên đúng lúc cũng đáng giá, nhất là khi trẻ phạm lỗi lầm. Những lời trấn an của bố mẹ chính là liều thuốc “an thần” giúp trẻ vượt qua sợ hãi, dám nhìn thẳng để sửa chữa lỗi lầm.
Bố mẹ cũng cần học cách động viên
Mỗi buổi sáng, anh Tuấn (Q.5) phải chở hai con nhỏ tới trường rồi mới đến cơ quan. “Sáng hôm ấy hai đứa con đều dậy trễ, ăn vội vàng bữa sáng mẹ chuẩn bị sẵn trên bàn. Còn tôi vừa ngồi đọc báo vừa đợi con. Thấy hai con vẫn kề cà tôi liền hối: “Hai đứa nhanh lên, trễ rồi còn ngồi đó…”. Nghe tôi nói, đứa lớn vừa cầm ly sữa uống vừa lên lầu lấy cặp. Vì quá vội nên cháu đã đánh rơi ly sữa làm vỡ toang. Tôi bực tức tát con một cái. Thằng bé òa khóc chạy lên lầu thì đạp phải mảnh ly vỡ, chảy máu. Hai vợ chồng tôi quýnh quáng lên ẵm con ra ghế băng vết thương. Hôm đó tôi đến cơ quan trễ hơn một tiếng đồng hồ, còn vợ tôi phải ở nhà vì thằng bé chẳng chịu nín khóc và không muốn mẹ đi làm…”, anh Tuấn đã chia sẻ trong một buổi học nuôi dạy con.
Có thể nói, đôi khi chính bố mẹ lại vô tình tạo áp lực gián tiếp cho con khiến mọi việc ngày càng trở nên rắc rối. Nếu lúc đấy anh Tuấn nhẹ nhàng bế con ra khỏi những mảnh thủy tinh vương vãi, lấy giúp con chiếc cặp trên lầu rồi ra xe đưa con đi học, để phần còn lại cho vợ dọn dẹp thì chẳng ai bị trễ, còn con anh cũng không bị thương. Đến khi con hết sợ vì đã làm vỡ chiếc ly thì anh bình tĩnh dạy con phải dậy đúng giờ, không phải cuống cuồng, ăn vội vàng, làm hấp tấp... Lúc ấy, con ý thức được “bố đã thông cảm và hiểu con không cố ý gây ra việc đó, chỉ tại con quá vội”. Từ đó con anh sẽ hiểu ra là do mình dậy quá trễ không đủ thời gian. Lần sau sẽ thức dậy đúng thời gian quy định.
Để làm được điều này quả thật không dễ dàng với các bậc làm cha mẹ. Nhất là khi mà cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ cuốn con người vào vòng xoáy sống nhanh, sống gấp và hưởng thụ. Có khi họ phó mặc con cái cho thầy cô ở trường hay những người giúp việc trong gia đình. Họ cho mình cái quyền được nóng giận quát tháo con cái. Thậm chí còn chẳng thèm nghe con thanh minh. Mỗi khi con có nói nguyên nhân, bố mẹ thấy đuối lí lại bảo: “Cho ăn học bây giờ chúng mày chỉ giỏi cãi”. Phụ huynh cứ lấy cái thế “mình lớn” để áp đặt lên con trong khi lại chẳng chỉ cho con biết sai ở đâu và sửa sai như thế nào. Rơi vào trường hợp ấy, trẻ cảm thấy tự ti và xấu hổ trước bạn bè.
Tuy nhiên động viên không có nghĩa là bố mẹ luôn chạy theo trấn an mỗi khi trẻ lầm lỗi sai phạm. Tùy theo từng mức độ nặng nhẹ mà bố mẹ nên tỏ rõ thái độ của mình. Bố mẹ có thể tức giận khi con cứ phạm đi phạm lại một lỗi mà trước đó đã năm lần bảy lượt khuyên răn. Có thể nâng hình thức phạt để trẻ sợ, không nghĩ mình “lờn thuốc” mà tự tung tự tác thích làm gì thì làm kiểu coi trời bằng vung. Trẻ phải tự chịu trách nhiệm về lỗi mà mình đã gây ra. Lời động viên đôi khi chính bố mẹ cũng phải học.
Khánh Đan
Những cái tát, những lời chửi mắng chỉ làm cho tâm hồn của trẻ ngày càng xám xịt. Trẻ chỉ biết có lỗi là bị bố mẹ phạt chứ không biết làm sao để mình có thể khắc phục, tránh không mắc phải lỗi nữa.