Thứ sáu, 27/4/2012, 11h04

Quá yêu hay gia trưởng?

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Trong đầu tuýp người gia trưởng luôn tồn tại hai chữ “áp đặt”. Họ không thôi nhắc nhở “nửa kia” làm theo ý mình, đại loại như: “Em phải thế này!”, “Em nên thế kia!”, “Sao em không chịu nghe lời anh?”… Yêu một người như vậy đã “oải”, cưới nhau về càng ngán ngẩm hơn.
Cái gì cũng muốn… quản
Đang ngồi ăn tối cùng cô bạn thân, Tiên (26 tuổi, phóng viên) nhanh tay chuyển điện thoại di động sang chế độ im lặng khi bài nhạc chuông quen thuộc vang lên. Thở dài, nhăn mặt, giọng Tiên hơi cáu: “Lại bài ca con cá rồi. Suốt ngày phải thông báo với “sếp lớn” rằng đang ở đâu, làm gì, đi với ai, khi nào về. Yêu kiểu này riết tao điên quá!”. Trong khi đó, Hưng (32 tuổi, giám đốc công ty tư nhân) - người yêu Tiên - luôn cảm thấy khó chịu khi không nắm rõ thông tin về cô. Do đặc thù của nghề nên Tiên phải đi nhiều nơi, phát triển rộng các mối quan hệ để “săn” thông tin mới. Và điều đó khiến Hưng khó chịu ra mặt, nhiều lần anh yêu cầu thẳng thừng: “Em đi đâu cũng phải nhắn tin hay gọi điện báo cho anh biết. Có người yêu rồi mà nay gặp người này, mai uống cà phê với người kia sao được?”. Nhìn lại hai năm yêu nhau, Tiên chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Chưa dừng lại ở đó, Hưng còn ra “tối hậu thư” bắt Tiên phải đổi việc trước khi cưới vì: “Đi cả ngày ngoài đường như vậy ai biết em làm gì, gặp ai?”. Thậm chí, Hưng còn quản luôn việc ăn mặc, nói năng của bạn gái. Với anh, phụ nữ là phải dịu dàng, nhỏ nhẹ, ăn mặC kín đáo, và… càng ít mối quan hệ càng tốt. Ban đầu Tiên vui vì thấy người yêu quan tâm tới mình, nhưng càng lúc mức độ “quá đáng” của Hưng càng gia tăng. Không nhịn được nữa, Tiên đòi chấm dứt mối quan hệ “ngột ngạt” này.
Gia trưởng đâu chỉ có mày râu!
Bốn năm chồng vợ có là bao nhưng với Quang (35 tuổi, giám đốc công ty du lịch), những ngày tháng qua như sống trong địa ngục. Hiền (31 tuổi, nhân viên điều hành tour) - vợ Quang - mắc chứng “cuồng ghen”. Cứ sau giờ làm, về nhà mà chưa thấy chồng đâu là Hiền cuống cuồng gọi điện điều tra. Một máy không bắt thì chuyển sang máy còn lại. Nghe đầu dây bên kia trả lời mỏi mệt, Hiền hét to: “Ngày nào cũng bận việc. Hay anh có bồ rồi, khai đi!”.
Không riêng gì Quang bị Hiền “hành” mà bạn bè, người thân của anh cũng khó thoát khỏi cảnh “nhũng nhiễu”. Chỉ cần điện thoại Quang… mất tín hiệu là y như rằng ngay sau đó, Hiền quay sang làm phiền những ai hay gặp chồng mình. Quen kiểu thích gì nói nấy, Hiền làm mất lòng khá nhiều người. Vì thế, gia đình Quang ngày càng ghét cô, bạn bè anh cũng trở nên gắt gỏng hơn, có người còn không thèm nghe máy. Hụt hẫng, Hiền trút mọi giận dữ lên đầu cậu con trai. Mới 3 tuổi nhưng việc cu Bin “chịu trận” thay ba diễn ra như cơm bữa.
Từ ngày về sống chung, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều thuộc quyền quản lý của Hiền. Bộ salon đặt ở đâu, bếp xây hướng nào, rèm cửa màu gì, ti vi bao nhiêu inch phải do cô định đoạt. Và việc ăn uống, sinh hoạt của cả nhà tất nhiên cũng không ngoại lệ. Trong bếp, mỗi tuần dán sẵn thực đơn toàn các món Hiền thích và cho là bổ, cha con Quang chỉ biết lặng im tuân theo. Cu Bin uống sữa gì, lúc nào cần về thăm nội, qua bên ngoại, anh chả được quyền góp ý bởi cứ mở miệng là “chiến tranh”. Hiền quen kiểu nói chuyện lấn tới trong khi Quang trầm tính, vì thế anh chọn cách sống “một sự nhịn, chín sự lành” để cửa nhà êm ấm.
Nhiều lúc cố “ngậm bồ hòn”, Quang vẫn bị vợ hạch sách đủ điều. Cuộc sống gia đình ngày càng căng thẳng chỉ vì sự hoạnh họe vô cớ của Hiền trong khi cô luôn cho mình là đúng.
“Lạt mềm buộc chặt”
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường CĐ Sư Phạm TW TP.HCM, cho biết: San sẻ nhọc nhằn, cảm thông và tôn trọng không bao giờ là thừa nếu chúng ta muốn xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Sự gia trưởng chỉ nên được thể hiện vừa phải để gia đình có được trật tự. Người “chủ nhà” phải thể hiện được bản lĩnh, phải là chỗ dựa vững chắc, là nơi trao gửi niềm tin của các thành viên trong gia đình. Tổ ấm nào cũng cần một “chỉ huy” biết đưa ra quyết định cuối cùng trên cơ sở lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của người thân”.
Để làm được điều này, “một nửa lép vế” cần tỉnh táo suy xét trước khi chấp nhận một quyết định nào đó do người yêu (hoặc chồng/vợ) mình “ban” ra. Mọi thứ sẽ thật tuyệt vời nếu đôi bên tìm được sự đồng thuận, cùng nhau điều chỉnh bản thân và đưa ra những nguyên tắc sống chung trước khi cưới. Những “điều khoản” này nghe có vẻ hơi căng thẳng, nhưng nó là một trong các yếu tố đảm bảo cho một gia đình biết lắng nghe, tôn trọng và san sẻ với nhau cả tình yêu lẫn trách nhiệm.
Khi đã thành chồng vợ, cần khéo léo “tận dụng” tính gia trưởng của bạn đời để xây dựng một gia đình có nề nếp, chuẩn mực. Thay vì cự cãi, hãy tuân thủ phương châm “lạt mềm buộc chặt” để lay chuyển sự “chuyên quyền” từ phía chồng/vợ.
Tính gia trưởng sẽ không gieo sự ức chế cho người khác khi nó được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tế nhị và bắt nguồn từ lòng bao dung, thái độ khách quan. Chúng ta đừng sợ “mất lòng” mà cố nhịn cho qua chuyện. Bởi chỉ cần thấy đối phương nhường một bước, người có máu gia trưởng sẵn sàng tung thêm “chiêu” để thể hiện uy quyền. Anh/cô ta luôn mạnh miệng nói, mọi thứ mình làm chỉ vì muốn “nửa kia” hoàn thiện hơn. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, cái tốt với người này chưa chắc đã phù hợp với người kia.
Mê Tâm