Thứ năm, 10/4/2014, 11h04

Anh cải cách chương trình trung học và dự bị đại học

Theo phóng viên tại London, ngày 9/4, Bộ trưởng Giáo dục Anh Michael Gove đã công bố một số cải cách trong chương trình phổ thông trung học (GCSE) và dự bị đại học (A-level) của Anh nhằm trang bị cho học sinh nước này vốn kiến thức thực tế, đáp ứng với những nhu cầu đang thay đổi của thị trường lao động quốc tế cũng như giúp các em có sự chuẩn bị tốt hơn khi vào đại học.

Bắt đầu ở bậc phổ thông trung học, các cải cách này sẽ bổ sung nội dung vào các môn khoa học, bao gồm việc tìm hiểu về bộ gen người, phân tử nano, năng lượng và vũ trụ.

Ảnh minh họa. (Nguồn:www.theguardian.com)

Trong các môn ngoại ngữ, học sinh sẽ được yêu cầu làm thêm các bài dịch từ tiếng Anh và trả lời câu hỏi bằng ngoại ngữ mà các em chọn học.

Ở bậc dự bị đại học, các môn Sinh học, Hóa học và Vật lý sẽ đòi hỏi học sinh phải thực hiện tối thiểu 12 buổi thực hành tại phòng thí nghiệm.

Các môn khoa học sẽ được đưa thêm kiến thức toán học vào chương trình học, trong đó chú trọng những ý tưởng liên kết với các khái niệm khoa học.

Ở môn Lịch sử, học sinh sẽ phải học các vấn đề lịch sử trong phạm vi 200 năm thay vì 100 năm như hiện nay.

Ngoài ra, học sinh sẽ phải nắm vững lịch sử của hơn một nước ngoài nước Anh.

Đối với những học sinh đăng ký vào các trường kinh tế thì ở bậc dự bị đại học, các em sẽ phải nắm được kiến thức về điều hành tài chính cũng như vai trò của các ngân hàng trung ương.

Các cải cách nói trên sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2015 và 2016.

Bộ trưởng Gove đánh giá chương trình cải cách trên là tham vọng hơn và đáp ứng nhu cầu tốt hơn.

Theo ông, những cải cách này mang lại cho cả học sinh, các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà trường đại học và các đơn vị tuyển dụng sự tin tưởng lớn hơn vào tính toàn vẹn và đáng tin cậy trong hệ thống giáo dục của Anh.

Tuy nhiên, các liên đoàn giáo viên tại Anh lo ngại rằng việc cải cách được thực hiện quá nhanh sẽ gây căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh.

Bà Mary Bousted, Tổng Thư ký Hiệp hội Giáo viên và Giảng viên, cho rằng học sinh theo học phổ thông trung học và dự bị đại học trong các năm 2015, 2016 và 2017 có nguy cơ bị ảnh hưởng vì giáo viên sẽ có ít thời gian để vừa giảng dạy chương trình mới vừa giúp các em làm quen với các bài thi kiểu mới.

Trong khi đó, ông Brian Lightman, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và cao đẳng, cũng lo ngại rằng quá trình chuyển tiếp giữa hai chương trình học cũ và mới có thể gây bối rối cho cả nhà trường, gia đình và học sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)