Thứ năm, 16/10/2008, 11h07

Trường học thực trong thế giới “nửa ảo”

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Bay lượn” chứ không đi, đến trường bằng “cánh cửa thần kỳ” hay “đôi hài bảy dặm”..., những việc đó giờ không còn là chuyện tưởng tượng nữa.

Các cơ sở giáo dục đã lần lượt “dọn nhà” lên không gian ảo Second Life (http://secondlife.com) với đầy đủ hào kiệt: Harvard, Princeton, Ohio... cho tới một ngôi trường mới toanh của VN.

Khuôn viên Trường Topica trong Second Life

Lớp học của tương lai

Chương trình TOPICA

Topica được xây dựng trên nền tảng của một số chương trình, dự án từ năm năm trở lại đây như dự án TOPIC64 (triển khai các trung tâm tin học tại 64 tỉnh thành và phát triển học liệu E-learning), vườn ươm doanh nghiệp CRC-TOPIC của Đại học Bách khoa Hà Nội (ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin).

Các dự án này được các tập đoàn, tổ chức uy tín như Microsoft, Qualcomm, HP, USAID, World Bank tham gia phát triển và tài trợ, và đã đạt được một số giải thưởng uy tín quốc tế như lọt vào top 7/160 Development Gateway Award năm 2007, đoạt giải thưởng của SEAMOLEC thuộc Tổ chức bộ trưởng giáo dục Đông Nam Á năm 2007, và lọt vào top 4/132 của Stockholm Challenge Award năm 2008. TOPICA là viết tắt của “Training Online Programs and International Cooperation with Academics”, có nghĩa là chương trình đào tạo trực tuyến và hợp tác với các học giả quốc tế.

Hai năm trước, một nghiên cứu đặc biệt của CNN đưa ra dự đoán: Lớp học tương lai sẽ không còn nằm ở những ngôi trường thật sự, mà sẽ là một không gian trên Second Life (một mạng ảo với những tương tác ba chiều sống động và phổ biến nhất hiện nay trên Internet).

Và lời tiên tri ấy đã thành sự thật: mạng Cnet thống kê đã có hơn 300 trường đại học và cơ sở đào tạo với khoảng 4.200 nhà giáo trên thế giới gia nhập Second Life. Góp mặt trong số đó có cả những ngôi trường danh tiếng, có lịch sử lâu đời như Harvard, Princeton, Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Đại học Oxford, Edinburg, Leicester (Anh). Các trường đều xây dựng các khuôn viên ảo, mô phỏng các tòa nhà, cơ sở đào tạo của mình để tạo cảm giác gần gũi cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

Tuy nhiên mỗi trường chú trọng ứng dụng công nghệ 3D vào các ngành học khác nhau. Harvard tổ chức các buổi xử án ảo cho sinh viên ngành luật, Princeton sắp xếp các buổi thảo luận chuyên đề, Ohio tập trung vào giảng dạy nghệ thuật và âm nhạc.

Nhiều người thường nghĩ học trực tuyến thì không cần thiết phải có mặt thường xuyên cũng như phải chuẩn bị bài vở. Nhưng điều này không đúng, bởi ở những ngôi trường có vẻ ảo này thời gian là rất thật, nghĩa là luôn có những cuộc thảo luận nhóm, vì thế lúc nào cũng sẵn sàng giấy bút, tài liệu trước khi mở máy tính lên. John Lester, phụ trách cộng đồng giáo dục của chương trình Linden, khẳng định: “Luôn là những con người thật đằng sau mỗi nhân vật ảo, vì thế sự khác biệt giữa học thật và học trực tuyến là không lớn”.

Cùng một suy nghĩ như vậy, Rebecca Nesson, chủ nhiệm lớp luật ảo của đại học Harvard, cho biết: “Công nghệ 3D tạo môi trường tương tác trực tuyến rất thật giữa các thành viên tham gia lớp học với nhau, dù họ đang ở rất xa nhau. Đó là điều thú vị mà các lớp học trên Second Life mang lại”.

Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy học trực tuyến (E-learning), với một số ngành học nhất định và trong một số điều kiện nhất định, đem lại kết quả không thua kém, thậm chí tốt hơn học truyền thống. Tổ chức Sloan Consortium đã khảo sát ý kiến lãnh đạo của 2.200 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ, và 62% trong số đó nhận định kết quả học tập qua E-learning không thua kém học tại trường thật. Và quả thật, một nền giáo dục trực tuyến đã bắt đầu phát triển rất nhanh trên Second Life.

Học viện VN trên “mặt tiền” thế giới ảo

Một vòng các trường học trên môi trường mới, nhiều người bất ngờ khi nhìn thấy sự xuất hiện của tòa cao ốc nằm giữa công viên với đầy đủ tiện ích học tập dành cho người Việt. Hỏi thăm mới hay một trong những kiến trúc sư xây nên ngôi trường này chính là “Người chia tay với mức lương 10.000 USD/tháng” - TS Phạm Minh Tuấn (Tuổi Trẻ 6-4-2006).

Chàng trai từng từ bỏ công việc rất “xịn” ở nước ngoài, về nước làm giảng viên với mức lương khởi điểm 1 triệu đồng này cho biết: “Giáo dục là một trong nhiều ngành của nước ta đang réo lên hồi chuông báo động về vấn đề nan giải và muôn thuở là chảy máu chất xám. Quả thật, những người Việt tài giỏi, xa xứ luôn canh cánh và một lòng hướng về Tổ quốc, mong muốn cống hiến sức lực của mình cho nước nhà. Thế nhưng, lực bất tòng tâm, chế độ đãi ngộ cũng như điều kiện kỹ thuật trong nước không cho phép. Tôi tin rằng dự án Topica mà chúng tôi đang triển khai sẽ kết nối được những người Việt trên toàn thế giới để chung tay cho việc đào tạo”.

PGS. TSKH Nguyễn Thanh Nghị, phó viện trưởng Viện đại học Mở Hà Nội, cho biết: “Tuy quá trình học là ảo nhưng tất cả kỳ thi của SV Topica được tổ chức thật tại cơ sở đào tạo, liên kết của ĐH Mở Hà Nội, tuân thủ chặt chẽ các quy định của nhà trường và của Bộ GD-ĐT. Chương trình TOPICA còn tăng cường các biện pháp khác như sử dụng đề thi trắc nghiệm, webcam giám sát... Các quy trình, công nghệ này được thực hiện theo kinh nghiệm của các trường, các tổ chức khảo thí uy tín trong và ngoài nước. Đơn cử chúng ta thấy trước khi thi TOEFL, người học hầu như hoàn toàn độc lập nhưng sau kỳ thi được tổ chức nghiêm túc thì không có ai tranh cãi kết quả điểm số TOEFL”.

TRẦN NGUYÊN (TTO)