Thứ sáu, 17/4/2015, 10h04

Học sinh chế tạo tai nghe từ vật liệu tái chế

Chỉ với những vật dụng vô cùng đơn giản như vỏ chai nước suối, băng keo, cuộn dây đồng, nam châm, tấm bìa carton và vài viên gỗ nhỏ, các em học sinh đã có thể tự tay chế tạo những chiếc tai nghe mang phong cách của riêng mình.
Đó cũng chính là nội dung được truyền tải trong buổi ngoại khóa “Tìm hiểu khoa học cùng Sony (Sony Science Program)” được tổ chức cho hơn 200 học sinh (HS) lớp 6 thuộc 16 trường THCS quận Gò Vấp và Bình Thạnh vừa qua.

Các em học sinh lớp 6 hào hứng lắp ráp tai nghe bằng vật liệu tái chế trong chương trình Tìm hiểu khoa học cùng Sony lần 8

Làm khoa học không được vội vàng
Tại buổi ngoại khóa, các em HS đã được mở mang những kiến thức khoa học mới mẻ khi cùng tìm hiểu nguồn gốc tạo ra âm thanh từ sự rung động và dựa trên hiện tượng vật lý tương tác điện từ - vốn chỉ được nghe qua các bài giảng môn vật lý ở lớp học - được áp dụng trong việc chế tạo chiếc tai nghe mà mọi người vẫn thường dùng.
Từ những vật dụng đơn giản, dễ tìm thấy trong đời sống hoặc những vật dụng tưởng chừng như vứt bỏ như vỏ chai nước suối, một vài viên gỗ nhỏ, tấm bìa carton khi kết hợp cùng 2 thỏi nam châm, 1 cuộn dây đồng và keo dán lại có thể tạo ra được những chiếc tai nghe “nguyên thủy” nhất. Em Đỗ Đức Anh, HS lớp 6.1 trường THCS Yên Thế (Gò Vấp) cho biết: “Em chưa bao giờ nghĩ rằng tai nghe lại có thể được chế tạo đơn giản từ những vật dụng tái chế, dễ tìm đến như vậy. Em rất thích thú khi được tìm hiểu thế giới công nghệ qua chương trình này”.
Chỉ với khoảng thời gian hơn 30 phút cùng sự hướng dẫn tận tình của các tình nguyện viên Sony, hơn 200 chiếc tai nghe mang dấu ấn của mỗi em học sinh đã lần lượt được hoàn thành. Trong số này, có chiếc nghe được, có chiếc không nghe được, có chiếc lại nghe được với mức độ to nhỏ khác nhau. Với những tai nghe có vấn đề, là do những lỗi sai cơ bản như điểm nối 2 đầu dây không được tiếp xúc tốt, phải quấn đủ số vòng dây đồng… “Chính trong những lúc tự mình khắc phục lỗi sai, em cũng nhận ra một bài học: làm khoa học không thể vội vàng và càng không thể làm khoa học khi chưa nghe hướng dẫn kỹ càng hay thiếu sự cẩn thận” Em Vũ Tường Vy, HS lớp 6 trường THCS Nguyễn Du khẳng định.
Buổi ngoại khóa không chỉ khơi gợi sự tò mò, yêu thích, và đam mê khoa học cho HS mà còn giúp các em thay đổi tư duy, biết tiết kiệm tài nguyên từ việc sử dụng các vật liệu tái chế, bảo vệ môi trường sống quanh mình. Đây cũng chính là cơ hội để các em được trải nghiệm thực tế, nhận thức được các kiến thức trong chương trình học được vận dụng trong đời sống thực tế.
Nỗ lực vì thế hệ mai sau
Ông Otsuki, Tổng giám đốc Công ty Sony Electronics Việt Nam cho biết: “Chương trình “Tìm hiểu Khoa học cùng Sony” được bắt đầu thực hiện từ năm 2009 nhằm tạo điều kiện cho trẻ em khắp nơi trên thế giới xúc với khoa học và công nghệ. Đây là chương trình thú vị giúp các em vừa có cơ hội tìm hiểu khoa học vừa tìm thấy niềm vui khi được áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống. Với buổi hướng dẫn làm tai nghe, chúng tôi cũng mong muốn nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho các bạn trẻ Việt Nam, giúp các em có thể học hỏi được nhiều kiến thức khoa học một cách vui vẻ và sáng tạo”.
Không chỉ dừng lại ở một chương trình “Hướng dẫn cách làm tai nghe” cho các em HS, Sony còn đã tổ chức nhiều buổi ngoại khóa cho HS tại TP.HCM và Hà Nội với nhiều chủ đề khác nhau như: “Tự tạo kính 3D”, “Cách lắp ráp máy ghi âm”, “Hướng dẫn lắp ráp bộ phát và lưu trữ điện” thu hút hàng ngàn HS tham gia. Chương trình mang ý nghĩa xã hội cao, không chỉ giúp các em khám phá khoa học dễ dàng từ những vật dụng đơn giản mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống khi sử dụng các vật liệu tái chế. Sony Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động này để ngày càng nhiều em học sinh được tiếp cận với chương trình.
Được biết, Tìm hiểu khoa học cùng Sony cũng đã được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Singapore… Tất cả đều là thực hiện cam kết của Sony “Vì thế hệ mai sau” nhằm khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu khoa học công nghệ cho trẻ em, gieo mầm cho những nhà khoa học, những kỹ sư giỏi trong tương lai.
Linh Phương