Thứ hai, 16/2/2015, 22h02

Giường “2 trong 1” được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế

Chỉ với thao tác nhẹ, giường bệnh có thể “biến” thành ghế giúp bệnh nhân dễ dàng di chuyển vào nhà vệ sinh mà không cần người thân trợ giúp. Đây là một trong những tính năng nổi trội có trong sản phẩm do nhóm nghiên cứu Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện vừa được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế.
Thiết bị này càng có ý nghĩa đối với những bệnh nhân khuyết tật vốn thường gặp khó khăn trong di chuyển. Được nhóm nghiên cứu thực hiện trong 2 năm, sáng chế đặc biệt chú ý đến yếu tố an toàn cho người bệnh khi vận chuyển.
Sản phẩm “2 trong 1”
Cuối năm 2014, Cục Sáng chế và nhãn hiệu thương mại (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) đã cấp bằng sáng chế công nhận đề tài nghiên cứu Thiết bị nâng vận chuyển bệnh nhân do nhóm nghiên cứu Công nghệ hỗ trợ y tế Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM thực hiện. Tại Việt Nam, đây là trường ĐH đầu tiên được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế. Trước đó, đề tài nghiên cứu đã được thực hiện trong ròng rã 2 năm.
TS. Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng - lý giải: Mặc dù được thân nhân hỗ trợ nhưng việc di chuyển của bệnh nhân, chỉ đơn cử như ra vào nhà vệ sinh đã hết sức cực nhọc. Ý tưởng sáng chế ra một thiết bị giúp bệnh nhân chủ động di chuyển dễ dàng trong quá trình điều trị xuất phát từ thực tiễn đó. Giường đa năng khi được ứng dụng vào thực tế mong muốn sẽ góp phần giảm tải khó khăn, áp lực cho bệnh nhân cũng như các đơn vị y tế trong khám chữa bệnh.
Khác biệt lớn nhất của thiết bị này chính là sự kết hợp “2 trong 1”, vừa là giường vừa là ghế.  Được thiết kế với kích thước tương đương giường bệnh thông thường, thiết bị cho phép điều chỉnh phù hợp các tư thế khác nhau của bệnh nhân, từ nằm sang ngồi và ngược lại. Lúc bệnh nhân cần ngồi, chỉ với thao tác nhấn nút điều khiển, chiếc giường được nâng lên thành ghế. Đồng thời ghế này còn di chuyển được giúp bệnh nhân có thể ra vào nhà vệ sinh một cách thuận tiện.
TS. Út chia sẻ thêm, với tính năng nổi bật này, chiếc ghế sẽ giải tỏa được lo lắng trong khó khăn di chuyển của người khuyết tật. Bằng các nút điều khiển, bệnh nhân khuyết tật không chỉ có thể chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi để đi vệ sinh hay tự di chuyển mà thiết bị còn có chế độ hỗ trợ tiêu, tiểu và tự phun nước làm sạch.
Chọn Hoa Kỳ làm địa chỉ đăng ký sáng chế dù hiện nay thế giới có rất nhiều tổ chức cùng thực hiện chức năng này, TS. Út cho rằng, đây là thị trường lớn, uy tín và cũng không kém phần “khó tính”, một khi sản phẩm được công nhận bằng sáng chế thì sẽ tăng giá trị.
Đưa giường đến bệnh nhân

“Hiện có hai phương án mà nhà trường đang hướng đến để đưa sản phẩm ra thị trường là sản xuất chuyển giao công nghệ hoặc bán bản quyền sáng chế để đối tác sản xuất” - TS. Út cho biết. Cụ thể các phương án, nhà trường đang thực hiện các bước tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, năm tới đây, trường tiếp tục đăng ký hồ sơ để được cấp bằng sáng chế cho một số kết quả nghiên cứu khác thuộc các lĩnh vực công nghệ điện tử, cơ điện tử.
Từ dấu ấn của giường đa năng, TS. Út cho rằng, quyết định thành công của các nghiên cứu chính là việc có lực lượng nghiên cứu mạnh, chuyên nghiệp, nắm bắt được các công nghệ mới. Đặc biệt, lực lượng nghiên cứu không gặp bất cứ trở ngại nào về ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, đáp ứng khả năng làm việc xuyên biên giới…
Bên cạnh đó, TS. Út còn nhìn nhận, sáng chế giường đa năng được thực hiện trong điều kiện thuận lợi khác chính là môi trường hoàn toàn tự chủ nghiên cứu khoa học tại đơn vị. Nơi đây, các nhà khoa học được độc lập phát huy năng lực nghiên cứu. Đồng thời, cũng nhờ trường chú trọng đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng nên không chỉ giường đa năng, những sản phẩm nghiên cứu khác cũng luôn được hướng đến tính ứng dụng cao nhất và phục vụ nhu cầu thực tế.
Ngay cả ở hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, trường cũng gắn đề tài của các em vào thực tiễn sinh động của cuộc sống. Điển hình, Ngôi nhà thông minh chống lũ của sinh viên trường thời gian qua với tính ứng dụng cao đã được sản xuất và chuyển giao cho tỉnh An Giang. Sắp tới, trường chọn những “hạt giống” trẻ, có khả năng và đam mê khoa học để tham gia vào các nhóm nghiên cứu, tạo điều kiện cho các em làm quen, trải nghiệm hoạt động nghiên cứu thực thụ. “Đây cũng chính là hướng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, khơi dậy đam mê, sáng tạo cho các em”, TS. Út nói.
Được biết, hiện Việt Nam có 9 tổ chức sở hữu bằng sáng chế của Hoa Kỳ, trong đó, 2 bằng sáng chế thuộc tổ chức có liên doanh nước ngoài. Trên thế giới, số lượng bằng sáng chế được xem là một trong các tiêu chí khách quan để đánh giá nền khoa học của một đất nước.
Mê Tâm
An toàn trong vận chuyển
“Giường đa năng tích hợp hàng loạt các tính năng độc đáo như sử dụng phương pháp nâng, hạ bệnh nhân bằng các bộ phận truyền động chủ động và độc lập, giúp cho việc nâng, hạ người bệnh theo các tư thế khác nhau nhưng vẫn tạo được sự thoải mái. Ngoài ra, để vận chuyển bệnh nhân, giường còn hỗ trợ đưa bệnh nhân ngồi ổn định trên thiết bị và an toàn trong vận chuyển”, TS. Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đánh giá.