Thứ hai, 19/11/2012, 17h11

Trò chuyện cùng Nhà giáo- Nhà văn- Nhà nghiên cứu văn hóa Phương Đông- Nhật Chiêu

Nhật Chiêu - người săn bắt mộng

Trong cuộc sống của tôi có hai công việc chủ yếu: dạy học và viết văn. Nếu tôi thấy trong số học trò của tôi có ai đó đạt thành tựu cao, thậm chí vượt qua tôi rất  nhiều thì đó là niềm vui rất lớn trước khi tôi ra đi

Chân dung Nhật Chiêu - Ảnh: Nhân Tiến

1.Xin chào ông,  ông có thể cho biết về hưu ông làm gì? Tình yêu văn chương của ông vẫn cháy như xưa hay cũng tắt khi công việc giảng dạy dừng lại?

Do tôi sống trong văn chương gần như một cuộc sống bản nguyên, từ nhỏ tôi đã sống trong văn chương  và bây giờ nó vẫn cứ thế, không một thay đổi nào khác dù đã là người về hưu. Thỉnh thoảng tôi vẫn dạy một vài lớp. Đó cũng là một cách tôi nuôi dưỡng tình yêu ấy, để giữ lại cuộc trò chuyện văn chương bất tận với bạn trẻ. Thường là những  người trẻ vẫn còn cái tâm trong sáng đối với cái đẹp. Bây giờ tôi đang viết một cái gì đó dài hơi hơn những gì mà tôi đã sáng tác trong thời gian qua.

2. Trong cuộc đời chắc chắn ai cũng có biến cố, ông có thể chia sẻ vài biến cố đã hằn lên tâm khảm ông và  ông đã xử lý  như thế nào để tình yêu văn chương và tình yêu của ông trong cuộc sống không bao giờ tắt?       

Biến cố đầu tiên trong đời tôi là mất cha- tôi mất cha từ lúc tôi chưa biết cách  nhìn vào mặt ông ấy, chưa thể thốt ra một câu nào trọn vẹn. Với tôi điều đó dường như là thiếu một sự nương tựa cơ bản nhất. Chính vì lẽ đó, không biết từ lúc nào tôi đã dựa vào văn chương. Ngay từ khi biết đọc, không có một ngày nào là tôi rời bỏ những trang sách linh thiêng, thần thánh, rời bỏ một thế giới có tất cả mọi thứ. Tại sao vậy? Bởi vì chính biến cố mất cha trong đời thực đã khiến tôi không có cả những điều bình thường mà mọi đứa trẻ đều có.

Chẳng những đọc những tác phẩm hư cấu mà ngay từ nhỏ tôi đã hư cấu vô số truyện kể để kể cho các bạn đồng lứa trong xóm, trong trường, đặc biệt là trong môi trường mà chính cha tôi như một nhà kiến trúc đã xây dựng nên

3. Mọi người đều cho rằng ông là con mọt sách, có phải ông sợ đối đầu thực tế cuộc sống nên ông dựa vào sách hay đó chỉ là một liệu pháp để cân bằng đầu óc trước những biến cố đời sống?

Vấn đề không phải là sự thoát ly đối với thực tại mà chỉ là ly -kiến. Có nghĩa là tôi luôn đứng nhìn cuộc đời với một khoảng cách nhất định, tựa như một người du khách. Chỉ có cách đó tôi mới nhìn thấy cuộc sống với một tình cảm trân quý nhưng không để cho cái vẻ phù hoa của nó, lừa dối mình. Là một người du khách tôi có quyền nhìn những gì tôi thích và đòi hỏi cảnh quan mà tôi chiêm ngắm phải được tôn tạo, phải biến hóa nhiều hơn nữa. Nếu không thì tôi sẽ đi nơi khác hoặc tôi sẽ hư cấu những điều mà cuộc sống vẫn chưa đạt tới như vậy cuộc sống sẽ trở nên giàu có hơn khi ta nhìn nó bằng tâm hồn lãng du chứ không phải bằng tâm hồn thực dụng.

Thực ra những gì mà tôi hư cấu thì từ từ tự nó đến với tôi một cách diệu kỳ.

VD: Ngày xưa, tôi là người kể chuyện cho các bạn trẻ đồng lứa. Bây giờ tôi vẫn là người kể chuyện cho học trò, cho bạn đọc. Và người ta thường thấy tôi, ngồi giữa một nhóm học trò mà trong đó có những người cũng đã bắt đầu bạc đầu.

Tôi hư cấu ra người kể chuyện như nàng Scheherazade trong Một ngàn lẻ một đêm đã hóa thân  thành người kể chuyện để cứu mình và những phụ nữ khác.

Tôi cũng đã tự cứu mình và cứu vớt cái gọi là “nỗi buồn’ bằng phương cách thần diệu đó.

4. Đa số mọi người nhìn thấy ông là một người có vẻ âm tính nhiều hơn dương tính nhưng riêng tôi, tôi thấy đằng sau cái vỏ có vẻ yếu đuối của ông là một sức mạnh tinh thần rất lớn. Ông làm gì để đạt được điều đó, nó có ích gì cho ông, cho tha nhân không?

Anh cũng khá tinh tường đấy, thông thường người ta yếu đuối trong sự sợ hãi cái gọi là thời gian, tức là sợ hãi cái vô thường. Với tôi, thời gian thật sự là một sức mạnh, một loại năng lượng không có gì mà nhiều như nó và cũng ít như nó.

Vậy thì ta muốn nó nhiều hay ít. Chỉ với một tâm thức tự do thì ta mới thấy: giữa nó và ta không có khoảng cách nào. Để nhại một ý tưởng của thiền sư Đạo Nguyên- Nhật Bản, thế kỷ 13 thì ta chính là thời gian. Do đó ta vui với từng khoảnh khắc, mãnh liệt với từng khoảnh khắc. Và điều đó đưa ta đến một cuộc chơi đùa bất tận, hay chính xác hơn đó là một cuộc tiêu dao.

5. Thưa ông, như vậy thế nào là yếu, thế nào là mạnh?

Không nên dùng từ mạnh và yếu và cũng không nên phân biệt, dính mắc vào ý tưởng yếu và mạnh. Đơn giản là ta có là ta hay không?Nghĩa là đừng xem ta như một kẻ làm việc để kiếm lợi mà chỉ là một người đang HÂN THƯỞNG cuộc sống.

6. Vậy theo ông cuộc sống là khổ đau hay hạnh phúc?

Theo tôi, cuộc sống là tất cả. Tất cả những gì ta nghĩ và những gì người khác nghĩ. Cuộc sống nó lớn đến nỗi không có gì mà nó không bao dung. Vấn đế là ta tạo tác cái gì cho nó chứ không phải là cái gì má nó mang lại cho ta ( đừng chờ nó đem lại gì cho ta, mà hãy tự hỏi ta tạo tác cái gì cho nó). Bởi vì khi ta tạo tác cái gì thì lập tức cuộc sống như một cái gương kỳ diệu nó sẽ trả lại cho ta cái bóng mà ta đã tạo tác. Hơn nữa đó lại là một cái bóng đã biến hóa, nghĩa là đẹp hơn, phong phú hơn.

7.  Thưa ông, nếu ta bỏ hết những khái niệm, định nghĩa về khổ đau hay hạnh phúc trong cái đầu mình ra thì mình còn lại gì?

Tâm hồn tạo ra cả thiên đàng và địa ngục. Vì vậy ta có thể lấy cái tâm của mình để sáng tạo những gì mà ta cho là tốt đẹp nhất. Và nếu ai cũng có cái tự do của một tâm hồn như thế thì mọi sự hư dối sẽ tan đi.

8. Ông vừa nhắc đến hành động tạo tác từ tâm thái tự do, vậy xin hỏi ông cái gì là đặc trưng cho sức sống Việt Nam cho tâm hồn Việt Nam? Và sức sống ấy đã tạo tác ra cái gì ?

Theo tôi sức sống sức sống người VN nằm ở chỗ họ không tin vào những gì siêu hình, tâm hồn VN bám chặt vào phù sa của thực tại. Đó là ưu điểm và đồng thời cũng là nhược điểm. Ta không thích cái gì trừu tượng và gần như trong những lĩnh vực trừu tượng VN không có một thành tựu đáng kể nào, chẳng hạn như triết  học, các giải Nobel khoa học, văn học…

Trái lại, những gì gắn bó với  thực tại trước mắt thì người VN nổi bật như: bảo vệ quê hương, giữ gìn tiếng nói, sáng tạo thức ăn ngon và những chiếc áo đẹp…vv. Như vậy cuộc sống của người VN chỉ  thật sự có sức mạnh khi tiếp xúc với đất, với thế giới quen thuộc. Nhưng cũng chính vì điều đó khiến cho ta thường ngại ngùng trước những gì mới lạ, trước những gì trừu tượng, siêu hình. Với tất cả sức mạnh vừa kể, ta còn thiếu cái gì đó bay bổng. Các tác phẩm văn học VN từ xưa đến nay nếu xem kỹ ta sẽ thấy trí tưởng tượng của ta quá ít. Trí tưởng tượng ấy ít khi đạt tới cái gì bao la và nhiều màu sắc kiểu như trí tưởng tượng của Ấn Độ, Hy Lạp, A-rập….

Dường như ta chỉ bằng lòng những gì trong tầm tay. Đáng lẽ ra thì tầm tay cần vươn ra vô tận hoặc ít ra cũng dám liều một vài lần như thế. Có những lúc cần liều thì phải liều thôi. Nhưng hình như ta luôn luôn giữ cái hạn độ ông bà ta đã đặt ra dù ta cũng không hiểu vì sao phải giữ cái hạn độ ấy, và cái hạn độ ấy là cái gì ta cũng không hiểu rõ.

Chẳng hạn người Nhật bảo vệ truyền thống rất mãnh liệt nhưng khi cần thì họ chủ trương thoát Á và Duy Tân tới cùng. Và ta thấy họ đã thực hiện những bước nhảy đầy thành tựu và rất là ngoạn mục. Ở ta không có gì giống như thế. Người VN có vẻ khoái cái gì là dần dà, để lâu, chậm rãi. Điều mà ta thường thấy trong sinh hoạt thường ngày của người Việt như là ngồi quán, thái độ lao động, những cách câu giờ vô tội vạ…

9. Như vậy, theo ông  người Việt chưa trở thành kẻ khổng lồ trong thế giới phẳng vì chúng ta đang thiếu những giấc mơ đẹp,  vậy xin hỏi ông tuổi trẻ VN cần làm gì để biến những giấc mơ đẹp thành hiện thực sau khi vẽ ra sau khi kể ra những giấc mơ của mình như ông đã và đang làm?

Tôi đồng ý, tuổi trẻ luôn cần có những giấc mơ đẹp, cần có những bước phiêu lưu lớn, cần một nhiệt tâm vô bờ và cần biết biến hóa không sợ hãi. Tuổi trẻ luôn tràn đầy năng lượng và thế giới tâm hồn chưa bị nhiễm ô nhiều nên tuổi trẻ đừng phí hoài vào những thứ vô bổ, mất thời gian, mất sức. Tuổi trẻ hãy nhìn thẳng vào thực tế dân tộc, xem dân tộc còn  thiếu còn yếu cái gì mà xây dựng những ước mơ táo bạo dựa trên thực tế đó. Sau đó tuổi trẻ phải kiên quyết biến ước mơ thành sự thật dù khó khăn, gian khổ hiểm nguy đến đâu. Làm được như vậy là chúng ta đã vừa phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của mình mà tôi đã đế cập ở trên.

10. Trên “Nghệ thuật mới” phụ trương của báo Người Hà Nội, ông có nhắc đến khái niệm “nhà văn là người săn bắt mộng”, vậy xin ông có thể cụ thể hóa hơn vấn đề này không?

Như chúng ta thấy, con người và con vật hay mọi loài khác để sinh tồn đều phải đi săn bắt mồi. Săn bắt mồi là một nhu cầu thực tiễn để tồn tại và tiến hóa. Nhưng con người ngoài săn bắt mồi để tồn sinh thì con người còn săn bắt cái gì lớn lao hơn miếng thịt, hay con mồi. Con thú không có khát khao đi ra khỏi lãnh địa, khát khao thay đổi số phận của  mình, thay đổi miếng mồi. Nhưng ngược lại, con người có khát khao săn bắt cái gì vượt lên trên thực tại đang có. Đó là săn bắt những giấc mộng của mình.

Ví dụ như gần đây có hàng loạt nông dân VN phát minh ra các máy móc để cải tiến cho đời sống mình tốt hơn, cho công việc hàng ngày mình tốt hơn. Hay lịch sử phát minh của nhân loại đều đi theo tiến trình này: Từ quan sát thực tế trong quá trình “săn mồi” để tồn sinh, con người gặp khó khăn, bế tắc hay muốn làm nhanh hơn, đi nhanh hơn so với bây giờ thì trong đầu họ mới xây dựng một giấc mộng, một giấc mơ, rồi giấc mơ ấy lại thành hiện thực. Nhưng xong một chu trình con người cứ lớn dần lên, vĩ đại lên. Như Steve Jobs đã từ thực tế những chiếc điện thoại di động cũ kỹ, xây dựng một ước mơ tạo ra những chiếc điện thoại đa chức năng như chiếc iphone. Và cuối cùng chúng thành hiện thực, những chiếc iphone ra đời phục vụ lại đời sống thực tiễn con người. Vậy từ mộng-rồi thực-rồi lại mộng…mà nhân loại đã đi đến văn minh.

Đấy chính là bản chất đích thực của con người tiến bộ, không chỉ riêng nhà văn. Nếu không biết săn bắt mộng con người không lớn mạnh và không tiến hóa lên những nấc thang cao hơn.

11. Câu hỏi cuối cùng, ai rồi cũng phải ra đi khỏi thế giới này, vậy xin hỏi ông, ông sẽ để  lại tài sản gì cho thế hệ sau khi ra đi?

Trong cuộc sống của tôi có hai công việc chủ yếu: dạy học và viết văn. Nếu tôi thấy trong số học trò của tôi có ai đó đạt thành tựu cao, thậm chí vượt qua tôi rất  nhiều thì đó là niềm vui rất lớn trước khi tôi ra đi.

Còn trong sáng tác văn chương, tôi hy vọng rằng một vài tác phẩm của mình sẽ truyền được giấc mơ và tình yêu trong cõi thế, đó là nơi độc giả cảm thấy tôi là một người bạn mà họ có thể trò chuyện qua thời gian.

XIN CẢM ƠN ÔNG ĐÃ DÀNH CHO CHÚNG TÔI BUỔI TRÒ CHUYỆN HẾT SỨC THÚ VỊ NÀY. CHÚC  ÔNG CÓ NHIỀU TÁC PHẨM HAY CHO ĐỘC GIẢ VÀ MÃN NGUYỆN.

Nhân Tiến