Thứ tư, 16/4/2014, 09h04

Tạo điều kiện để ngư dân bám biển

Sáng 15-4, tại Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng các bộ ngành Trung ương và các địa phương có biển tổ chức Hội nghị chuyên đề về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Nhiều khó khăn

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Bình Định là một trong những tỉnh có đội tàu khai thác trên vùng biển lớn với trên 7.344 tàu cá cùng 21.800 lao động thường xuyên hoạt động tại các vùng biển xa của Tổ quốc nhưng việc khai thác thủy sản xa bờ hiện nay gặp nhiều khó khăn; ngư trường khai thác ngày càng hạn hẹp, giá bán sản phẩm vẫn còn nhiều bất cập như phụ thuộc nhiều vào đầu nậu.

Thiếu nơi neo đậu là một bức xúc lớn đối với ngư dân cả nước.

Không chỉ riêng Bình Định, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, Thanh Hóa có 7.300 phương tiện nhưng có đến 74% là tàu có công suất nhỏ, trong khi khai thác ven bờ hiện nay gặp khó khăn vì cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Một thực tế khác cũng diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành khác đó là ngư dân không chỉ gặp khó khăn trong cải hoán, nâng cấp, đóng mới… tàu cá mà ngay cả vốn lưu động để mua sắm nguyên liệu, lương thực thực phẩm với mỗi chuyến đi biển lên đến hàng trăm triệu đồng cũng thiếu, khiến ngư dân phải đi vay nóng với lãi suất cao.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, đến năm 2013, Việt Nam có 117.998 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản, sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn/năm. Cả nước có 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với khoảng 22.000 tàu cá tham gia/145.000 lao động và 50 nghiệp đoàn đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện nghề khai thác thủy sản ở nước ta còn nhiều hạn chế: Số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%), nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo.

Bên cạnh đó, tuy đã hình thành 3.750 tổ, đội sản xuất với 145.000 lao động trên biển nhưng do thiếu chính sách hỗ trợ nên mức độ liên kết chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển.

Đánh bắt cá gắn liền bảo vệ chủ quyền

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, cuộc sống của ngư dân ven biển gặp nhiều khó khăn, nhất là với 200 xã ven biển là xã nghèo. Dù gặp những khó khăn nhưng ngư dân Việt Nam đã cố vươn khơi bám biển vì đó không chỉ là cuộc sống của họ và gia đình mà còn lại bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định vai trò cũng như những đóng góp hết sức quan trọng của ngành thủy sản đối với phát triển KT-XH vì vậy chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản cũng như tạo điều kiện để ngư dân thoát nghèo, vươn khơi xa bám biển. Về chính sách tín dụng, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan cho những người đang có tàu được vay vốn để hoán cải, nâng cấp và đóng mới tàu cá, tàu hậu cần với lãi suất 5%/năm, được vay trong 10 năm; trang bị thiết bị hiện đại cho tàu để đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân khi đánh bắt trên biển; hỗ trợ vốn vay cho người nuôi trồng thủy sản. Tinh thần của Chính phủ là hỗ trợ tối đa, kể cả cho vay vốn lưu động, không để cho dân ra khơi mà phải đi vay nặng lãi. Bên cạnh đó, việc cho vay để chuyển đổi tàu gỗ sang tàu sắt cũng được thực hiện nhưng phải từng bước và theo nhu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát các âu thuyền, đầu tư nơi neo đậu; đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá; ưu tiên đầu tư hệ thống thông tin liên lạc cho tàu cá để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi đánh bắt trên biển.

“Dân phải ra biển, bám biển, góp phần xây dựng đất nước nhưng cũng là bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư là những lực lượng nòng cốt hỗ trợ đồng bào khi đánh bắt trên biển, trong lúc thiên tai hay gặp cướp biển. Phải bảo vệ, hỗ trợ cho ngư dân có mặt trên biển càng nhiều càng tốt” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biển Đông và hải đảo Phạm Gia Khiêm: Ngư dân bám biển là vừa phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể để làm sao vừa giúp ngư dân bám biển để phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề ra 5 nhóm giải pháp và đề nghị Chính phủ điều chỉnh những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi xa bám biển như: tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển; hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không có lãi suất để đầu tư hạ tầng sản xuất… Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ có giải pháp hỗ trợ để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá… Đề xuất một số chính sách mới, như: gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với ngư dân cho 28.000 tàu đánh bắt xa bờ với mức vay trung bình 200 triệu đồng/chuyến, thực hiện trong 10 năm. Đồng thời, hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên tàu cá; hỗ trợ đào tạo nhân lực nghề cá...

NGUYÊN KHÔI (SGGP)