Thứ bảy, 30/8/2014, 11h08

Tồn kho gần 500.000 tấn phân bón: Sức ép lớn với ngành hóa chất

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, 7 tháng qua, tồn kho phân bón nhìn chung vẫn ở mức cao, với số lượng gần 500.000 tấn. Chưa kể lượng tồn kho phân bón nhập khẩu dồn từ năm 2013 chuyển sang, đang tạo áp lực rất lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ mặt hàng này.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn kho, những giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ phân bón, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương).

Vận chuyển đạm Phú Mỹ đưa đi tiêu thị. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

- Ông có thể cho biết tình hình sản xuất phân bón của toàn ngành hóa chất trong 7 tháng qua?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Có thể tóm tắt bởi những con số như sau, ước đến hết 7 tháng năm 2014, toàn ngành đạt sản lượng khoảng 950.000 tấn phân lân, 157 nghìn tấn phân DAP, 1,03 triệu tấn phân NPK và 1,2 triệu tấn phân urê. So với mục tiêu và kế hoạch năm đã đề ra, sản xuất phân lân đạt 61%, phân DAP đạt 51%, phân NPK đạt 52% và phân urê đạt khoảng 50%.

Trong thời gian qua, ngành sản xuất phân bón đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án trọng điểm của ngành đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần chủ động nguồn cung, đáp ứng đủ cho nhu cầu của sản xuất nông nghiệp và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang tạo dựng được những thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và trong khu vực như Nhà máy Đạm Phú Mỹ (công suất 800.000 tấn/năm), Nhà máy sản xuất phân urê Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm), Nhà máy phân urê Ninh Bình (công suất 560 nghìn tấn/năm), Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Đình Vũ, Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao....

- Nếu đủ cung cấp cho thị trường trong nước, vậy tại sao vẫn phải nhập khẩu phân bón với lượng lớn như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Theo Tổng cục Hải quan, ước tính kim ngạch nhập khẩu phân bón từ đầu năm 2014 tới nay đạt trên 2,1 triệu tấn với tổng giá trị 675 triệu USD, giảm cả về lượng và giá trị khoảng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân SA và kali, vì nước ta không có điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu để đầu tư sản xuất 2 loại phân này.

Hiện tại, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang triển khai dự án Khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với công suất 320 nghìn tấn phân kali/năm, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, nâng công suất lên 700 nghìn tấn/năm. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu phân kali trong sản xuất nông nghiệp.

- Chỉ số tồn kho phân bón nói trên cho thấy một áp lực lớn đối với ngành từ nay tới cuối năm, vậy nguyên nhân tồn kho là do đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Con số tồn kho gần 500.000 tấn phân bón thực sự là nỗi lo lớn của ngành hóa chất. Có thể phân tích sơ bộ một số nguyên nhân như sau. Năm 2013, do Trung Quốc áp dụng chính sách giảm giá, giảm thuế xuất khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ phân bón. Nên vì lợi ích thương mại, rất nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu phân bón với số lượng lớn.

Lượng phân urê, DAP nhập khẩu tăng đột biến so với năm 2012. Điều này dẫn tới lượng phân bón tồn kho tăng cao, việc tiêu thụ sản phẩm này trong nước gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như để duy trì hoạt động, năm 2013 Nhà máy DAP Đình Vũ đã phải thu hẹp sản xuất và sản lượng chỉ đạt trên 65% công suất thiết kế. Năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc trên 905 nghìn tấn phân bón, trị giá khoảng 269 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 49% tổng lượng phân bón nhập khẩu.

Một lý do khác là cũng trong năm nay, nhiều dự án cải tạo và mở rộng công suất của các nhà máy sản xuất phân bón đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Như phân đạm, tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất hiện đạt hơn 2,3 triệu tấn, sau khi dự án của Nhà máy Đạm Hà Bắc hoàn thành đã tăng tổng năng lực sản xuất trong nước lên 2,6 triệu tấn.

Ngoài ra, tổng công suất phân supe lân hiện khoảng 1,25 triệu tấn/năm dự kiến cũng sẽ tăng 1,35 triệu tấn/năm vào năm 2015. Phân bón NPK cũng đang được hàng trăm cơ sở sản xuất với quy mô từ vài nghìn đến 600 nghìn tấn/năm. Tổng công suất phân lân hiện đạt 3,8 triệu tấn/năm.

Còn một sức ép khác dẫn tới tồn kho nữa là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng và việc thẩm lậu phân bón qua biên mậu, cửa khẩu phụ phía giáp biên giới Trung Quốc. Mặc dù, từ ngày 1/1 năm nay, nhà nước đã điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0 lên 3% để tăng cường kiểm soát phân bón nhập khẩu, song dường như chưa đủ sức nặng để hạn chế nhập siêu.

- Để giải quyết nửa triệu tấn phân bón tồn kho, từ nay tới cuối năm ngànhhóa chất sẽ cần phải thực hiện những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Hiện nay, về cơ bản các Bộ, ngành đã đồng thuận với việc tăng thuế suất thuế nhập khẩu theo dự kiến của Bộ Tài chính, như phân bón urê, phân DAP tăng từ 3% lên 6% nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, đồng thời góp phần hạn chế nhập siêu và tiết kiệm ngoại tệ. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất để áp dụng một số giải pháp hành chính và kỹ thuật nhằm quản lý chặt chẽ và hạn chế việc nhập khẩu phân bón qua biên mậu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý với việc xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về phân bón vô cơ và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ. Dự kiến ban hành trong tháng 8/2014 nhằm tạo căn cứ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về phân bón, góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Bộ Công Thương cũng rà soát các quy định về xử phạt vi phạm phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón tại Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe của quy định xử phạt.

Thạch Huê

(TTXVN/Vietnam+)