Thứ sáu, 31/10/2014, 15h10

Ngân hàng Việt sáng tạo để giữ chân khách hàng

Khác biệt hóa sản phẩm đang trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh của một ngân hàng thương mại. Theo báo cáo “Các nhân tố tương lai: Quy định, kỳ vọng khách hàng và công nghệ đang thay đổi ngân hàng bán lẻ” của EIU - một đơn vị nghiên cứu của Tạp chí The Economist (Hoa Kỳ) - có đến 52% các tổ chức tín dụng được khảo sát (từ 242 chuyên gia quản trị ở các ngân hàng bán lẻ trên toàn cầu) lựa chọn việc đơn giản hóa thủ tục và tạo ra nhiều sản phẩm cho các đối tượng khác nhau là bước cần làm đầu tiên để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Ở Việt Nam, các sản phẩm cho vay của ngân hàng vẫn được đánh giá là phức tạp. Một ví dụ điển hình như gói cho vay hỗ trợ bất động sản 30.000 tỉ đồng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20.9.2014, các ngân hàng mới chỉ giải ngân được 3.200 tỉ đồng, với 7.823 khách hàng đã tiếp cận được với các khoản vay. Tốc độ giải ngân này là rất chậm, cho dù nó đã cải thiện nhiều so với năm 2013.

Một trong những lý do khiến cho khách hàng khó tiếp cận với các khoản vay - theo chia sẻ của Giáo sư Đặng Hùng Võ - nhiều ngân hàng triển khai chưa “hết mình”, nghĩa là chỉ cho vay với những trường hợp “chắc ăn”. Thủ tục khó khăn, yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp, hay chậm giải ngân dù có đầy đủ thông tin cũng được cho là những rào cản đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn.

Tuy nhiên, thị trường ngân hàng đang có tín hiệu dịch chuyển theo xu hướng của thế giới: Đơn giản thủ tục và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài sản phẩm tiêu chuẩn, ngân hàng còn đưa ra các tùy biến theo nhu cầu của khách hàng, đi kèm theo đó là cam kết giải ngân nhanh cùng lãi suất ưu đãi.

Chẳng hạn, có thể kể đến gói cho vay siêu tốc mà Techcombank vừa giới thiệu hồi tháng 8 vừa qua. Gói cho vay này có điểm đặc biệt là cam kết giải quyết hồ sơ tín dụng chỉ trong vòng 16 giờ làm việc. Sản phẩm này hướng đến các doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động - tức cần vốn càng nhanh càng tốt để kịp thời đưa vào sản xuất và kinh doanh với tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo lên đến 80%. Techcombank nhấn mạnh: “Kịp thời là yếu tố quyết định mang lại thành công”.

Bên cạnh gói cho vay siêu tốc, mảng tín dụng dành cho nhu cầu vốn lưu động của Techcombank còn có hai loại sản phẩm khác: Cho vay theo món và cho vay vốn theo hạn mức. Có thể thấy điểm chung của những sản phẩm này là Techcombank hướng đến một đối tượng cụ thể hơn là tràn lan. Hồi tháng 8 vừa qua, Techcombank giới thiệu gói cho vay dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa. Với mục tiêu là bổ sung vốn lưu động, gói cho vay này có những nét đặc trưng của ngành: Có thể thế chấp bằng hạt nhựa, khách hàng là người tự chọn lãi suất và phương thức cho vay.

Ngoài ngành nhựa, Techcombank còn thiết kế gói sản phẩm dành riêng cho ngành dược, dầu khí… Đặc biệt với các gói vay này, doanh nghiệp được lựa chọn lãi suất dựa trên tình hình kinh doanh thực tế, nhu cầu vốn và khả năng trả nợ, các điều kiện tài sản đảm bảo linh hoạt gồm phương án kinh doanh, hàng hóa, hợp đồng đầu ra… thay vì chỉ căn cứ trên bất động sản như trước kia.

Nhìn chung, có thể thấy Techcombank đang cố gắng thay đổi lại tiêu chí thiết kế sản phẩm theo hướng tùy biến trực tiếp trong sản phẩm tùy vào nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, thậm chí các khách hàng có thể thỏa thuận trực tiếp từng điều khoản với ngân hàng chứ không cố định và cứng nhắc. Lựa chọn việc đơn giản hóa thủ tục và tạo ra nhiều sản phẩm tiêu chuẩn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cũng chính là cách mà ngân hàng này chinh phục khách hàng.

Theo LĐO