Thứ sáu, 22/8/2014, 10h08

“Sóng” đầu tư FDI vào lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm

Với thị trường tiềm năng, Việt Nam được xem như một trong những điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm. Thời gian gần đây, việc đầu tư của doanh nghiệp FDI vào các lĩnh vực này đã trở thành một làn sóng.

Sôi động

Những tháng đầu năm, Việt Nam liên tiếp đón các NĐT nước ngoài có tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ. Trước tiên là sự ra mắt Trung tâm mua sắm Aeon Mall của NĐT Nhật Bản tại quận Tân Phú, TPHCM vào đầu năm 2014, với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, không gian mua sắm rộng 50.000m². Ngoài Aeon Mall Tân Phú, dự kiến cuối năm nay, hệ thống trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Bình Dương sẽ được Tập đoàn Aeon đưa vào khai thác.

LOTTE Mart (Hàn Quốc) đã đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn trên nhiều tỉnh, thành trong lĩnh vực bán lẻ.

Cũng ở lĩnh vực bán lẻ, thời gian gần đây Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Với vị thế dẫn đầu, LOTTE Mart của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn trên nhiều tỉnh, thành như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng với 7 trung tâm thương mại được xây dựng theo phong cách hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020, LOTTE Mart sẽ có 60 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh thành Việt Nam. Ngoài LOTTE Mart, hiện hệ thống K-Mart và E Mart cũng đang tìm cơ hội để tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực thực phẩm, thức ăn nhanh cũng đang thu hút sự quan tâm của các NĐT nước ngoài. Vào cuối tháng 7 vừa qua, 10 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Nhật Bản trong lĩnh vực nông sản, công nghiệp thực phẩm đã có buổi kết nối với DN Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường TPHCM.

Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm. Ảnh: Trung tâm mua sắm Aeon Mall của Nhật Bản tại quận Tân Phú

Ông Osato Kazuhiko, Giám đốc xúc tiến thương mại và đầu tư (thuộc Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản) cho biết, hiện nay tại TPHCM có 300 cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm do DN Nhật Bản đầu tư. Ngoài ra, trong số hơn 200 DN Nhật Bản đang đầu tư tại TPHCM có phân nửa đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ; còn lại đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, xu hướng đầu tư lại hướng vào lĩnh vực dịch vụ, thực phẩm.

Ngoài DN Nhật Bản, gần đây các DN kinh doanh đồ ăn nhanh của Hàn Quốc như: Lotteria, BBQ Chicken… cũng đang tìm cách phát triển mạnh phân khúc thị trường này.

Lý giải về sự dịch chuyển làn sóng đầu tư này, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO Văn phòng TPHCM cho rằng, Việt Nam với dân số 90 triệu người là một thị trường lớn. Mức thu nhập trên đầu người và kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định.

Còn ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho biết, Việt Nam có tiềm năng về nông sản, có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, với lợi thế là một đất nướ c có tỷ lệ dân số trẻ rất đông, người Việt có chi phí ăn uống, mua sắm, tiêu dùng mạnh mẽ hơn hẳn các nước khác trong khu vực.

Tháo gỡ rào cản gia nhập thị trường

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, tuy Việt Nam là thị trường mới tăng trưởng nhưng có đất cho ngành dịch vụ bắt rễ và người ta kỳ vọng nhiều vào sự tăng

* Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2014, các NĐT nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,53 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ 2013. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,13 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,11 tỷ USD.

trưởng của thị trường. Nhiều DN Nhật Bản không đòi hỏi ưu đãi hay hỗ trợ gì đặc biệt mà mong muốn các rào cản cho việc đầu tư hoặc rào cản gia nhập thị trường của họ được bãi bỏ.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần đối xử với DN Nhật Bản tương đương như với DN Việt Nam trong thủ tục xin phép đầu tư, giấy phép kinh doanh theo như quy định trong Hiệp định đầu tư Nhật - Việt; nâng cao tính minh bạch và cải tiến thủ tục hành chính; cải thiện các cơ chế để giảm rủi ro khi thuê đất đai, nhà xưởng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản… “Hiện tại việc mất nhiều công sức, thời gian, chi phí cho đủ loại thủ tục hành chính đang là trở ngại lớn cho thu hút đầu tư. Dù thế nào thì điều quan trọng nhất là Chính phủ tin vào DN, tin vào thị trường để xây dựng các quy định của một thị trường có mức độ tự do cao hơn” - ông Hirotaka Yasuzumi nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hong Sun cho rằng, với các tiềm năng hiện có của Việt Nam, Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng thị trường này trong tương lai. Theo ông Hong Sun, các chính sách bảo vệ DN là rất quan trọng đối với Nhà nước, nhưng Chính phủ Việt Nam cũng nên khuyến khích, tạo sự thuận lợi cho các DN bán lẻ, đặc biệt là các DN Hàn Quốc. “Các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, không chỉ mang những nguồn đầu tư vào mà còn mong muốn có thể cải thiện, giúp Việt Nam trong lĩnh vực quản lý, nâng cao chất lượng. Vì vậy, Chính phủ cần khuyến khích phát triển để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cho kinh tế Việt Nam.

Đơn cử như lĩnh vực chế biến thực phẩm vốn là một trong những thế mạnh phát triển của nền thương mại nông nghiệp, thì ở Việt Nam, tuy là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển với lượng tiêu thụ nông sản rất lớn nhưng vẫn bị hạn chế rất nhiều về cơ sở vật chất, nhà máy gia công, sơ chế và bảo quản sản phẩm tươi sống… Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên chú ý và khuyến khích mời thêm nhiều NĐT, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, nhà máy chế biến… để hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đầy tiềm năng này” - ông Hong Sun khuyến nghị.

ĐÌNH LÝ (SGGP)