Thứ tư, 18/4/2012, 10h04

Vượt khó!

Chầm chậm. Chầm chậm. Tiếng thầy chậm rãi kể chuyện về thời ấu thơ của mình, những khó khăn thầy phải vượt qua trong việc học, việc hành, việc cuốc bộ vượt bao cây số để đến trường - khó khăn khi qua cầu, khi đi dưới mưa to - khó khăn khi đến lớp không bàn ghế nào vừa khuôn khổ của thầy để thầy có thể gò chân lên viết bài. Vì sao? Vì thầy không may mắn có đôi tay bình thường như bao trẻ - đôi tay đã bị liệt… Liệt rồi làm sao có thể cầm cây bút mà nắn mà nót, làm sao có thể lật từng trang sách để vô tư đọc bài, có thể nắm tay cùng tung tăng với các bạn nô đùa… Những trò chơi bắn bi, nhảy lò cò… đành gác lại.
Có lẽ nói về đôi tay thầy không có gì để viết nhiều. Tôi muốn viết về đôi chân - đôi chân đã vượt khó, đã khổ công, đã tự nguyện gánh thay đôi tay ấy rồi… tội nghiệp đôi chân. Đôi chân phải cầm cây bút đè lên cuốn vở tập viết từng con chữ, để cái bút vô tình lắc lư và rớt xuống. Đôi chân phải tập kẹp mảnh than viết vào nền gạch với những hình thù không là chữ, để lại trên nền gạch những nét ngoằn ngoèo khiến ba của thầy rầy thầy vì đã làm cho cái nền gạch cũ đi.
Bao người có đôi tay mạnh khỏe có cố cũng chưa rèn được những con chữ đẹp, hoặc dù có cố cũng không thể cắt những bông hoa đẹp từ mảnh giấy vuông vuông. Nhưng thầy làm được đấy! Thầy là một tấm gương vượt khó để mọi người học tập. Dù là đôi tay hay đôi chân cũng có thể giúp ích cho đời.
Thầy không có đôi tay khỏe mạnh, đôi chân có thể làm thay. Nhưng cũng có những việc đôi chân không thể làm thay dù có luyện tập thì đã có đôi tay của người vợ thân yêu - đôi tay một người phụ nữ đảm đang.
Đó là những hình ảnh về thầy Nguyễn Ngọc Ký khi thầy đến giao lưu với thầy cô và học sinh trường chúng tôi.
Mỹ Lệ
(Trường Tiểu học Bình Quới, Thủ Đức)