Thứ năm, 27/11/2014, 09h11

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Để tái cấu trúc ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững hơn, giúp đổi đời cho người nông dân, tại cuộc hội thảo do Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức ngày 26-11 ở Hà Nội, các chuyên gia từ nước ngoài cho rằng: Việt Nam cần phải khẩn trương xây dựng thương hiệu “lúa gạo Việt Nam” bắt đầu từ chương trình và chiến lược giống lúa gạo chất lượng cao.

Cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa tại ĐBSCL.

Bắt đầu từ giống

Ông Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI cho biết, sau khi Chính phủ Việt Nam có quyết định về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có cuộc thảo luận về quan hệ đối tác lâu dài trong việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho tái cơ cấu lúa gạo của Việt Nam. Thông qua việc đưa chuyên gia của IRRI sang nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam, phía cơ quan này sẽ hỗ trợ và cùng tập trung nghiên cứu, phát triển lúa gạo theo các nội dung gồm giống, công nghệ sinh học, sản xuất bền vững và chính sách - để góp phần cải thiện ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập của người nông dân Việt Nam. Đồng thời cũng đánh giá và tìm cơ hội phát triển các biện pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao thích ứng và giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cải thiện tình trạng cây trồng, quản lý dịch hại, tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch...

Tuy nhiên theo đánh giá của IRRI, nông nghiệp Việt Nam mà cụ thể là tiểu ngành lúa gạo đang đứng trước nhiều điểm yếu gồm ruộng đất với diện tích nhỏ - manh mún, cơ sở hạ tầng sau thu hoạch chưa đầy đủ và chưa đảm bảo chất lượng, không có phòng thí nghiệm chất lượng cao phục vụ chương trình và chiến lược nghiên cứu hạt giống, đặc biệt là Việt Nam vẫn xây dựng được thương hiệu cũng như chiến lược thị trường đủ mạnh. Để hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị và bền vững hơn, các chuyên gia của IRRI đề nghị Việt Nam cần thực hiện sáu nhóm giải pháp sáng kiến, trong đó có 2 chiến lược mang tính đột phá là xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam và lai tạo các giống lúa chất lượng cao; thực hiện đẩy mạnh kinh doanh các loại gạo đặc sản nhằm đáp ứng được nhu cầu - sở thích của không chỉ người tiêu dùng trong nước mà cả thế giới (xuất khẩu) trong bối cảnh thị hiếu đang thay đổi như hiện nay.

Gạo đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển lên tàu để xuất khẩu.

Ảnh: THÁI BẰNG

Chọn loại gạo thơm để nâng cao giá trị

Theo TS Matthew Morell, Phó Tổng giám đốc IRRI, bên cạnh sớm ra mắt thương hiệu gạo Việt Nam thì Việt Nam cần nỗ lực hơn trong việc lai tạo và áp dụng các giống gạo chất lượng cao (đặc sản) để nâng cao giá xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân. “Chuỗi giá trị gạo đặc sản của Việt Nam gồm hai thị trường: một dành cho người tiêu dùng tại các đô thị trong nước, nơi dân đô thị thích mua các loại gạo ngon và một dành cho thị trường xuất khẩu với loại gạo chất lượng cao hơn”- ông Matthew Morell nói. Đại diện của IRRI cũng cho rằng, nông dân ở ĐBSCL rất nhạy bén với việc cải tiến giống và sẽ nhanh chóng ứng dụng các giống lúa chất lượng cao. TS Matthew Morell nhấn mạnh: “Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một ứng viên sáng giá trong thị trường lúa gạo chất lượng cao”. Đặc biệt, giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế lẫn giá cả trên thị trường xuất khẩu. Hiện nay, 52% lượng gạo thơm được tiêu thụ ở nội địa và 48% dành cho xuất khẩu. Tại nội địa, 6 thành phố gồm Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Nha Trang là những nơi người dân ưa chuộng loại gạo thơm với mức tiêu thụ chiếm 60% sản lượng nội địa. Nơi thích hợp để đẩy mạnh hoạt động sản xuất lúa gạo đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, thực tế cho thấy tại Việt Nam đang tồn tại quá nhiều giống lúa. Để hướng phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT cần áp dụng các giải pháp cần thiết gồm tiêu chuẩn hóa giống, thiết lập cơ chế thích hợp cho việc thử nghiệm nhân rộng các giống lúa đã được đề xuất; xác định và thông báo về các giống lúa ưu việt, có chất lượng cao. Theo mục tiêu từ nay đến năm 2020, IRRI sẽ hỗ trợ Bộ NN-PTNT Việt Nam thực hiện sản xuất thương mại 1-3 giống lúa mang tính quyết định thị trường và có chất lượng cao (có thể là gạo Jasmine có mùi thơm đặc trưng và chất lượng ngon khi nấu). IRRI sẽ hỗ trợ Việt Nam thành lập hai phòng thí nghiệm để phục vụ việc xác minh chặt chẽ cũng như chứng nhận các giống lúa được thực sự chất lượng.

PHÚC HẬU
(SGGP)