Thứ tư, 2/7/2008, 23h31

Mỹ: Cha mẹ cũng “nhức đầu” chọn trường cho con

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Không chỉ ở Việt Nam, ở Mỹ, các bậc cha mẹ cũng “điên đầu” khi chọn trường đại học cho con

Mỗi năm, cứ vào mùa chuẩn bị khai trường các trường đại học, các tờ báo lớn của Mỹ như US News - World Reports, Newsweek… đều cho đăng danh sách các đại học trên toàn quốc được xem là tốt nhất của Hoa Kỳ, trên nhiều tiêu chuẩn như học phí, giáo sư giỏi, chương trình tốt, nơi ở của sinh viên hoàn hảo…

Và ngay cả Bộ trưởng Giáo dục Mỹ cũng muốn các phụ huynh và học sinh cần phải chọn lựa đại học nào phù hợp với mình. Một chuyên gia tư vấn, bà Spellings nói: “Chúng ta cần nền giáo dục đại học có trách nhiệm hơn bằng cách yêu cầu họ mở ra các “Tháp Ngà” của họ và cung cấp cho sinh viên, học sinh và gia đình họ đầy đủ thông tin cần thiết”.

Một ủy ban do bà Spellings tạo ra mới đây đã đệ trình một báo cáo của họ về nền đại học Mỹ, trong đó yêu cầu lớn lao nhất mà Ủy ban này đòi hỏi là làm sao các đại học dành sẵn nhiều chi tiết và thông tin về họ cho nhiều người biết hơn.

Đại học là vấn nạn cho nhiều người, nhất là những người có lòng quyết tâm “giật” một mảnh bằng đại học. Nhưng với học phí lên tới 40.000 USD mỗi năm cho các đại học tư danh tiếng, tốt nghiệp đại học còn là một nguồn đầu tư lớn lao cho tương lai.

Cái điểm khó nhất cho nhiều sinh viên năm đầu đại học chính là họ không sao so sánh được nhiều đại học khác nhau trong nhiều tiểu bang để xem trường nào thích hợp nhất với họ, nhất là vấn đề tiền nong, học phí đủ kiểu. Thường thì gia đình chỉ dựa vào cái mà họ nghe được từ người thân, bạn bè và các chuyên viên tư vấn.

Ngay cả các bài báo của US News-World Reports dù chi tiết, nhưng đại loại chỉ nói khi vào đại học sẽ khó khăn ra sao chứ không nói sau khi ra đại học sinh viên sẽ được cái gì. Và tin tức cũng không phấn khởi cho lắm: mặc dù có tới 2/3 học sinh Hoa Kỳ sau trung học ghi tên vào đại học, nhưng sau đó có trên 40% sẽ bỏ học đại học nửa chừng. Còn ngay cả các sinh viên ra trường cũng không phải có ngay kinh nghiệm và sở trường để kiếm việc làm dễ dàng.

Bà Spellings và các chuyên gia giáo dục muốn các tài liệu dữ kiện từ đại học như là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp, sinh viên học trong trường X. hay Y. sẽ thấy thoải mái ra sao và nhất là sau khi ra trường họ có thể kiếm bao nhiêu lương mỗi năm. Một vài tiểu bang đã hứa sẽ cung cấp loại thông tin này.

Kavin Carey, một chuyên viên về chính sách giáo dục của Education Sector tiết lộ hai báo cáo cho thấy tình hình như thế. Một là của Đại học Texas và một của các đại học công của tiểu bang Florida. Cả hai tiết lộ là không phải các đại học danh tiếng nhất mới xứng đáng để tân sinh viên đầu tư vào.

Ở Texas thì đó là Đại học Permian Basin mới là nổi tiếng ghi nhận nhiều sinh viên ghi danh, tới 95% được nhận vào và ở Florida thì kết quả điều tra cho thấy chính sinh viên Trường Đại học Florida International University mới là kiếm nhiều tiền sau khi tốt nghiệp ở đây ra, chứ không phải của Đại học Gainsville lừng danh. Nhưng nhiều bậc phụ huynh sẽ còn chờ lâu, vì không phải trong một sớm một chiều mà các trường đại học của Hoa Kỳ chịu công bố các thông tin này. Bà Spellings lạc quan nói: “Tôi tin là họ phải mở cửa thông thoáng thôi, vì phụ huynh muốn như thế.” Bà cũng có một người con đang theo học đại học nên hiểu rõ tâm sự bậc cha mẹ có con vào đại học.

Trong khi chờ đợi, các chuyên gia khuyên các bạn trẻ và cha mẹ nên nhẫn nại đặt ra nhiều câu hỏi, chịu khó chạy đôn chạy đáo để tìm ra một đại học thích hợp, “chọn mặt gửi… tương lai” vào.

Trần Lục