Thứ sáu, 21/11/2014, 15h11

Ngôi trường của những đứa trẻ nghịch cảnh

Cô Trần Thị Mộng Cầm đang giảng dạy học trò của mình
Trẻ em nghèo, thất học thì ở đâu cũng có. Nhưng Sài Gòn đất chật người đông và trẻ em thuộc diện này càng đông hơn ở những quận ven vì ở đây dân nhập cư đổ về rất nhiều. Thế là Trường Phổ cập Tiểu học ban đêm Phường 12 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ đó mà ra đời...
Lớp học dành cho “lao động nhí”
Chúng tôi đến sớm trước giờ hẹn với thầy Huỳnh Thúc Tịnh, Hiệu trưởng trường vào lúc 6 giờ tối. Giờ học chưa bắt đầu vậy mà học  sinh tập trung về sân coi bộ đông đủ, rôm rả. Từ lớp 1 đến lớp 5 có khoảng 80 em nhưng tiếng cười đùa của các em khiến người ta có cảm giác đến vài trăm vậy. Đứa chơi đuổi bắt, đứa nhảy lò cò, đứa mượn vở bạn để chép bài cũ. Và nhiều hơn cả là những đứa tụm lại một chỗ nói chuyện. Nào là ngày hôm nay đứa này bán được 20, 25 tờ vé số, đứa kia phụ mẹ bán được 15 tô hủ tiếu, 7 cây chả giò, 45 ổ bánh mì... Thậm chí cả sự việc người ngoài đường đánh nhau, hàng xóm cãi nhau mà lũ trẻ chứng kiến cũng được đem ra kể hết. Vừa nói chuyện, lũ trẻ vừa chuyền tay nhau bịch bánh tráng trộn muối ớt nhấm nháp một cách ngon lành. Chẳng phải vì quá tò mò khiến chúng tôi chú ý những câu chuyện của lũ trẻ mà do cái cách nói chuyện của các em thể hiện đầy sự trải nghiệm và tự tin. Nhiều em mới 8, 9 tuổi nhưng rất rành rọt trong công việc mưu sinh, trong đó có cả cách đối phó sự cố với kẻ xấu khi chẳng may các em gặp phải. Chỉ có điều, rất khó để chúng tôi nghe được các câu chuyện mà học sinh lớp ban ngày hay kể, kiểu như các ngày nghỉ cuối tuần đã cùng ba mẹ đi đâu, mua món đồ chơi, bộ quần áo mới hay các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc…
Đối với bọn trẻ ở lớp phổ cập này, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Em nhà nghèo quá, học chưa đầy cấp 1 phải nghỉ để phụ việc gia đình. Em mới sinh ra nhưng chẳng biết mặt mũi cha mẹ mình là ai, hoặc ba mẹ vướng vào tệ tạn xã hội buộc các em phải nương tựa ông bà, người thân… Cũng có em theo bố mẹ từ quê đến Sài Gòn mưu sinh, kiếm sống. Và lẽ đương nhiên các em sớm quen công việc bươn chải cơm áo gạo tiền, việc học theo đó cũng dở dang, muộn màng. Chỉ trong lớp 1 thôi mà có không ít học sinh 8, 9 tuổi mới học a, b, c... thậm chí có cả “học sinh” từ 20 đến 40 tuổi. Hiểu được hoàn cảnh bản thân nên học sinh ở đây rất chăm chỉ đến lớp. Nhiều em học hết cấp 1, lên cấp 2, cấp 3, thậm chí lên cao hơn. Điển hình như Phạm Thị Tuyết Hạnh (28 tuổi), từ một cô bé nhà nghèo, vừa bước qua cấp 2, cùng mẹ rời Cần Thơ lên Sài Gòn phụ quán ăn. Ngày đi làm, tối Hạnh chăm chỉ đến lớp phổ cập. Sau nhiều năm cố gắng, Hạnh đã tốt nghiệp ngành du lịch, hệ CĐ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Hai năm trở lại đây, Hạnh có thể lo cho bản thân, cho mẹ già nhờ công việc kinh doanh nhà hàng trong Khu dulịch Bình Quới 1 (Q.Bình Thạnh).
Những ông giáo về hưu
Trường Phổ cập Tiểu học ban đêm Phường 12 mở ra cách đây cũng hơn chục năm, nhằm tạo điều kiện cho những đứa trẻ nghèo, có nhu cầu học chữ đến học. Các em được học tập như một học sinh chính quy, có sổ điểm, học bạ, đánh giá xếp loại thi đua hẳn hoi và hoàn toàn miễn học phí. Và những giáo viên đang dạy các lớp buổi ngày được ngành khuyến khích sang dạy ở đây.

Thầy Huỳnh Thúc Tịnh hỏi thăm em Trần Quốc Quang, một học sinh thầy mới nhận hồi đầu tháng 11-2014
So với một số trường học phổ cập khác mà chúng tôi đã đến, trường phổ cập ở Phường 12 có những điểm hoạt động để lại rất nhiều ấn tượng. Mọi học sinh đến lớp đều đeo khăn quàng, mặc đồng phục áo trắng, quần tối màu một cách chỉnh tề, mặc dù kiểu cách các bộ đồng phục không giống nhau, có bộ mua ngoài chợ, có bộ gắn logo của một trường tiểu học, THCS nào đó. Riêng đội ngũ giáo viên, có những cô giáo như cô Trần Thị Mộng Cầm, dạy lớp 3, cô Trần Thị Thu, dạy lớp 2... đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng mỗi tối, các cô vẫn đều đặn đạp xe đến dạy dù nhà cách trường rất xa. Nhiều hôm trời mưa to, học trò thì vắng nhưng các cô thì không vắng. Thầy Huỳnh Thúc Tịnh tâm sự: “Học sinh ở đây không ngang nhau về trình độ là chuyện bình thường. Tuy nhiên nhiều em mới đến học, tính tình khó bảo, ương bướng, nhiều em lại tự ti. Giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn uốn nắn cả tính cách, thói quen, nề nếp, tác phong. Có những bài học chỉ cần nói bằng lời, song có những bài học cần dùng đến những hành động cụ thể, dù nhỏ nhất nhưng thiết thực. Chính những hành động ấy đã cảm hóa các em một cách hiệu quả. Ý thức, tính cách các em lớn lên từng ngày. Các em ngoan hơn, biết vâng lời, giúp đỡ bạn bè, nói lời cảm ơn, không nói tục, chửi thề và tự bỏ đi những trò chơi chọc phá, gây nguy hiểm cho người khác…”.
Lớp học diễn ra ban đêm, công việc vất vả, lương bổng không là bao, tuổi tác lại nhiều nhưng các cô vẫn bám nghề, vẫn đến với lớp học bằng tình thương học trò một cách trọn vẹn. Bản thân thầy Tịnh năm nay ngoài 60, nhưng ngày ngày thầy vẫn đến trường trong vai trò quản lý. Trước đây thầy cũng là giáo viên dạy lớp ban ngày lẫn ban đêm, trải qua thời gian, thầy được bổ nhiệm công tác quản lý ở trường phổ cập, tính đến nay cũng hơn chục năm.
Đang trò chuyện cùng thầy, em Trần Quốc Quang (16 tuổi, ngụ đường D2, phường 25), dáng cao ngồng, khuôn mặt khôi ngô được một người đàn ông ngoài 30 tuổi dẫn đến trường xin thầy Tịnh cho vào học lớp 4. Vào đầu năm, chuyện xin học là chuyện bình thường, đằng này, cuối tháng 10 là lúc giữa kỳ 1, chương trình học đi qua nhiều thì người xin học khó mà được nhận vào. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của chúng tôi, thầy đồng ý nhận Quang vào học sau khi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, hồ sơ học bạ. Trước khi Quang ra về, thầy không quên nhắc nhở: “Mai đến lớp phải mặc áo trắng quần xanh, ăn mặc gọn gàng nghe con...”. Thầy bảo, cậu bé này từ Bình Định vào Sài Gòn đi bán bánh mì thuê. Bản thân người chủ còn thương, còn dẫn em ấy đi xin học thì tại sao mình không nhận. Xét về mọi nguyên tắc thì sai, nhưng chỉ cần một lời từ chối, liệu sang năm em ấy có quay lại không? Khoảng thời gian không đi học, chẳng biết các em như thế nào. Đối với học sinh nghèo, được đặt chân đến trường đó là một điều may mắn, là sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Tôi nghĩ giáo viên cũng sẽ hiểu, thông cảm mà cố gắng hơn.
Vào thời điểm trường thành lập, cứ trung bình mỗi phường có một điểm dạy. Thế nhưng số lượng học sinh, thậm chí cả giáo viên cứ giảm dần nên nhiều điểm trường đóng cửa. Riêng ngôi trường này, sĩ số học sinh vẫn duy trì đều đặn, thậm chí học sinh ngoài P.12 cũng xin vào. Chính sự dạy dỗ bằng cả trách nhiệm, tình thương của giáo viên nên trẻ nhiều nơi đều xin về đây học tập.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh