Thứ tư, 30/12/2009, 15h12

Nhật Bản: Mở các lớp học dự bị

Trường Đại học Kinki

Các trường đại học và cao đẳng tại Nhật Bản mới đây đã thử nghiệm việc mở các lớp học dành cho học sinh trung học phổ thông – những người chắc chắn sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Đó là những học sinh đạt giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia hoặc quốc tế, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và một số trường hợp đặc biệt khác.
Chương trình nghiên cứu thực địa
Theo thống kê, tỷ suất sinh của Nhật đang có xu hướng giảm nên hầu như những ai nộp đơn xin học đại học hoặc cao đẳng đều được nhận. Một nửa trong số họ được nhận thông qua sự giới thiệu hoặc Chương trình AO Nyushi – chương trình xét tuyển dựa trên các bài tiểu luận hoặc phỏng vấn. Con số này có khi nhiều hơn là số người đậu vào thông qua kỳ thi tuyển sinh đại học. Vì vậy, phương pháp mở các lớp học dự bị tại các trường đại học, cao đẳng như trên dự đoán sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các sinh viên khi bước vô giảng đường vì thiếu khả năng hoặc sự nhiệt tình trong học tập.
Tùy vào hoàn cảnh, những trường này phải chờ cho các ứng viên học xong trung học. Sau đó mở các lớp học trên mạng internet hoặc hợp tác với các trung tâm luyện thi để cung cấp cho những học sinh này các chương trình nghiên cứu thực địa để học tập cho đến khi các em chính thức trở thành sinh viên.
Trong chương trình giáo dục dự bị đại học do Trường Cao đẳng Osaka Jogakuin tại Chuo, Osaka tổ chức năm ngoái, chương trình nghiên cứu thực địa là một chuyến đi đến quận Shinsekai – một điểm du lịch ở Naniwa, Osaka. Nơi đây nổi tiếng với Tháp Tsutenkaku. Tham gia chuyến đi là 12 sinh viên tương lai sau khi họ đã vượt qua được quy trình sát hạch AO Nyushi.
Ông Masanori Ochitani, Trưởng phòng tuyển sinh của trường là người hướng dẫn chuyến tham quan, sẽ giới thiệu cho các học sinh này một số tiểu sử và các cột mốc đáng nhớ của nơi đây. Và những ai tham gia chuyến tham quan sẽ phải đưa ra các bài thuyết trình về chủ đề này trong một cuộc sát hạch khác.
Một sinh viên tương lai tham gia chuyến đi cho biết: “Tôi biết được nhiều hơn từ các chương trình nghiên cứu thực địa hơn là những điều có được từ việc đọc một quyển sách giáo khoa. Tôi cũng có thể trò chuyện với các sinh viên, là bạn học tương lai của mình. Thật thú vị!”.
Ông Ochitani cho biết: “Khả năng học thuật là rất quan trọng, nhưng việc cho các sinh viên tự hành động và suy nghĩ theo cách riêng của họ cũng quan trọng không kém”.
Bước chuyển tiếp suôn sẻ
Một phương tiện khác để hỗ trợ cho những học sinh tiềm năng là tận dụng lợi thế của các lớp học tại nhà thông qua internet.
Vào năm 2004, Trường Đại học Kinki đã giới thiệu một hệ thống của Công ty Artstaff, một công ty phát triển giáo dục có trụ sở tại Kita, quận Osaka. Hệ thống này được sử dụng phân công bài tập đến các lớp dự bị của trường để các học sinh làm bài trực tuyến. Các bài tập này bao gồm những hình ảnh sinh động và các tính năng giải trí khác sẽ được đưa vào với ba cấp độ khác nhau tùy theo khả năng của từng học sinh.
Nhà trường theo dõi sự thường xuyên và thời gian truy cập của học sinh. Đồng thời thường xuyên liên lạc nhắc nhở qua điện thoại hoặc e-mail đến các học sinh ít khi sử dụng chương trình.
Còn Công ty Nagase Brothers có trụ sở tại Musashino, tây Tokyo, điều hành chuỗi các trung tâm luyện thi trong năm học này đã cung cấp chương trình giáo dục dự bị đại học như trên cho 115 trường đại học, cao đẳng kể cả công lập và dân lập. Có khoảng 17% trong số các trường đang thử nghiệm chương trình. Sinh viên chính thức tại các trường đại học, cao đẳng cũng tham gia hỗ trợ chương trình thông qua việc đưa ra các lời khuyên cho các học sinh sẽ trở thành sinh viên tương lai.
Sự liên kết liên tục, trực tiếp giữa thành tích học tập và giáo dục tiền đại học là một kết quả của những nỗ lực được xây dựng bởi rất nhiều chuyên gia. Reiko Yamada, Chủ tịch Hiệp hội hỗ trợ tân sinh viên Nhật Bản tại các trường đại học, cao đẳng và là Giám đốc Trung tâm Phát triển tài năng thuộc Trường Đại học Doshisha nói: “Sự quan tâm đầy đủ sẽ giúp các học sinh có một bước chuyển tiếp suôn sẻ từ trung học phổ thông lên đại học, cao đẳng và trên hết sẽ tạo cho các em một lối sống lành mạnh hữu ích trong môi trường đại học. Đồng thời nó cũng sẽ xóa bỏ tâm lý chán nản muốn bỏ học giữa chừng của các em”.
(Theo Yomiuri)
Ngân Du