Thứ năm, 5/3/2015, 10h03

Sau đại dịch Ebola: Tây Phi nỗ lực vực dậy kinh tế

Theo hãng tin AP, tại hội nghị quốc tế về phòng chống dịch bệnh Ebola diễn ra tại Brussels, Bỉ, các nước Tây Phi đã kêu gọi các tổ chức tài chính và cộng đồng quốc tế ủng hộ kế hoạch phục hồi kinh tế tại khu vực này sau đại dịch Ebola.

Kế hoạch Marshall

Với chủ đề “Từ viện trợ khẩn cấp tới hỗ trợ phục hồi”, hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 600 quan chức, trong đó có tổng thống của 3 quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này là Guinea, Liberia và Siera Leone và các thể chế tài chính quốc tế. Mục đích của hội nghị là cùng phối hợp hành động nhằm tái thiết các nền kinh tế tại vùng tâm dịch Tây Phi sau khi đã khống chế dịch bệnh thành công, cùng những kế hoạch phản ứng mới với dịch Ebola trong dài hạn.

Hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch Ebola tại Liberia.

Tại hội nghị, Tổng thống Liberia Ellen Jonhson Sirleaf nhấn mạnh, dịch bệnh Ebola đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế các quốc gia Tây Phi nên cần phải có kế hoạch và chiến lược phục hồi. Bà Sirleaf đề xuất thiết lập “Kế hoạch Mashall”, giống kế hoạch chấn hưng kinh tế châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai do Mỹ tiến hành, nhằm giúp các quốc gia Tây Phi phục hồi nền kinh tế. Theo Tổng thống Guinea Alpha Condé, Liberia, Sierra Leone và Guinea sẽ trình bày kế hoạch chung về phòng chống Ebola tại một hội nghị quốc tế do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng tổ chức vào tháng 4 tới. Tổng thống Guinea cũng kêu gọi các nhà tài trợ giải ngân những khoản viện trợ cam kết nhằm giúp các quốc gia Tây Phi có nguồn lực để phục hồi nền kinh tế.

Hiện các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết chi 4,9 tỷ EUR (5,4 triệu USD) chống dịch bệnh Ebola, trong đó 2,4 tỷ EUR đã được giải ngân. IMF cũng vừa thông báo tăng tín dụng và giảm nợ cho Sierra Leone với số tiền 187 triệu USD để quốc gia này có điều kiện phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về dịch bệnh Ebola, David Nabarro, trong tổng số 1,5 tỷ USD mà LHQ phải huy động trong năm 2015 để đẩy lùi dịch bệnh Ebola, hiện mới có 600 triệu USD do các chính phủ đóng góp. Để mau chóng dập tắt dịch bệnh, LHQ ước tính cần ngay khoảng 400 triệu USD.

Đã khống chế dịch bệnh

Thống kê đến ngày 3-3 cho biết, dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.714 người tại khu vực Tây Phi kể từ khi bùng phát vào đầu năm 2014. Ở thời điểm hiện tại, 58 nhóm y tế quốc tế vẫn đang làm việc tại 66 trung tâm phòng chống Ebola ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, tập trung cứu chữa các bệnh nhân và giúp người dân vùng dịch thực thi các biện pháp hữu hiệu chống dịch lây lan.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhờ những biện pháp điều trị và phòng chống tích cực của các hệ thống y tế tại những quốc gia có dịch, cũng như sự hợp tác và giúp đỡ nhanh chóng, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, về cơ bản dịch bệnh Ebola đã được khống chế. Số bệnh nhân thiệt mạng và mắc mới giảm hẳn trong những tuần gần đây nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để khu vực Tây Phi có thể sạch bóng virus Ebola. Hầu hêác trường học tại Guinea, Liberia và Siera Leone đã được mở cửa trở lại sau nhiều tháng đóng cửa. Số học sinh đến trường tại Tây Phi đạt khoảng 85% so với thời kỳ trước dịch.

Trong khi đó, lực lượng Mỹ chính thức kết thúc sứ mệnh tại Liberia sau 5 tháng hỗ trợ quốc gia Tây Phi này dập dịch Ebola. Tuy nhiên, 100 quân nhân Mỹ vẫn tiếp tục ở lại Liberia để hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc phòng chống và giám sát dịch bệnh.

THANH HẰNG

(SGGP)