Thứ tư, 1/4/2015, 16h04

Làng dệt choàng… 100 năm tuổi ở miền Tây

Có một làng nghề ra đời cách đây hơn 100 năm, trải qua bao thăng trầm của đời sống hiện đại nhưng các nghệ nhân vẫn quyết tâm giữ gìn cho con cháu đời sau…

Nghề dệt dù vất vả nhưng mọi nhà đều vui vẻ tất bật với công việc

Từ dệt vải Cẩm Tự đến dệt choàng
Làng nghề dệt choàng ấp Long Tả, xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) ra đời vào những năm đầu thế kỷ XX. Theo những cụ cao niên thì trước kia ông bà, cha mẹ trồng dâu nuôi tằm để dệt vải Cẩm Tự (vải Lãnh Mỹ A). Thời đó người dân nơi đây chỉ sử dụng thủ công để thực hiện các khâu đảo chỉ, nấu chỉ, quay chỉ, dệt ... năng suất và hiệu quả đạt không cao. Nên một số người bỏ một thời gian học hỏi việc dệt khăn choàng từ tỉnh An Giang sau đó đem những mẫu mã và cách dệt choàng về xã Long Khánh A truyền lại cho các thế hệ con cháu. Thấy kỹ thuật dệt choàng dễ thực hiện và sản phẩm tiêu thụ nhanh hơn vải Cẩm Tự nên từ người dân làng nghề dệt Cẩm Tự chuyển hẳn sang nghề dệt choàng.
Ông Nguyễn Văn Đúng (89 tuổi) ở ấp Long Tả chia sẻ: “Những năm 1945 người dân nơi đây nuôi tằm, dệt vải thịnh vượng lắm. Tôi đã làm nghề hơn 70 năm nay rồi, truyền từ đời ông bà ngoại tôi cho đến đời tôi và sau này tôi vẫn quyết định truyền lại cho con cháu vì đây là nghề truyền thống của ông bà, thiêng liêng lắm”.

Cuộc sống hiện đại đến mấy, những người trong làng vẫn gìn giữ và phát huy nghề dệt choàng truyền thống

Nguyên liệu đang chuẩn bị sẵn sàng để cho “ra lò” những sản phẩm mới rất đẹp - Ảnh: Chí Trung

Sẽ phát triển bài bản...
Làng nghề truyền thống này đang giải quyết được rất nhiều việc làm cho người dân. Hiện nay, làng có hơn 50 hộ với 120 khung dệt đang hoạt động, chủ yếu dệt khăn choàng và vải mùng với nhiều kích thước, chủng loại, màu sắc, hoa văn khác nhau. Để hoàn thành 1 chiếc khăn choàng phải trải qua rất nhiều công đoạn như: đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, khấy hồ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt, đóng gói sản phẩm…công phu lắm.
Chị Nguyễn Thị Thúy (42 tuổi) ấp Long Tả cho biết: “Nghề truyền thống này được học từ ông bà, cha mẹ rồi bắt đầu làm cho đến giờ hơn 8 năm. Nhà có 2 máy quay chỉ, mỗi ngày có thể thực hiện hơn 40 con chỉ, bán mỗi con với giá 3.000 đồng…để phục vụ cho công việc dệt choàng”
Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có thể thực hiện 1 khâu trong quá trình và hoặc thuê mướn lao động đứng coi máy dệt. Tùy theo sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Chị Nguyễn Thị Liên (45 tuổi) ở ấp Long Tả cho biết thêm: “Làm thuê ở đây chủ yếu làm ăn theo sản phẩm, tôi làm khâu dệt chủ trả công 800 đồng/cái; bình quân mỗi ngày làm khoảng 40 - 50 cái/máy. Kiếm thêm thu nhập cũng đỡ nên cuộc sống nhờ thế cũng đỡ khó khăn hơn”.
Mỗi ngày 120 khung dệt có thể tạo ra hơn 4.000 cái khăn choàng và 1.000 mét vải mùng. Sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều nơi như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu tỉnh An Giang và Kiên Giang) và Vương quốc Campuchia phục vụ cho các điểm tham quan, mua sắm, du lịch. Tùy theo chủng loại, màu sắc kích cỡ mà mỗi sản phẩm dệt choàng có giá từ 15.000 đến 150.000 đồng, vải mùng có giá từ 105.000 đến 108.000 đồng/cái. Sau khi trừ các khoản chi phí người làm nghề cũng có thu nhập ổn định.
Đầu tháng 8.2014, một tin vui đến như… Tết là sản phẩm khăn choàng và vải mùng của làng nghề Long Khánh A đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, đây là một trong những cơ hội để làng nghề tiếp tục phát huy tiềm năng kinh tế cũng như bảo tồn những văn hóa truyền thống hơn 100 năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Triều - Tổ trưởng Làng nghề cho biết: “Dự kiến tháng 6 năm nay, làng nghề dệt choàng sẽ tiến hành Đại hội thành lập Hợp tác xã, đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm ra các thị trường thế giới.”.
Như vậy, trong khi các làng nghề ở nhiều địa phương khác đang dần bị mai một thì tại xã Long Khánh, người dân đang ấp ủ nhiều dự định mới để nâng cao giá trị truyền thống cho một thương hiệu của làng nghề dệt choàng mang đậm nét đặt trưng của người Nam Bộ xưa và nay.

Công Sơn - Chí Trung

(TNO)