Thứ hai, 8/9/2014, 10h09

Lương đại học thấp hơn lương lao động chân tay

Người lao động ở khu vực doanh nghiệp đang được hưởng lương áp dụng theo lương tối thiểu vùng gồm các mức, cao nhất là vùng 1 (TPHCM thuộc vùng 1) với 2,7 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là vùng 4 với 1,9 triệu đồng/người/tháng.

Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện bình thường. Với người lao động đã qua học nghề, kể cả công nhân do doanh nghiệp tự dạy nghề, phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng được đánh giá mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động và vừa được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 300.000 - 400.000 đồng vào năm 2015, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đó là tín hiệu vui với người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một bộ phận người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội lại chưa được hưởng niềm vui tương tự. Cán bộ, công chức, viên chức tốt nghiệp đại học bắt đầu làm việc chính thức hưởng lương có hệ số 2.34 với mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. Như thế có nghĩa là, người trải qua 4 năm học và vượt qua kỳ thi công chức căng thẳng, vào làm việc ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp chỉ hưởng mức lương xuất phát 2,691 triệu đồng (2.34 x 1.150.000 đồng), còn thấp hơn mức 2,7 triệu đồng của người lao động phổ thông chưa qua đào tạo trong doanh nghiệp. Trong khi mức lương tối thiểu vùng 2,7 triệu đồng còn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, vậy cán bộ, công chức, viên chức có phải là người lao động hay không và với mức lương còn thua mức lương khởi điểm của một lao động chưa qua đào tạo.

Chính đồng lương bất hợp lý này là một trong những lý do để nhiều cán bộ nhà nước tìm mọi cách để kiếm các khoản “lậu” ngoài lương. Đây cũng là mầm mống sinh ra tệ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, quan liêu, rồi tham nhũng.

MẠNH HÒA (SGGP)