Thứ tư, 7/9/2011, 15h09

Hoạn thư thả Thúc sinh về với Thúy Kiều

Đàn ông năm bảy lá gan/ Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người, không hiểu câu đúc kết của dân gian về cánh mày râu như vậy có đúng không. Có điều, chắc chắn từ khi Thúc gặp Kiều, đúng là chàng có năm bảy lá gan! Thúc về thăm vợ, Hoạn thư đối xử êm ái, ngọt ngào. Những là cười phấn cợt son/ Đêm khuya chung bóng trăng tròn sánh vai, còn gì thân thiết đậm đà hơn thế. Tưởng rằng giường vàng, chiếu ngọc, tưởng rằng chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng, Thúc đã quên hết mối tình gió trăng. Không ngờ, trong sâu thẳm của người đàn ông ấy bỗng bừng sôi một khao khát cảnh giang hồ. Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ/ Một màu quan tái bốn mùa gió trăng. Quan tái tức cửa ải nơi biên cương, với câu thơ này có nghĩa: Thúc sinh chạnh lòng nhớ đến nơi đất khách phương xa. Chao ôi nơi ấy tự do làm sao, hạnh phúc biết bao. Câu thơ mở ra sự gợi cảm đến vô bờ: Một màu quan tái, bốn mùa gió trăng. Cái chốn bốn mùa đầy trăng gió, vẫy gọi hấp dẫn, quyến rũ. Nếu người đàn ông trong câu ca dao trên chỉ mới lá toan cùng người, Thúc sinh không dừng ở mức độ ấy. Chàng đã gặp một hoa khôi nổi tiếng, chàng đã chạm tay và ôm trọn vào lòng một đóa hoa hải đường mơn mởn cành tơ… Chàng đã liều chết trước mặt cha để bảo vệ người yêu, chàng đã được quan phủ khen ngợi và đứng ra làm lễ thành hôn… Cho nên lòng chàng nhớ Thúy Kiều căng như dây đàn, chỉ khẽ chạm là rung lên niềm khao khát ân ái.

Đã toan chuyện về với người yêu lại được vợ mở dây trói buộc. Hoạn nói: Chàng về với thiếp dễ chừng đã được một năm rồi đấy. Chàng cũng phải tính chuyện về Lâm Tri! Nghe Hoạn nói, Thúc mừng như mở cờ trong bụng: Được lời như cởi tấc son. Con người mang cánh chim giang hồ ấy chỉ chờ giây phút sẽ tung bay. Có điều, cụ Nguyễn cho việc trở về nơi bốn mùa gió trăng ấy có mức độ và chia làm hai giai đoạn, ngẫm mà thấy bàng hoàng. Chả là trên địa dư Trung Quốc con đường bộ từ Vô Tích (chỗ Hoạn thư ở) đến với Lâm Tri (nơi có Thúy Kiều) là con đường gấp khúc. Một nửa thuộc về Vô Tích, một nửa thuộc về Lâm Tri. Vì vậy nghe Hoạn nói, Thúc lên đường, câu thơ chia làm đôi: Được lời như cởi tấc son/ Vó câu thẳng ruỗi nước non quê người. Câu thơ tám chữ vó câu thẳng ruỗi được chia làm hai đoạn. Bốn chữ đầu chỉ Thúc đang cắm đầu, cắm cổ cưỡi ngựa trên đoạn đường thuộc Vô Tích (nơi có Hoạn thư). Lâu nay các nhà bình luận thường nói Thúc sinh sợ vợ và chỉ dẫn ra đoạn Hoạn thư hành hạ Thúy Kiều, Thúc chỉ biết khóc không dám mở lời can ngăn Hoạn thư, bảo vệ Thúy Kiều. Nhưng chúng tôi cho rằng tính cách sợ vợ của Thúc biểu hiện cao độ ở bốn chữ vó câu thẳng ruỗi… Ta cảm thấy Thúc nín hơi, cúi đầu chạy một mạch cho khỏi miền Vô Tích khỏi sự kiềm chế của Hoạn thư. Đã được Hoạn cho về Lâm Tri mà khi lên ngựa trên một đoạn đường (ước chừng 15 ngày) nín hơi, bôn tẩu… Và, điều kì diệu thứ hai đã xảy ra: hết Vô Tích, Thúc đến Lâm Tri (nơi không còn sự kiểm soát của Hoạn nữa) Thúc mới dám ngẩng đầu, cảnh trời đẹp đẽ lạ thường: Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng. Nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh hai cảnh đối nhau để khen cụ Nguyễn quá tài. Cảnh Thúc trên đường xa Thúy Kiều: Sông Tần một dải xanh xanh/ Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan. Còn đây cảnh đất trời bừng sáng khi Thúc về lại với Kiều: Long lanh đáy nước in trời… Nhận xét như vậy là chính xác, nhưng đánh rơi mất sự cẩn thận, tế nhị của cụ Nguyễn. Thấy trời đất đẹp đẽ như vậy là lúc nào? Trả lời câu hỏi này không những tìm thấy sự chi li, cẩn trọng trong văn chương của cụ Nguyễn mà còn thấy và hiểu thêm một điều: cụ Nguyễn đã rất tinh tường, hiểu sâu sắc địa lý Trung Quốc!
Nhưng văn chương cụ Nguyễn không dừng ở mức độ tả thật cảnh ấy, người ấy mà luôn là dự báo cho sự việc xảy ra ở sau. Thúc sinh hồ hởi phấn khởi bao nhiêu càng đau lòng bấy nhiêu khi Thúc về đến nhà, Thúc nhận biết: Thúy Kiều đã chết. Hóa ra trận đồ mà Hoạn bố trí tầng tầng lớp lớp có bài bản, có âm mưu đâu vào đấy!
Lê Xuân Lít