Thứ bảy, 27/9/2014, 15h09

462 tỷ đồng biên soạn chương trình - SGK mới

Theo ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dự kiến tổng kinh phí 462 tỷ đồng trên để chi cho nhiều nhiệm vụ theo 3 giai đoạn của đề án.

Sáng 27-9, Phiên họp thứ 31 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luân về đề án đổi mới chương trình - Sách giáo khoa (SGK) mới. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cho biết dự kiến kinh phí thực hiện là 462 tỷ đồng.

Trong Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK GD phổ thông, ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh nội dung quan trọng là thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa.

Hai học sinh tại một trường tiểu học ở Hà Nội phải mang trên mình những chiếc cặp quá lớn so với tầm vóc của các em - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong đó, chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý. Chủ trương này mang lại nhiều lợi ích:

Chủ trương trên được thực hiện theo phương án: Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn chương trình bao gồm chương trình tổng thể và chương trình môn học, biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.

Với phương án trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều sách giáo khoa nêu trên.

Nhưng hạn chế của phương án này là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì có thể sẽ xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn sách giáo khoa khác.

Ông Phạm Vũ Luận cho rằng cần tăng cường tuyên truyền giải thích để xã hội hiểu rõ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn nhằm bảo đảm tính chủ động trong việc triển khai chương trình.

Việc có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ sách giáo khoa khác cùng lưu hành. Tất cả các bộ sách giáo khoa đều được Hội đồng quốc gia thẩm định độc lập.

Tuy nhiên ông Luận cũng cho biết trong quá trình thảo luận ở các hội nghị, hội thảo vẫn còn có 2 luồng ý kiến về biên soạn sách giáo khoa.

Một là, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn. Hai là khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định chọn lấy một bộ sách giáo khoa tốt nhất.

Theo tờ trình, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy trình: Nhà trường tổ chức cho giáo viên, đại diện phụ huynh học sinh và học sinh tìm hiểu các sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt cho sử dụng.

Các tổ, nhóm giáo viên bộ môn thảo luận và đề nghị lựa chọn bộ sách giáo khoa chính thức dùng trong nhà trường (cho cả giáo viên và học sinh).

Nhà trường quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa chính thức của mỗi môn học dựa trên đề nghị của giáo viên tổ, nhóm chuyên môn, tham khảo thêm ý kiến của đại diện phụ huynh học sinh và học sinh. Trong quá trình dạy học giáo viên và học sinh có thể tham khảo những sách giáo khoa khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới.

Khuyến khích ngành giáo dục ở các địa phương xây dựng tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương; Đăng tải trên Internet thiết bị dạy học kỹ thuật số, tài liệu hướng dẫn các nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, ngân hàng bài giảng điện tử.

Đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; Tổ chức tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; kinh phí thực hiện nội dung này từ nguồn ngân sách các địa phương.

Tổng kinh phí thực hiện đổi mới chương trình - SGK trên dự kiến là 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa; xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 04 bộ); nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên....

Lộ trình thực hiện sẽ có ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ 01/2015 - 6/2017): Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Hoàn thành việc thành lập trang Thông tin điện tử Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng Chương trình Phát thanh và Truyền hình quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông; tổ chức tuyên truyền về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Giai đoạn 2 (7/2017 - 6/2018): Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.

Giai đoạn 3 (7/2018 - 12/2021): Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

V.HÀ (TTO)