Thứ sáu, 22/6/2012, 16h06

Bục giảng và những tình huống không dễ bỏ qua: Chủ mưu là ai?

Sự bình tĩnh và khéo léo trong ứng xử sư phạm luôn giúp giáo viên giữ được sự mẫu mực ở mọi tình huống (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh

Như các tiết học khác, khi tiếng trống báo giờ học mới vừa vang lên, cô giáo Thúy Hà (dạy sử) vui vẻ ôm cặp tiến về phía lớp 9/15 ở một trường nọ. Những tưởng các em đang háo hức chờ cô. Bởi hôm nay là tiết ôn tập rất quan trọng trong thời điểm năm học sắp kết thúc. Nào ngờ càng tới gần cô càng ngạc nhiên khi thấy cửa lớp vẫn im ỉm đóng. Sao thế nhỉ? Có gì bất thường chăng? Sự cố gì lại đến với cái lớp “siêu quậy” này? Đến cửa lớp cô đứng lặng, khẽ đưa tay gõ. Một lần. Hai lần. Rồi ba lần. Cánh cửa vẫn không hề nhúc nhích. Giận quá cô định bỏ lên báo cáo Ban giám hiệu. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy chưa thật cần thiết cô lại kiên trì gõ mạnh hơn, miệng không ngớt lời gọi tên em lớp trưởng với giọng vẫn bình tĩnh, tự tin mang âm hưởng động viên, thức tỉnh hơn là cáu giận quát tháo. (Cô rất sợ làm ảnh hưởng đến các phòng học khác). Sự kiên nhẫn của cô đã có kết quả. Sau khoảng 15 phút cánh cửa đã bật mở.
Cô Thúy Hà bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào với những vẻ mặt trầm lắng, xét nét, lo âu trước ánh mắt đầy nghiêm khắc mà cả lớp chưa hề gặp ở cô bao giờ. Cô quyết định phải tìm cho ra ai chủ mưu trong sự cố này để giáo dục và rút kinh nghiệm cho cả lớp. Khi sự việc đang “nóng” phải “rèn” ngay. Có thế hiệu quả giáo dục mới cao. Nhưng còn tiết dạy thì sao? Hơn nữa giáo học pháp đã dạy rồi, không được phép hành xử với trò khi đang nóng giận. Nghĩ vậy cô đành nuốt giận quyết định để sự việc đến buổi sinh hoạt lớp cuối tuần giải quyết. May mà hôm đó đã là thứ sáu…
Đầu tiên cô để cho cả lớp ngồi lặng suy nghĩ trong 2 phút. Sau đó những em nào thấy mình là người có lỗi, sẽ tự giác đứng lên nhận và trình bày sự việc... Nhưng rồi đã mấy phút nặng nề trôi qua, cả lớp vẫn một không khí im lặng. Cô tiếp tục yêu cầu lớp trưởng, rồi các lớp phó lần lượt đứng lên trình bày. Song tất cả vẫn một câu trả lời  “Thưa cô, em không biết”.
Theo bạn, trong hoàn cảnh này cô Thúy Hà sẽ tiếp tục giải quyết như thế nào? Xin bạn vui lòng mách nước giùm cô Thúy Hà?
Gợi ý cách giải quyết
Ở tình huống này, nhiều phương án có thể thực thi. Đây là cách giải quyết của một cô giáo ở Trường THCS P. mà tôi mới nghe chính cô kể lại.
Sau khi lớp trưởng và hai lớp phó đều tỏ ra bất hợp tác với cô trong việc tìm người chủ mưu, cô ngồi lặng, bối rối. Lẽ nào mình bỏ cuộc ư? Nếu vậy thì nguy quá. Chẳng những uy tín của mình bị xúc phạm, tổn thương mà rất có thể sẽ tạo tiền lệ để những “phi vụ” kiểu này không những không bị ngăn chặn mà còn có cơ bành trướng. Một phút căng thẳng trôi qua. Một ý nghĩ mới bật nảy trong đầu cô. Cô liền nói thẳng với cả lớp bằng giọng dằn mạnh từng tiếng đầy nghiêm khắc. Vừa nói cô vừa nâng cặp kính cận dày cộp, rút mùi xoa lau những giọt lệ đang ứa ra từ hai tròng mắt: “Thôi được. Nếu các em không muốn để cô trò mình đóng cửa bảo nhau thì cô buộc phải lên báo cáo thầy hiệu trưởng. Khi đó mọi chuyện Ban giám hiệu sẽ điều tra, giải quyết. Và chắc chắn một hình thức kỷ luật nghiêm khắc sẽ đến với em chủ mưu”. Dứt lời cô xăm xăm sải bước về phía khu văn phòng nhà trường. Nhưng cô không vào phòng hiệu trưởng mà ngồi luôn ở văn phòng với vẻ mặt đăm chiêu. Chừng 5 phút sau cô quyết định quay lại lớp. Cả lớp như vẫn nín thở chờ cô. Cô đưa tay khoan thai nhấc cặp kính đặt xuống bàn và buông giọng chậm rãi: Các em ạ! Trên đường đến phòng thầy hiệu trưởng, suy nghĩ lại hồi lâu cô đành quyết định không vào phòng thầy nữa mà quay về lớp với các em. Thú thực cô rất sợ khi Ban giám hiệu biết, những em chủ mưu trong vụ này sẽ bị kỷ luật rất nặng. Thậm chí có thể bị đuổi học. Trong khi ngày kiểm tra công nhận kết quả tốt nghiệp với các em đã gần kề. Cô không muốn để một học sinh nào trong lớp 9/15 mà cô chủ nhiệm bị đuổi học, bị stress về tâm lý mà ảnh hưởng đến  kết quả học tập và tu dưỡng… Cô mong các em lần nữa suy nghĩ lại về việc mình đã làm, thành khẩn tự giác nhận lỗi với cô và cả lớp. Người có lỗi mà nhận lỗi là trung thực, là biết thật thà, dũng cảm theo lời Bác Hồ dạy đấy. Lời cô vừa dứt.  Một cánh tay từ từ đưa lên trong tiếng vỗ tay òa vỡ của cả lớp.
Quả thật tính kiên nhẫn, bình tĩnh và sự khéo léo trong ứng xử sư phạm luôn là bài học giúp ta chiến thắng ở mọi tình huống.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
LTS: Tòa soạn rất mong nhận được các tình huống “Bục giảng và những tình huống không dễ bỏ qua” mà các thầy cô giáo đã gặp phải trong quá trình lên lớp của mình (cùng với cách giải quyết tình huống). Mọi sự chia sẻ xin gửi về email: tantruc_tg@yahoo.com.