Thứ năm, 10/6/2010, 16h06

Các trường mầm non ngoại thành: Nghèo nàn thiết bị, đồ chơi

Các cháu Trường Mầm non Hà Hồi vui mừng đón nhận thiết bị đồ chơi mới. Ảnh: X.L
Qua khảo sát thực tế, hiện các trường mầm non ngoại thành Hà Nội vẫn rất khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị đồ chơi, đồ dùng học tập còn rất ít.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em, LĐLĐ TP.Hà Nội vừa khánh thành 4 điểm vui chơi ngoài trời tại 4 trường mầm non ngoại thành.
Cơ sở vật chất nghèo nàn...
Cả huyện Thường Tín có 29 trường mầm non với tổng số gần 12.000 học sinh với 100 phòng học. Mặc dù số lượng trường học, phòng học như vậy, nhưng còn rất nhiều điểm học phải học nhờ, cơ sở vật chất, thiết bị học tập xuống cấp, không có thiết bị đồ chơi. Chỉ có 10/29 trường học là khang trang, không phải học nhờ nhà văn hoá, hoặc nhà dân. Đặc biệt khó khăn là có 4 trường học tập trung tại 1 điểm, còn lại phải học rải rác ở nhiều điểm trong huyện. 30% số bàn ghế tại 29 trường là đúng quy cách. Trung bình mỗi năm có 6 - 7 trường được đầu tư 10.000.000 đồng/trường để mua đồ chơi. Trong năm 2010, Phòng GDĐT huyện Thường Tín phấn đấu tất cả các xã đều có điểm học tập trung.
Tại huyện Ba Vì, có 35 trường mầm non với tổng số 8.755 cháu (lớp mẫu giáo) và 2.140 cháu (nhà trẻ). Hiện nay chỉ có 10 trường có điểm vui chơi ngoài trời cho các cháu, số trường còn lại đều không có điểm vui chơi. UBND huyện đã đầu tư, xây dựng cơ bản những trường mầm non để chống xuống cấp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, dụng cụ học tập và thiết bị đồ chơi phục vụ cho giáo dục ở các trường mầm non trong huyện còn rất ít. Một số trường còn học nhiều điểm khác nhau và rất thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học.
Cô Nguyễn Thi Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chu Minh, huyện Ba Vì - tâm sự: “Mặc dù vừa hoàn thành khu nhà 2 tầng với 4 phòng học, nhưng nhìn chung Trường Mầm non Chu Minh cũng như các trường mầm non ngoại thành khác rất khó khăn về cơ sở vật chất. Nhiều cô giáo trong trường đã cùng với Ban giám hiệu lặn lội đi vay, mượn để cải tạo lớp học cho các cháu. Cơ số giường, bàn ghế còn ít, nhiều lớp phải ghép và dùng chung thiết bị dạy học”.
Điểm vui chơi ngoài trời rất hiếm hoi
Tổng số 36 lớp với 9 điểm học có 1.295 cháu, Trường Mầm non Dục Tú (huyện Đông Anh) là một trong những trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Hai điểm học nhờ có 250 cháu thuộc hai thôn Thạc Quả và Ngọc Lôi phải học nhờ nhà văn hoá đã nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được nâng cấp, tu sửa.
Theo cô Phạm Thị Chè - Hiệu trưởng Trường Mầm non Dục Tú: “Cả 9 điểm học của trường trước đây đều không có thiết bị đồ chơi ngoài trời. Gần đây mới được LĐLĐ TP.Hà Nội đầu tư cho thiết bị đồ chơi ngoài trời tại một điểm. Chúng tôi cũng như các trường mầm non ngoại thành mong muốn các cấp, các ngành ủng hộ để các cháu có nhiều điểm vui chơi. Hằng năm, UBND huyện, xã có đầu tư, nhưng chủ yếu đầu tư một số đồ dùng học tập”.
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội) - cho biết: “Mặc dù đã được UBND huyện, UBND xã đầu tư, nhưng cơ sở dạy học, thiết bị đồ chơi cho các cháu còn ít về số lượng, đây là một trong những thiệt thòi cho các cháu ngoại thành. Được đầu tư các loại hình đồ chơi đúng cách, chất lượng cả cô giáo và học trò đều rất vui mừng. Chúng tôi phấn đấu là trường chuẩn trong năm học 2010 - 2011”.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hằng năm, UBND các huyện có trích ngân sách nâng cấp cơ sở vật chất trường học, nhưng kinh phí đó rất khiêm tốn. Kinh phí dành để mua sắm thiết bị học tập hạn hẹp gặp nhiều khó khăn, các thiết bị đồ chơi dành cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng chỉ là niềm mơ ước. Đặc biệt những điểm học không tập trung, nằm dưới các thôn, xóm không chỉ có thiết bị học tập nghèo nàn mà lớp học còn dột nát, bàn ghế không đúng quy cách. Qua khảo sát thực tế, LĐLĐ TP.Hà Nội quyết định đầu tư xây dựng 4 điểm vui chơi cho trẻ em tại 4 trường mầm non thuộc 4 huyện: Thường Tín, Đông Anh, Ba Vì và Thạch Thất.
Theo ông Trần Văn Thực - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội: “Với mong muốn chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho con em NLĐ, năm nay, LĐLĐ thành phố tập trung quan tâm xây dựng các điểm vui chơi. Trước mắt là tập trung xây dựng điểm vui chơi tại trường mầm non để nâng cao trí tuệ cho trẻ. LĐLĐ TP.Hà Nội hi vọng ban giám hiệu nhà trường, cô giáo và các cháu sẽ đưa vào sử dụng có hiệu quả dự án này”.
Xuân Long / Lao Động