Thứ hai, 7/3/2011, 09h03

“Chiêu thức” ôn tập môn tiếng Anh

 Quy trình lý thuyết - bài tập - ôn luyện - bài tập sẽ giúp HS hiểu sâu và hiểu chắc bài học. Ảnh: N.Anh

Giáo viên (GV) đứng lớp đòi hỏi phải có những tiết dạy tốt, hiệu quả cao. Tuy nhiên, đối với các tiết ôn tập, người thầy cũng phải có cách hướng dẫn hay để học sinh (HS) biết “văn ôn, võ luyện” một cách khoa học nhất.
Có thể nói 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết là những cánh cửa để đi vào bộ môn ngoại ngữ. Đặc biệt đối với HS bậc THCS, kỹ năng viết một cách căn bản về mặt ngữ pháp cần phải “luyện kinh nấu sử” thường xuyên.
Học ngoại ngữ trước hết đòi hỏi người trong cuộc phải siêng năng và kiên nhẫn. Nếu thiếu chuyên cần và mau nản chí sẽ dễ làm cho người học thất bại, luôn bị ám ảnh bởi môn ngoại ngữ. Để trở thành bạn đồng hành cùng HS, GV phải là người trợ thủ đắc lực giúp các em vượt qua được những thử thách ban đầu. Tuy nhiên, muốn có kết quả mỹ mãn cần phải có hợp sức giữa thầy và trò. Để HS bậc THCS có nền tảng kiến thức ngữ pháp tiếng Anh vững vàng, làm bước đệm sau này vào học THPT thì chúng ta phải sử dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, có nghĩa là phải quan tâm việc học của các em từ năm lớp 6 đầu cấp chứ không phải gần đến thời điểm chuyển cấp “nước đến chân mới nhảy”.
Tôi xin trình bày một số “chiêu thức” thực hiện biện pháp này giúp HS ôn tập thường xuyên: Trong chương trình từng cấp lớp đều có những cấu trúc ngữ pháp hay những bài tập có dạng giống nhau. Thay vì chờ đến cuối chương, cuối học kỳ mới ôn tập thì thầy cô phải cho các em “hâm nóng” cấu trúc ngữ pháp theo từng đơn vị bài học. Lớp 8 và 9 ôn các thì, các dạng của động từ, mệnh đề quan hệ và các đại từ quan hệ. Chú ý nội dung ôn tập: Cần chọn các điểm ngữ pháp nào quan trọng nhất mang tính chất công thức (dưới dạng bài tập) phù hợp với từng đơn vị của bài học để hệ thống lại. Ở lớp 7, ôn tính từ so sánh hơn và so sánh nhất. Chuẩn bị thật chu đáo: Các điểm ngữ pháp mà GV đã chọn lựa phải đi theo từng chủ điểm ngữ pháp. Có như vậy mới giúp cho HS dễ nhớ và thuộc bài nhanh. Tài liệu photo phát cho các em không kèm theo đáp án mà thuộc dạng đề bài để tránh thói quen ỷ lại. Ở lớp 6, ôn tính từ ngắn ở dạng so sánh hơn và so sánh nhất. Kế hoạch thật cụ thể: Ngoài kế hoạch riêng cho từng lớp, GV phải có chương trình riêng cho từng phần, từng đơn vị bài học. Mỗi em cần có một cuốn tập riêng để phân chia theo chủ điểm ngữ pháp: 10 trang dành cho các thì và các dạng của động từ, 8 trang dành cho phần câu bị động, 5 trang dành cho giới từ… HS ôn tập: Trong quá trình ôn, GV nên tổ chức các em chấm chéo bài cho nhau nhằm phát hiện những chỗ sai và đó cũng là một con đường nạp kiến thức nhanh nhất, tất nhiên cuối cùng là khâu đánh giá của GV. Không để tất cả HS giỏi vào một nhóm mà phải phân đều theo các nhóm để các em biết cách giúp đỡ lẫn nhau. Làm bài tập: Sau khi ôn GV lại ra một số bài tập để các em biết cách đối chiếu lý thuyết và vận dụng đúng thực hành. Quy trình lý thuyết - bài tập - ôn luyện - bài tập theo vòng khép kín sẽ giúp các em hiểu sâu và hiểu chắc bài đã học.
Tuy nhiên, trong thực tế số tiết học lại quá khiêm tốn so với dung lượng kiến thức mà GV cần phải truyền đạt, đó là chưa nói đến các lớp tiếng Anh tăng cường. GV không thể tự giãn nở thời gian mà phải biết cân đối giữa nội dung chương trình và thời lượng. Điều đó đòi hỏi người thầy phải biết “liệu cơm gắp mắm” linh hoạt, nhạy bén khi đứng lớp.
Trần Thị Thúy Hằng
(GV Trường THCS Độc Lập, Phú Nhuận)
Kinh nghiệm ôn tiếng Anh
HS phải nắm vững các bài tập theo format (sườn bài) để làm quen với những dạng bài, cấu trúc đề thi môn tiếng Anh. Từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì các em sẽ nhớ lâu do tái hiện nhiều lần trong đầu theo kiểu “văn ôn võ luyện”. Ngoài ra, các em cũng phải nắm được các mẫu câu thường gặp để định hình ngữ pháp. Nếu thấy mình chưa làm được thì lại luyện tiếp. Khi về nhà phải đọc lại phần hội thoại trên lớp, rà lại các từ vựng đã học. Nhìn hình để tả nhân vật, thông báo dự báo thời tiết sau khi nhe qua máy là một cách rèn luyện vốn từ và khả năng diễn đạt. Cấu trúc đề thi tuyển lớp 10 có phần trắc nghiệm (6 điểm) gồm: ngữ âm, ngữ pháp, cấu trúc, điền chỗ trống, tìm lỗi sai… Đây là phần không khó lắm học sinh dễ đạt điểm trung bình giống như thi học kỳ, thi tốt nghiệp. Phần tự luận (4 điểm) gồm viết dạng từ, đọc - hiểu, chọn đúng sai - viết lại câu.
Đỗ Hà Loan (GV Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM)