Thứ tư, 1/4/2015, 08h04

Con muốn giống như các bạn!

“Mẹ ơi con muốn có nhiều bạn! Con muốn như các bạn thôi, đừng mang tiếng con nhà giàu nữa vì không ai chơi với con”. Chị Thu Thanh (ở Q.9, TP.HCM) đã thảng thốt khi nghe câu nói ngây thơ của cậu con trai mới 9 tuổi. Rồi chị đâm lo lắng, chẳng hiểu vì sao con mình lại nói những lời như vậy, và không chỉ một lần mà là lần thứ ba trong tuần bé Bình - con trai chị - bỏ học trong giờ ra chơi. Đi đón con, nghe cô giáo chủ nhiệm phản ánh lại khiến chị Thanh rất hoang mang. Chồng chị đi làm ăn xa, mỗi tháng chỉ về nhà với vợ con một lần. Tuy nhiên gia đình chị Thanh thuộc diện kinh tế khá giả nhất trong vùng. Bé Bình học lớp 4, trường chỉ cách nhà hơn 2km nhưng hàng ngày được mẹ dùng xe hơi đưa xe đón đến tận cổng. Các bạn trong lớp cho rằng, Bình là con “quý tộc”, vì cái gì cũng hơn bạn, từ quần áo, giày dép, cặp sách ba mẹ đều sắm cho em loại xịn nhất, đắt tiền nhất. Vậy là em bị các bạn trong lớp tẩy chay. Thực ra, Bình rất quý các bạn cùng lớp, nhưng chẳng hiểu sao bạn nào cũng lảng tránh. Khi có trò chơi Bình cũng chỉ làm khán giả bất đắc dĩ mà không được tham gia.
Chị Thanh nhận ra thời gian gần đây con mình luôn buồn chán, về nhà cứ lủi thủi, chẳng hề trò chuyện gì với mẹ. Cách đây ít hôm, chị có việc đột xuất không đưa con đi học bằng xe hơi, Bình phải đi nhờ xe một người hàng xóm. Tan trường, em lủi thủi đi bộ một mình vì không bạn nào cho em đi cùng. Thật tội nghiệp!
Với chị Thanh, có phương tiện đưa đón con là bình thường. Nhưng quan niệm và cách làm của chị đã có nhiều chỗ chưa phù hợp. Khi đến gặp cô giáo chủ nhiệm chị mới nhận ra rằng, việc chiều con quá mức, trang bị cho con những thứ quá sành điệu cũng không hẳn là tốt, thậm chí còn phản tác dụng, lạc điệu. Bởi lứa tuổi học sinh tiểu học cần phải tăng cường hòa nhập với bạn bè, học và chơi là hai hoạt động chủ yếu nhất. Các em ở lứa tuổi này đã biết so sánh cảm tính trên cơ sở hiểu biết nhất định. Chị Thanh nhận ra khuyết điểm, ngày hôm sau chị sắm ngay cho con chiếc xe đạp nhỏ bình thường cũng như những bộ quần áo, đồ dùng như các bạn cùng lớp. Mấy ngày sau đó Bình tươi tỉnh hẳn lên, từ đó em hòa nhập, có nhiều bạn chơi và cũng không còn bị chê “là con nhà giàu”.
Phương Lan