Thứ hai, 21/7/2014, 10h07

Dấu hiệu tích cực từ đề thi môn ngữ văn

Cách ra đề môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua hạn chế được nạn “học tủ” của học sinh. Ảnh: A.Khôi
Đề thi tuyển sinh ĐH môn văn khối C và D năm 2014 được cho là có sự tiếp tục đổi mới so với các năm trước, nằm trong chuỗi cải tiến cách học, kiểm tra, thi môn văn nói riêng và các môn khác nói chung.
Một số ý kiến cho rằng các đề văn này đã phát huy khả năng sáng tạo, năng lực độc lập suy nghĩ cho học sinh, đồng thời vận dụng kỹ năng đọc hiểu văn bản đã được trang bị trong nhà trường để tự mình khám phá, tìm hiểu nội dung và nghệ thuật của một văn bản mà không phải phụ thuộc vào bài giảng của giáo viên hay sách mẫu. Đề nghị luận xã hội khối C dẫn một câu trong tác phẩm Đời thừa dễ tạo sự liên hệ với tình hình đất nước hiện nay, trong bối cảnh có một kẻ mạnh đang đe dọa nước ta trên biển Đông. Các câu hỏi về tác phẩm văn học cũng không “đóng khung” lời giải theo bài học trên lớp mà buộc thí sinh phải động não để đào xới các tầng ý nghĩa và tìm hiểu thấu đáo vấn đề mới mong đáp ứng được đề bài… Có lẽ kiểu đề này dễ được thí sinh chấp nhận dù không dễ dàng đạt điểm cao.
Nhìn tổng thể, có thể rút ra vài cảm nhận như sau:
Thứ nhất, Bộ GD-ĐT đang từng bước “thoát” cách ra đề buộc thí sinh phải thuộc lòng các chi tiết về kiến thức văn học. Thực ra các câu hỏi về thân thế tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm… cũng là một câu hỏi có ý nghĩa gợi mở nhiều cho thí sinh nếu gắn điều đó với việc phân tích, đánh giá về tác phẩm hoặc một nhận định nào đó có liên quan. Còn câu hỏi thuần túy kiến thức buộc thí sinh phải thuộc lòng, điều mà bây giờ không thực sự phù hợp, bởi các kiến thức đó có thể được tra cứu dễ dàng bằng nhiều phương tiện và trong thời gian rất ngắn, dường như chỉ là cách kiểm tra trí nhớ hơn là đánh giá đúng năng lực của thí sinh.
Thứ hai, gợi mở nhiều suy nghĩ, nhiều cách lý giải chứ không gò bó trong một khuôn khổ nhất định. Với các đề mở đòi hỏi phải có đáp án mở, như vậy có thể có nhiều đáp án, vấn đề chủ yếu là cách suy nghĩ và lý giải của thí sinh sao cho hợp lý, thuyết phục, chứ gần như không có chuyện đúng hay không đúng. Như câu bình luận về một quan niệm sống “cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” rõ ràng nếu “chốt lại” một đáp án “đúng, sai” thì rõ ràng không phù hợp. Do đó, dù đáp án gợi mở nên “cống hiến hết mình và hưởng thụ phải chăng” nhưng nếu thí sinh lý giải được việc cống hiến “theo năng lực”, “theo hoàn cảnh”, chứ không nhất thiết là “hết mình” thì cũng hoàn toàn chấp nhận được. Từ đó cho thấy, khi chấm bài, giám khảo phải hết sức lưu ý đến khả năng tư duy và lý giải của thí sinh, chứ không chỉ bám theo đáp án, có thể không đánh giá đúng năng lực của các em.
Thứ ba, thể hiện rõ một đề thi cũng là một bài học, đọng lại nhiều suy nghĩ, nhận thức tích cực cho thí sinh. Điều thú vị là hầu hết các câu hỏi của hai đề văn năm nay đều ít nhiều khơi gợi cho thí sinh một bài học thực tiễn, đồng thời qua đó nâng cao nhận thức tích cực cho các em. Ngay cả các câu hỏi về một số tác phẩm văn học cũng gợi ý những cách cảm thụ không chỉ về tác phẩm đó mà còn về cuộc sống, về đất nước. Qua đó, thí sinh học cách bày tỏ ý kiến của mình, bản thân cảm thụ ra sao, đồng tình hoặc không đồng tình với cách cảm thụ của người khác…
Thứ tư, hạn chế “học tủ” và có khả năng phân hóa năng lực thí sinh khá rõ nét. Không có câu hỏi thuần túy kiến thức, thí sinh gần như không thể “học tủ” một số tác phẩm nào đó, bởi câu hỏi gần như không hỏi lặp lại các vấn đề đã được học trong bài mà luôn có sự “đào xới” từ tác phẩm đó, thành ra sự “học tủ” đó cũng không có tác dụng mấy. Chính vì vậy, những thí sinh có năng lực tư duy tốt, biết nhận diện các mặt khác nhau của vấn đề, có kiến thức rộng… thì sẽ dễ đạt điểm cao; ngược lại, các thí sinh hạn chế về năng lực sẽ rất khó làm tốt bài thi. Từ đó, sự phân hóa sẽ rõ ràng, khó xảy ra kiểu “sàng sàng” giữa các thí sinh.
Thứ năm, kích thích các trường phổ thông và giáo viên dần điều chỉnh phương pháp giảng dạy môn văn để đáp ứng cách ra đề tuyển sinh ĐH. Cách ra đề này buộc nhà trường và giáo viên không thể “dạy tủ” và cũng không thể không có sự đầu tư cho bài giảng. Nói cách khác, giáo viên buộc phải chủ động và năng động thì mới đáp ứng được yêu cầu lĩnh hội đầy đủ cho học sinh. Chính cách dạy này sẽ góp phần giúp học sinh có sự yêu thích môn văn và học văn tốt hơn.
Dĩ nhiên, chỉ hai đề thi trong một kỳ thi thì chưa nói lên nhiều điều, nhưng rõ ràng đã biểu hiện một dấu hiệu rất tích cực. Các vấn đề đặt ra là Bộ GD-ĐT phải tiếp tục phát huy và nâng cao việc cải tiến này, gắn liền với các cải tiến trong chương trình học, sách giáo khoa cũng như cách giảng dạy và cách ra đề kiểm tra, thi tốt nghiệp.
Nguyễn Minh Tâm (Thủ Đức, TP.HCM)
Maksim Gorky từng nói rằng: Văn học là nhân học. Vì vậy cũng có thể hiểu, dạy văn học là dạy về nhân học, về cách làm người. Do đó cần phải có sự đổi mới một cách căn bản và toàn diện về việc dạy và học môn văn, chứ không chỉ “ngắt khúc” ở cách ra đề thi!