Thứ năm, 7/4/2011, 17h04

Dạy tiếng Anh lớp 3: Vẫn khó

TPHCM được coi là dẫn đầu trong việc dạy – học tiếng Anh nhưng đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh cũng đang chờ… duyệt.

Tại hội thảo xây dựng kế hoạch triển khai dạy – học tiếng Anh tiểu học khu vực phía Nam, diễn ra ngày 5-4 tại TPHCM, lãnh đạo sở GD-ĐT nhiều tỉnh, thành cho biết khó thực hiện ngay trong năm học tới vì lúng túng.

Một tiết học ở Trường Tiểu học Quốc tế IPS (TPHCM)
Triển khai lúng túng 
Trong học kỳ vừa qua, Bộ GD-ĐT đã thí điểm chương trình này ở 18 tỉnh, thành và định hướng sẽ mở rộng thí điểm 20% số trường tiểu học trong năm học tới. 
Ông Đặng Văn Trường, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho rằng Bộ GD-ĐT nói sẽ triển khai nhưng thực hiện thế nào thì lại chưa có công văn hướng dẫn. Ở các tỉnh, thành phía Nam, TPHCM được coi là dẫn đầu trong việc dạy – học tiếng Anh nhưng đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh ở đây cũng đang chờ… duyệt.
Cũng lúng túng trong việc triển khai chương trình này, ông Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho rằng tỉnh không biết chuẩn bị giáo viên như thế nào khi chưa có văn bản định hướng từ Bộ GD-ĐT; danh mục thiết bị tối thiểu cho chương trình này cũng chưa có. 
Không đủ giáo viên 
“Trong khâu đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT triển khai chậm quá. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là phải có lộ trình. Việc đánh giá chuẩn giáo viên sẽ do ai, tổ chức nào phụ trách?”- ông Lương Phúc Đức, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT tỉnh Long An, bày tỏ.
Hiện tỉnh Long An đang làm đề án về dạy - học tiếng Anh tiểu học từ lớp 3 nhưng chưa biết mời tổ chức nào về cấp chứng chỉ cho giáo viên và đánh giá thiết bị dạy học khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD – ĐT.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, điều khó khăn lớn nhất ở các tỉnh, thành khi triển khai vấn đề này chính là đội ngũ giáo viên. Nhiều nơi thậm chí không có giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Ông Hùng ước tính nếu triển khai dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần, cả nước sẽ cần 12.000 giáo viên tiếng Anh. Đến giai đoạn 2017-2018, với 4 tiết tiếng Anh/tuần sẽ cần 24.000 giáo viên tiếng Anh tiểu học.
“Vì thế, các địa phương nên chủ động mở mã ngành ở các trường CĐ để đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học. Hiện tại, để đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên tiếng Anh tiểu học cho địa phương, những sinh viên học CĐ các chuyên ngành tiếng Anh khác được phép chuyển sang dạy tiếng Anh tiểu học bằng cách đăng ký học thêm một số học phần” – ông Hùng cho biết.
Giáo trình nhiều “sạn”
Nói về giáo trình dạy tiếng Anh tiểu học, ông Nguyễn Cao Phúc, chuyên viên tiếng Anh của Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, bức xúc: “Việc thực hiện chương trình triển khai dạy – học tiếng Anh tiểu học phải xem xét lại vai trò của NXB Giáo dục. NXB Giáo dục đóng vai trò kiểm tra, đánh giá sách để giảng dạy nhưng “sạn” ở các sách cho giáo viên, học sinh học tiếng Anh bậc tiểu học lại không ít.
Ông Phúc dẫn chứng: Cuốn Phương pháp giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học có đến 3 lỗi lớn, đó là lỗi chính tả từ tiếng Việt đến tiếng Anh, lỗi biên tập, lỗi trích dẫn không kèm nguồn. Cuốn 25 đề luyện thi Olympic tiếng Anh tiểu học cũng mắc phải những lỗi khó chấp nhận về chính tả và trích dẫn không kèm nguồn. Ông Phúc cho rằng những giáo viên ở tỉnh rất cần tham khảo sách vì trình độ còn hạn chế. Nhưng sách thiếu chính xác thì khó lòng giáo viên biết phải tham khảo làm thế nào.
Kết quả đẹp?
Kết quả khảo sát để bước đầu đánh giá chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3, học kỳ I của năm học 2010 – 2011, từ Hà Nội, Hòa Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM cho thấy những con số khá “đẹp”.
Cụ thể, học sinh đạt loại khá giỏi rất cao (Hà Nội: 95%, Hòa Bình: 91%, Bà Rịa – Vũng Tàu: 89%) trong khi loại yếu chỉ chiếm 1% - 2,7%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết đây chỉ là số liệu thu thập từ những học sinh TP, là những trường có điều kiện tương đối tốt về các mặt, nếu khảo sát ở các tỉnh, thành khác, kết quả chắc chắn sẽ không đạt như vậy.
 Bài và ảnh: MINH QUYÊN / NLĐ