Thứ tư, 16/2/2011, 15h02

Dạy văn bằng 6 chiếc nón tư duy

Kỹ thuật “6 chiếc nón tư duy” là một kỹ thuật độc đáo được Edward de Bono phát triển vào năm 1985. Kỹ thuật này nhằm hướng mọi người cùng tập trung vào vấn đề từ cùng một góc nhìn, do đó sẽ triệt tiêu hoàn toàn các tranh cãi xuất phát từ các góc nhìn khác nhau.
Để có thể tập trung mọi suy nghĩ của mọi người vào cùng một khía cạnh của vấn đề, Edward de Bono đã đưa ra một phương pháp ẩn dụ thông qua 6 chiếc nón với 6 màu khác nhau: trắng, đỏ, vàng, đen, xanh lá cây và xanh da trời.
Cách thực hiện 6 chiếc nón tư duy
Học sinh (HS) cần chuẩn bị hộp bút chì màu và giấy trắng. Ý nghĩa của 6 chiếc nón với 6 màu khác nhau này được trình bày bên dưới:
1. Nón trắng (dữ liệu): Màu trắng là màu trung tính và khách quan. Nón trắng tập trung vào những con số và sự thực khách quan mang hình ảnh của một tờ giấy trắng, thông tin, dữ liệu. Khi chúng ta tưởng tượng đang đội chiếc nón trắng, chúng ta chỉ cần suy nghĩ về các thông tin, dữ kiện liên quan đến vấn đề đang cần giải quyết.
- Tiểu sử tác giả?
- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm?
- Lời bình về tác giả, tác phẩm?
2. Nón đỏ (cảm xúc): Màu đỏ tượng trưng cho sự đam mê và xúc cảm. Nón đỏ chú trọng vào góc nhìn của cảm xúc mang hình ảnh của lửa đang cháy, con tim, dòng máu nóng, sự ấm áp. Khi tưởng tượng đang đội chiếc nón đỏ, chúng ta chỉ cần đưa ra các cảm giác, cảm xúc, trực giác của mình về vấn đề đang giải quyết. Chỉ đưa ra các cảm giác, không cần giải thích.
- Cảm xúc khi lần đầu đọc tác phẩm?
- Cảm xúc khi phân tích tác phẩm?
3. Nón vàng (hay, lợi, tích cực): Màu vàng tươi vui và gắn liền với những ý nghĩa tích cực. Nón vàng hướng đến sự lạc quan, chứa đựng những hy vọng và suy nghĩ tích cực mang hình ảnh của ánh nắng mặt trời, sự lạc quan, các giá trị, các lợi ích. Người đội nón vàng sẽ đưa ra các ý kiến lạc quan, có logic, các mặt tích cực, các lợi ích của vấn đề, mức độ khả thi của dự án.
- Hay về nghệ thuật của tác phẩm?
- Hay về nội dung của tác phẩm?
4. Nón đen (dở, hại, tiêu cực): Màu đen ảm đạm và trang nghiêm. Nón đen là nón của sự cảnh giác và thận trọng. Nó chỉ ra những nhược điểm của một ý tưởng, một giải pháp. Hãy liên tưởng đến các điểm yếu, các lỗi, sự bất hợp lý, sự thất bại. Vai trò của chiếc nón đen là giúp chỉ ra những điểm yếu trong quá trình suy nghĩ của chúng ta. Chiếc nón đen để dùng cho “sự thận trọng”, nó chỉ ra các lỗi, các điểm cần lưu ý, các mặt yếu kém, bất lợi của vấn đề hay dự án đang tranh cãi. Chiếc nón đen đóng vai trò hết sức quan trọng, nó đảm bảo cho dự án của chúng ta tránh được các rủi ro, nó ngăn chúng ta làm điều sai, bất hợp pháp hay nguy hiểm.
- Tác phẩm có điều gì chưa hay?
- Tác phẩm có điều gì khó hiểu?
5. Nón xanh lục (cái mới, sáng tạo): Hãy liên tưởng đến cây cỏ xanh tươi, sự nảy mầm, sự đâm chồi, phát triển. Chiếc nón xanh lá cây tượng trưng cho sự sinh sôi, sáng tạo. Trong giai đoạn đội nón này, chúng ta sẽ đưa ra các giải pháp, ý tưởng cho vấn đề đang thảo luận.
- Một tình cảm mới? (do tác giả gửi đến người đọc).
- Một suy nghĩ mới? (do tác giả gửi đến người đọc).
- Một đóng góp mới của tác giả? (nghệ thuật hoặc nội dung).
6. Nón xanh dương (tổ chức): Màu của sự trầm tĩnh và cũng là màu của bầu trời, đứng cao hơn tất cả mọi thứ khác. Nón này tập trung vào sự kiểm soát, cơ chế của quá trình tư duy và việc sử dụng những chiếc nón khác. Hãy nghĩ đến bầu trời xanh lồng lộng, sự bao quát. Chiếc nón xanh da trời sẽ có chức năng giống như nhạc trưởng, nó sẽ tổ chức các chiếc nón khác - tổ chức tư duy. Nón xanh da trời sẽ kiểm soát tiến trình tư duy. Đây là chiếc nón của người lãnh đạo hay trưởng nhóm thảo luận. Vai trò của người đội nón xanh da trời là:
- Xác định trọng tâm và mục đích thảo luận cho nhóm (Chúng ta ngồi ở đây để làm gì? Chúng ta cần tư duy về điều gì? Mục đích cuối cùng là gì?). Sắp xếp trình tự cho các chiếc nón trong suốt buổi thảo luận. Người đội nón xanh da trời cần bảo đảm nguyên tắc vàng sau: “Tại một thời điểm nhất định, mọi người phải đội mũ cùng màu”. Cuối cùng, tập hợp mọi ý kiến, tóm tắt, kết luận và ra kế hoạch (Chúng ta đã đạt được gì qua buổi thảo luận? Chúng ta có thể bắt đầu hành động chưa? Chúng ta có cần thêm thời gian và thông tin để giải quyết vấn đề này?).
Chúng ta thấy rằng, với kỹ thuật 6 chiếc nón tư duy, mọi người sẽ cùng tập trung giải quyết vấn đề từ cùng một góc nhìn do đó sẽ không xảy ra xung đột do những quan điểm khác nhau. Ngoài ra, một vấn đề sẽ được xem xét từ nhiều khía cạnh trước khi được quyết định, điều này sẽ giúp chúng ta có các quyết định hiệu quả và đúng đắn.
HS tự tạo 6 chiếc nón tư duy
Giáo viên dạy tiết văn theo đúng đặc trưng của môn văn ở trên lớp. HS tự hoạt động độc lập, sáng tạo qua việc tự tạo một bản đồ tư duy về bài đã học trên lớp vào tiết phụ đạo, tiết tự chọn hoặc ở nhà.
Lưu ý: HS tự học, tự khám phá thêm các kiến thức về tác phẩm văn học qua việc tự tìm tài liệu trên mạng để làm phong phú bản đồ tư duy. Sau đó chia sẻ các tài liệu tìm tài liệu trên mạng với các bạn trong lớp.
Tuy An

“Dạy văn bằng 6 chiếc nón tư duy” là một phương pháp sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học, giúp HS nắm vững bài nhanh chóng, nhớ lâu, ôn tập dễ dàng. Thông qua việc tự tìm tòi, sáng tạo, HS học được kỹ năng thu thập và xử lý thông tin. Phương pháp này được thầy Hoàng Đức Huy (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Q.4, TP.HCM) áp dụng rất hiệu quả ở bậc THCS và THPT trong thời gian qua.