Thứ tư, 12/1/2011, 16h01

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?” - Người thầy phải kiên trì, nhẫn nại

Cụm từ “Học sinh cá biệt” chỉ là một cách gọi để chỉ đối tượng học sinh (HS) có sự bất ổn về tư duy và hành động. Tình trạng này có thể chỉ diễn ra trong một giai đoạn hoặc kéo dài, dẫn đến hậu quả về mặt học tập cũng như hạnh kiểm của các em.
1. HS cần gì ở giáo viên
Theo tôi, đó là sự kiên trì, nhẫn nại cộng với tình thương yêu chân thật dành cho học trò. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, tôi từng gặp không ít HS được coi là “cá biệt”. Các em này thích gây gổ, đánh nhau, tụ tập lại băng nhóm ức hiếp các HS khác, vô lễ với thầy cô, học hành sa sút, liên tục vi phạm nội quy nhà trường. Một số em khác lại chọn lối sống khép kín, thiếu thân thiện với bạn bè, thầy cô hoặc hoang tưởng trong thế giới ảo của game… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của các em, giáo viên phải tìm ra nguyên nhân ấy và có cách giải quyết triệt để vấn đề của các em theo hướng tích cực, đưa các em trở lại với đời sống tinh thần yên ổn, khơi lại sự hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò.
HS giỏi giúp HS yếu học tập là biện pháp tốt nhất giúp HS yếu không còn mặc cảm, tự ti (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Muốn làm được những điều này, giáo viên cần phải hành xử theo cái tâm bao dung của người thầy, lắng nghe các em nói, đôi khi cần hi sinh nhiều thời gian riêng tư, công sức và cả tự ái của người thầy nữa. Trò có tâm phục, khẩu phục cách giải quyết của thầy mới nghiệm ra cái lỗi của mình mà quyết tâm sửa chữa.
2. Phụ huynh cùng hỗ trợ
Chỉ cần người thầy đối xử với học trò bằng tấm lòng bao dung, công bằng, thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến tư duy, hành vi tiêu cực của các em để có biện pháp giáo dục phù hợp thì cụm từ “học sinh cá biệt” theo nghĩa xấu sẽ ít được nhắc nhở trong môi trường giáo dục.
Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh cũng là một yếu tố quan trọng trong giáo dục HS “cá biệt”. Đó phải là mối quan hệ hợp tác hai chiều, thiện chí và cảm thông với mục đích tìm ra biện pháp tối ưu cho từng trường hợp vi phạm cụ thể của HS trên cơ sở tôn trọng nhân cách, cá tính của các em.
Tôi đã từng nghe tâm sự của nhiều phụ huynh khi được mời đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm. Họ chia sẻ rằng, rất ngại những cuộc đối mặt như vậy bởi ngôn ngữ, thái độ của một số giáo viên chủ nhiệm khiến họ có cảm giác bị “buộc tội”. “Con dại cái mang” nhưng nếu phụ huynh được giáo viên chia sẻ, thông cảm thì họ sẽ thấy dễ chịu hơn. Nhất là những phụ huynh thuộc thành phần lao động nghèo, họ cảm thấy được cất đi nửa phần gánh nặng mặc cảm trong trách nhiệm giáo dục con em của mình. Nếu phụ huynh đến trường với nỗi ngao ngán phải ngồi nghe giáo viên chủ nhiệm cao giọng “mắng vốn” thì sự hợp tác cần thiết giữa gia đình và nhà trường sẽ không thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục HS “cá biệt”. Mặt khác, một số phụ huynh khi được giáo viên chủ nhiệm, giám thị mời đến trường trao đổi về sự sa sút hạnh kiểm, học lực, những vi phạm của con em mình thường tìm cách chống chế, bao che cho con, không tích cực hợp tác với giáo viên. Vậy giáo viên phải làm gì trong trường hợp này?
3. Bằng tấm lòng người thầy
Tôi xin kể về một học trò thường xuyên là “khách mời” của giám thị, tham gia nhiều vụ ẩu đả. Ngày đầu tiên chuyển đến trường tôi, cha của em nói: “Cháu rất ngoan, rất thông minh. Tôi phải chuyển trường cho cháu vì bị giáo viên dạy toán ở trường cũ “đì”. Tôi sẽ cho cháu du học ở Anh sau khi tốt nghiệp THPT…”. Thế mà chỉ chưa đầy một tuần, lớp đã xáo trộn vì những vi phạm của em này. Tôi có mời phụ huynh đến để trao đổi giáo dục thì thường chỉ nhận được các lời hẹn, lời cáo lỗi hoặc có đến phụ huynh cũng chỉ ca cẩm bận việc, thậm chí mắng té tát con mình mà không kể đến sự có mặt của giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, lặp lại điệp khúc “ở nhà nó đâu có thế, ngoan lắm”. Tôi hiểu, sự hợp tác giữa tôi và phụ huynh là không thể nên phải thay đổi biện pháp. Em hay đi học trễ, tôi gọi điện thoại nhắc nhở em đến trường. Em bỏ bê việc học, tôi phối hợp với giáo viên bộ môn kiểm tra vở, gọi lên bảng, trả bài, phụ đạo… Để tách em ra khỏi những mối quan hệ xấu, tôi vận động các bạn khuyến khích em tham gia một số hoạt động của lớp. Tôi thường trò chuyện với em, khơi dậy ở em sự tự tin vào giá trị bản thân. Trước ngày đi du học, em gặp tôi và nói: “Em sẽ rất nhớ cô”. Tôi hiểu em đã thực sự trưởng thành.
Tôi vẫn cho rằng, chỉ cần người thầy đối xử với các em bằng tấm lòng bao dung, công bằng, thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến tư duy, hành vi tiêu cực của các em để có biện pháp giáo dục phù hợp thì cụm từ “HS cá biệt” theo nghĩa xấu sẽ ít được nhắc nhở trong môi trường giáo dục của chúng ta.
Trần Thị Bạch Tuyết
(GV bộ môn Văn, Trường THPT Gia Định)