Thứ hai, 8/8/2011, 15h08

Diễn đàn: Giáo viên làm gì để có tiết dạy thành công?: Giáo viên làm gì khi soạn giáo án?

GV căn cứ vào nội dung của bài giảng mà soạn ra giáo án cụ thể. Ảnh: N.Anh

Ngoài nghiên cứu kỹ mục tiêu bài dạy và yêu cầu chung cần đạt, chúng ta phải xem xét điều kiện thực tế như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẵn có, đồ dùng dạy học tự làm… còn thiếu đủ những gì? Từ đó mới đưa ra các hình thức tổ chức lớp học và cả phương pháp dạy cụ thể trên tình hình thực tế về cơ sở vật chất, về HS và cả mục tiêu cần đạt của từng hoạt động. Trong đó chú ý thêm các hình thức học nhóm. Khi phân nhóm, chúng ta nên lựa chọn hình thức phân nhóm ngẫu nhiên mà không ngẫu nhiên (có nghĩa là các em sẽ ngồi theo nhóm bốc thăm nhưng đã có sự sắp đặt trước của GV) để tạo không khí vui tươi, sinh động cho tiết học. Khi thảo luận phải có câu hỏi và hệ thống câu hỏi đó cần rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ; đồng thời vừa sức với từng đối tượng HS và đối tượng nhóm. Tránh những câu hỏi quá dễ chỉ cần câu trả lời “có” hoặc “không”! Nên lưu tâm đến câu hỏi mở để HS đào sâu suy nghĩ nhằm phát triển trí lực của các em. Ngoài ra, nội dung câu hỏi phải phù hợp với thời gian cho phép thảo luận. Những câu hỏi sử dụng nhiều trong quá trình dạy và dành cho số đông của lớp thì phải chặt chẽ, hệ thống và có tính dẫn dắt từ dễ đến khó. Chú ý: Những câu hỏi dễ ưu tiên cho HS trung bình, yếu trả lời. GV cũng nên dự kiến cả câu trả lời của các em để đưa ra nhiều phương án giải quyết. Có như vậy các em mới trả lời đúng định hướng, có hiệu quả và đảm bảo thời gian. Nếu cần thiết thì soạn hệ thống bài tập làm tại lớp và cả về nhà theo 2 loại: Bài tập cơ bản và bài tập nâng cao. Để tránh bị “cháy” giáo án, người dạy phải biết ước lượng thời gian cho từng hoạt động và cả tiết dạy. Nhất là khi dạy học theo phương pháp cá thể, phần chuẩn bị của GV cần chi tiết, thật cụ thể để có thể làm chủ thời gian trong mỗi tiết dạy.

Qua đó cho chúng ta thấy, việc soạn giáo án là cực kỳ quan trọng. Vì giáo án là công cụ giảng dạy nên soạn có chu đáo, đúng hướng thì việc dạy học trên lớp mới thành công được.n
Một GV Trường TH Trần Văn Ơn
(Q. Gò Vấp, TP.HCM)

Thành công từ sự chuẩn bị công phu
Mỗi năm, một GV cần thực hiện các tiết dạy: tiết dạy tốt, thực tập sư phạm, chuyên đề. Để thực hiện một trong các tiết dạy có người dự ấy, GV phải chuẩn bị rất công phu: soạn giáo án cẩn thận, nhờ đồng nghiệp hay ban giám hiệu góp ý, lên tiết dạy thử, dặn dò HS cách chuẩn bị bài và cách trả lời câu hỏi, chuẩn bị trang thiết bị, thao tác mẫu trên các trang thiết bị… và vì có sự chuẩn bị công phu nên tiết dạy đa số là thành công hoặc chí ít cũng đạt được một trong nhiều nội dung kiến thức trong bài HS nắm vững.
Tôi rất tâm đắc tiết dạy của cô giáo Th. (lớp 5) qua bài “Kì diệu rừng xanh”, với cách giới thiệu từ và ngữ rất sinh động. Cô vừa đọc mẫu bài một cách chậm rãi, vừa đính tranh thích hợp: nào là vượn bạc má, chồn sóc, con mang vàng… nào là những nấm to bằng cái ấm tích, màu sắc sặc sỡ… lên bức tranh khổng lồ “Rừng xanh” mà GV đã vẽ. Qua thao tác đính tranh, đính từ đã gợi cho các em HS vừa hiểu từ, vừa biết tên các vật, vừa tạo sự sôi động trong khu rừng để kịp xuất hiện thêm từ kì diệu vào tựa đề bài dạy hôm ấy: “Kì diệu rừng xanh”.
Tôi thích tiết dạy của cô giáo K. (lớp 2) với môn tự nhiên xã hội, bài “Cá nước mặn, cá nước ngọt”. Trong tiết dạy, GV đã thành công với hình thức thảo luận nhóm của HS, các em được chia thành nhóm 6, cùng quan sát tranh rồi trao đổi… Từ đó, các em đã phân biệt gần đúng tên các loại cá và nơi sinh sống của nó. Với sự định hướng, cái chốt lại của GV, các em cũng đã nắm vững bài. Tuy nhiên, tiết dạy sẽ thành công hơn nếu như GV chỉ nên dừng lại ở mục đích yêu cầu của bài là phân biệt cá nước mặn, cá nước ngọt. Vì vui quá, vì HS nhiệt tình quá nên các em trao đổi luôn: cá nào ngon, cá nào không ngon, các món ăn từ cá: lẩu, cá chiên, cá lóc nướng… nên tiết dạy có kéo dài thêm thời gian.
Đã ba năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ tiết dạy sinh động của cô giáo Th. (lớp 1) với môn tự nhiên xã hội, bài “Rau”. Được sự gợi ý, dặn dò của GV, các em HS chuẩn bị rất nhiều loại rau: rau muống, cải bẹ xanh, su hào, dưa leo… Cũng như tiết dạy tự nhiên xã hội ở trên, các em rất thích thú khi được thực hiện hình thức thảo luận nhóm nên trao đổi rất tự nhiên. Các em đã vận dụng những hiểu biết của mình để truyền kinh nghiệm lại cho những bạn khác. Và vui hơn nữa khi những hình ảnh trực quan về “cây rau” là của các em, của gia đình các em, có khi còn là sự nũng nịu, vòi vĩnh cùng đi chợ với mẹ để được lựa chọn rau… tức là cùng góp công xây dựng bài…
Nói đến tiết dạy thành công, không thể không kể đến những tiết dạy của cô Th. (lớp 1) đã đề cập ở trên. Cô Th. nhiều năm là GV giỏi, đại diện nhà trường tham gia phong trào “Giáo viên dạy tốt cấp quận”. Lớp 1 là lớp bé nhất ở bậc tiểu học, là lớp mới lên từ mẫu giáo hoặc chưa học gì nên việc xây dựng, ổn định nề nếp cho các em ngồi im và lắng nghe là một nghệ thuật. Vì có ngồi im và lắng nghe mới hiểu được: cô giảng gì, cô yêu cầu làm gì, và thảo luận cái gì… có như thế các em mới tập trung thảo luận, xây dựng bài. Mặc dù là “người lớn” nhưng đội ngũ dự giờ của chúng tôi vẫn còn ham nghe chuyện con nít “Ngỗng và Tép” do cô Th. kể cho HS của mình nghe. Bởi lẽ, cô vừa kể với tâm trạng của vợ chồng nghèo đang suy nghĩ món ăn đãi khách cho hôm sau, vừa thể hiện giọng tâm sự của vợ chồng nhà Ngỗng, vừa thể hiện những suy nghĩ của người khách. Bản thân GV vừa kể vừa dẫn chứng bằng những bức tranh treo kịp thời, giúp HS nắm được cốt truyện. Và với sự gợi ý của GV bằng hệ thống câu hỏi rõ ràng đã giúp các em có thể tự kể lại câu chuyện cho các bạn nghe.
Trên đây là bốn dẫn chứng thể hiện phần nào tiết dạy thành công (theo nhận định của tôi). Tuy nhiên, theo tôi, còn rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến tiết dạy, giúp tiết dạy thành công.
Trần Mỹ Lệ
(Trường Tiểu học Bình Quới, Thủ Đức, TP.HCM)